Tháng 4 và 5: Mỗi người dân sẽ được dự phòng thêm gần 13 kg gạo

Hưng Long
07/04/2020 - 12:30
Tháng 4 và 5: Mỗi người dân sẽ được dự phòng thêm gần 13 kg gạo

Ảnh minh họa

Bộ Công Thương đã có công văn số 2412/BCT-XNK trình Thủ tướng Chính phủ vào ngày 6/4 về việc xuất khẩu gạo trong bối cảnh dịch bệnh và hạn hán, xâm nhập mặn.

Xin xuất khẩu 400.000 tấn trong tháng 4

Bộ Công Thương đã kiến nghị phương án điều hành xuất khẩu gạo căn cứ vào các thông tin, số liệu rà soát để báo cáo Thủ tướng Chính phủ phương án điều hành xuất khẩu gạo trong thời gian tới. Nguyên tắc xây dựng phương án trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 đang diễn biến hết sức phức tạp, cần đảm bảo tuyệt đối an ninh lương thực quốc gia, không để xảy ra tình trạng thiếu lương thực trong bất kỳ hoàn cảnh nào.

Trên cơ sở bảo đảm an ninh lương thực quốc gia, có biện pháp hợp lý để duy trì chuỗi sản xuất lúa gạo; hỗ trợ tiêu thụ thóc, gạo cho người nông dân với giá tốt; bảo đảm mục tiêu "kép" là chiến thắng dịch bệnh và duy trì sản xuất, tăng trưởng kinh tế.

Bộ Công Thương trình phương án được xây dựng dựa trên thông báo chính thức của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về lượng gạo hàng hóa vụ Đông Xuân có thể xuất khẩu: cụ thể là 3 triệu tấn. Đây là số lượng còn lại sau khi đã bảo đảm nhu cầu tiêu dùng và dự trữ thông thường trong nước.

Tháng 4 và 5: Mỗi người dân sẽ được dự phòng thêm gần 13 kg gạo  - Ảnh 1.

Ảnh minh họa

Bộ Công Thương đảm bảo việc công khai, minh bạch, công bằng; dễ thực hiện, dễ giám sát; không sử dụng cơ chế xin - cho, không tạo kẻ hở cho lợi ích nhóm. Từ đó, Bộ Công Thương đề xuất là sau khi đã tính toán kỹ để bảo đảm an ninh lương thực, có thể cho phép tiếp tục xuất khẩu gạo nhưng phải kiểm soát chặt số lượng xuất khẩu theo từng tháng, trước mắt là tháng 4 và 5/2020.

Theo thông báo chính thức của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, lượng gạo hàng hóa của vụ Đông Xuân có thể xuất khẩu là khoảng 3 triệu tấn, nếu tính cả số lượng "gối đầu" từ 2019 chuyển qua là 3,2 triệu tấn. Với tốc độ xuất khẩu 25.000 tấn/ngày trong 3 tháng vừa qua, do các tờ khai hải quan đã mở trước 0h ngày 24/3 vẫn tiếp tục được thực hiện, ước tính lượng gạo xuất khẩu tới 31/3 sẽ vào khoảng 1,7 triệu tấn. Lượng gạo có thể xuất khẩu còn lại khoảng 1,5 triệu tấn.

Tháng 4 và 5/2020, nhu cầu an ninh lương thực cần khoảng 300.000 tấn để thực hiện kế hoạch mua vào năm 2020 của Tổng cục Dự trữ Nhà nước. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã dự trù khoản dự trữ này khi tính toán số lượng gạo vụ Đông Xuân có thể xuất khẩu nhưng Bộ Công Thương nhận thấy vẫn nên dự trù thêm một lần nữa.

Ngoài lượng 300.000 tấn nói trên, giữ lại thêm 400.000 tấn để dự phòng cho mọi tình huống có thể xảy ra trong tháng 4 và 5. Như vậy, tổng lượng gạo xuất khẩu giữ lại cho nhu cầu trong nước trong 2 tháng (trước khi có thóc vụ Hè Thu) sẽ là 700.000 tấn. Với số lượng giữ lại này, mỗi người dân sẽ được dự phòng thêm 7,3 kg gạo, một hộ gia đình 4 người sẽ được dự phòng thêm khoảng 30 kg cho tháng 4 và 5 (khoảng nửa cuối tháng 5 ta bắt đầu thu hoạch vụ Hè Thu). Như vậy, theo tính toán riêng của PV Báo PNVN, tính trong tháng 4 và 5, mỗi người dân sẽ được dự phòng thêm gần 13 kg gạo.

