Tháng hành động vì trẻ em 2019: 3 trăn trở từ lãnh đạo Cục Trẻ em

31/05/2019 - 14:35
“Chung tay vì trẻ em nghèo, phòng chống đuối nước trẻ em, phòng chống bạo lực, xâm hại tình dục trẻ em” - đó là thông điệp của Tháng hành động vì trẻ em 2019. Được biết, năm nay là năm thứ 30 Việt Nam ký Công ước về quyền trẻ em, năm thứ 25 phát động Tháng hành động vì trẻ em.

Dạy trẻ kỹ năng an toàn dưới nước 

Ông Đặng Hoa Nam, Cục trưởng Cục Trẻ em (Bộ LĐTB&XH), chia sẻ, ông cảm thấy rất đau lòng trước những vụ đuối nước thương tâm gần đây. Đặc biệt là vụ 8 trẻ ở Hòa Bình tử vong do đuối nước khi rủ nhau chơi bóng nước ở sông Đà gần nhà xảy ra cách đây 2 tháng. Điều đáng nói là những đứa trẻ tử vong do đuối nước đều biết bơi, 1 trong 2 em thoát nạn do không biết bơi nên ngồi trên bờ.

 

te.jpg
Ông  Đặng Hoa Nam, Cục trưởng Cục trẻ em (Bộ LĐTB&XH)
 

 

Theo ông Nam: “Không phải cứ trẻ biết bơi là cha mẹ có thể yên tâm. Nhiều trường hợp tử vong do trẻ em tự ý đi bơi, đi chơi không có người lớn đi kèm, mặc dù nhiều em đã biết bơi nhưng vẫn tử vong do bơi tại khu vực nước sâu nguy hiểm, do cứu bạn hoặc do ngã xuống ao, các hố nước xây dựng. Các vụ đuối nước trẻ em xảy ra tập trung vào những tháng hè, đặc biệt là đầu mùa hè.”

 

Ông Đặng Hoa Nam cho biết, giải pháp quan trọng để chống đuối nước ở trẻ em là dạy trẻ kỹ năng an toàn trong môi trường nước và phải có sự giám sát của gia đình, cha mẹ. Dạy trẻ biết nhìn nguồn nước như thế nào là nguy hiểm, những nơi vắng vẻ thì không được tắm. “Để hạn chế các vụ tử vong do đuối nước, cần sự chung tay của gia đình và cộng đồng địa phương. Các tổ chức như đoàn thanh niên, hội phụ nữ, hội nông dân có thể chia nhau để đi tuần ở những vùng nước trẻ hay xuống tắm, để giám sát, nhắc nhở trẻ, rà soát vùng nước nguy hiểm để cắm gậy cảnh báo nguy hiểm” – ông Nam nói.

 

3-1-1403.jpg
Giải pháp quan trọng để chống đuối nước ở trẻ em là dạy trẻ kỹ năng an toàn trong môi trường nước và phải có sự giám sát của gia đình, cha mẹ. Ảnh minh họa

 

Nhân tháng hành động vì trẻ em năm nay, ông Đặng Hoa Nam cho biết, Bộ LĐTB&XH kiến nghị xây dựng chính sách hỗ trợ phòng, chống đuối nước trẻ em, ưu tiên hỗ trợ việc học bơi và học kỹ năng an toàn trong môi trường nước cho trẻ em nghèo và trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt. UBND các tỉnh, thành phố kiểm tra, thanh tra công trình, môi trường sống không an toàn đối với trẻ em… Các địa phương cần quan tâm đầu tư ngân sách của địa phương, đẩy mạnh xã hội hóa để xây dựng các bể bơi, hồ bơi đơn giản và dạy bơi cho trẻ em.

 

Cần thay đổi trong việc phòng chống bạo lực, xâm hại trẻ em 

Trước nhiều vụ bạo lực và xâm hại tình dục trẻ em diễn ra, tâm lý xã hội hiện nay khá lo lắng, cảnh giác trước mọi nguy cơ. Ông Đặng Hoa Nam cho biết, thực tế không phải là bức tranh u ám như thế. Bởi trước đây, nếu đứa trẻ bị xâm hại thì cha mẹ không biết gọi ai đầu tiên, không biết tìm kiếm sự trợ giúp từ ai. Giờ đây, số vụ việc được phát hiện và tố cáo đã tăng lên. Các dịch vụ hỗ trợ có nhiều tiến bộ, cơ quan công an hoạt động tích cực hơn, tổng đài bảo vệ trẻ em 111 hoạt động mạnh, nhờ báo chí gây áp lực mà nhiều vụ việc đã được giải quyết.

 

dai-dien-2_uhkw.jpg
 

Tuy nhiên, vẫn có các vụ việc, do quá trình điều tra cứng nhắc nên gây ảnh hưởng đến tâm lý nạn nhân là đứa trẻ. Như vụ cơ quan điều tra yêu cầu đứa trẻ 5 tuổi phải diễn đi diễn lại cảnh bị xâm hại ở hiện trường. Thế nên, rất cần có những thay đổi về pháp luật, về quá trình tiến hành tố tụng, hỗ trợ chăm sóc nạn nhân…

 

Theo ông Đặng Hoa Nam, liên quan đến những vụ bạo lực, xâm hại tình dục trẻ em, cần có những thay đổi: Cần xử lý nghiêm minh nhất (cùng hành vi nhưng liên quan đến trẻ em thì hình phạt phải cao hơn, càng trẻ nhỏ tuổi thì án càng nặng), kịp thời nhất (quá trình giám định pháp y và quá trình tiến hành tố tụng tại tòa đối với trẻ em phải thay đổi, theo quy trình đặc biệt). Cần hỗ trợ, chăm sóc cho nạn nhân một cách tốt nhất (trẻ em bị bạo lực, xâm hại được hỗ trợ, can thiệp, được cung cấp các dịch vụ chăm sóc sức khỏe, trợ giúp xã hội, hỗ trợ giáo dục, đào tạo và giáo dục nghề nghiệp, hỗ trợ sử dụng các dịch vụ trợ giúp pháp lý, tư vấn, trị liệu tâm lý…).

 

Vì trẻ em nghèo dân tộc thiểu số và miền núi 

Hiện cả nước vẫn còn khoảng 5,6 triệu trẻ em nghèo (chiếm khoảng 21%). Theo ông Đặng Hoa Nam, dù có nhiều chính sách dành cho trẻ em nghèo nhưng ngân sách nhà nước chưa đủ. Các phong trào thiện nguyện duy trì tốt khi mang quà hỗ trợ đến từng thôn bản, tận tay nhưng họ chưa có cái nhìn bao quát. Nhiều nơi, trẻ em được nhận đồ thiện nguyện nhưng ở nhiều vùng sâu vùng xa khác, trẻ em không được biết đến.

 

tre-em1.jpg
heo ông Đặng Hoa Nam, dù có nhiều chính sách dành cho trẻ em nghèo nhưng ngân sách nhà nước chưa đủ. Ảnh minh họa

 

Chính vì thế, Bộ LĐTB&XH có đề án vận động nguồn lực xã hội hỗ trợ trẻ em các xã đặc biệt khó khăn thuộc vùng dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2019-2025 được Chính phủ phê duyệt với các mục tiêu: Cải thiện tình trạng sức khỏe, dinh dưỡng của trẻ em thông qua khám chữa bệnh, hỗ trợ bữa ăn dinh dưỡng cho trẻ em lứa tuổi mầm non, tiểu học; Hỗ trợ trẻ em được tham gia các hoạt động văn hóa, vui chơi, giải trí; Hỗ trợ đồ ấm cho trẻ em.

 

Với mục tiêu chăm sóc sức khỏe cho trẻ em miền núi, hàng năm sẽ có đoàn bác sĩ thiện nguyện đến khám sức khỏe cho trẻ, có sổ theo dõi thường xuyên. Trong hoạt động chăm sóc bữa ăn dinh dưỡng, trẻ đi học sẽ được cung cấp gói thức ăn gồm bánh, sữa đặc, thức ăn dinh dưỡng nhằm mục đích cải thiện