Như vậy, trong tháng 4 và 5/2020, lượng gạo được phép xuất khẩu khoảng 800.000 tấn. Lượng được phép xuất khẩu này giảm 40% so với lượng xuất khẩu tháng 4 và 5 năm 2019; giảm 35,7% so với cùng giai đoạn năm 2018 và giảm 21,7% so với cùng giai đoạn năm 2017.

Căn cứ tổng số lượng 800.000 tấn nói trên, trước mắt trong tháng 4 cho phép xuất khẩu 400.000 tấn. Vào tuần cuối cùng của tháng 4, căn cứ diễn biến dịch bệnh và báo cáo của các Bộ, ngành, Thủ tướng Chính phủ sẽ xem xét, quyết định phương hướng điều hành xuất khẩu gạo cho tháng 5.

Chỉ đạo Vinafood 1 và các Công ty thành viên của Vinafood 1 ưu tiên ký ngay hợp đồng đối với số lượng đã trúng thầu?

Để hỗ trợ cho phương án nên trên, góp phần bảo đảm mục tiêu điều hành xuất khẩu gạo trong giai đoạn hiện nay, Bộ Công Thương kiến nghị thực hiện một số biện pháp: Bộ Tài chính tiếp tục chỉ đạo Tổng cục Dự trữ Nhà nước khẩn trương mua đủ số lượng lương thực dự trữ theo kế hoạch được giao;

Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước phối hợp Bộ Tài chính để đôn đốc, chỉ đạo Vinafood 1 và các Công ty thành viên của Vinafood 1 ưu tiên ký ngay hợp đồng đối với số lượng đã trúng thầu tại các Cục Dự trữ Nhà nước khu vực theo kết quả đấu thầu.

Chỉ cho phép xuất khẩu gạo qua cửa khẩu quốc tế (đường bộ, đường sắt, đường biển, đường thủy, đường hàng không), nơi đã có đủ trang thiết bị nối mạng để Tổng cục Hải quan có thể theo dõi và phản ánh theo thời gian thực.

Bộ Công Thương chỉ đạo Tổng cục Quản lý thị trường, Bộ Quốc phòng chỉ đạo lực lượng Biên phòng tăng cường kiểm tra, giám sát chặt chẽ để phòng ngừa, xử lý nghiêm hành vi buôn lậu gạo qua biên giới.

20 doanh nghiệp xuất khẩu gạo lớn nhất phải ký thỏa thuận với ít nhất là 1 hệ thống siêu thị về việc bảo đảm cung cấp lượng dự trữ lưu thông 5% khi được yêu cầu. Trường hợp không thực hiện theo thỏa thuận, đã được nhắc nhở nhưng không khắc phục, Bộ Công Thương được quyền thu hồi Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh xuất khẩu gạo đã cấp.

Bộ Công Thương đề xuất chính phủ có Nghị quyết cho phép được thu hồi Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh xuất khẩu gạo đã cấp trong trường hợp doanh nghiệp xuất khẩu gạo không thực hiện chế độ báo cáo định kỳ. Trong hơn 1 năm qua, do Nghị định 107/2018-CP quy định chế tài xử lý chưa nghiêm nên đa số doanh nghiệp không thực hiện chế độ báo cáo định kỳ cho Bộ Công Thương.

Bộ Công Thương sẽ tổng hợp, đăng tải công khai trên website của Bộ địa điểm mà doanh nghiệp xuất khẩu gạo lưu trữ lượng dự trữ lưu thông khoảng 5% và giao Sở Công Thương các tỉnh/thành phố giám sát, kiểm tra. Trường hợp phát hiện doanh nghiệp khai báo không trung thực, cho phép Bộ Công Thương thu hồi Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh xuất khẩu gạo đã cấp.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm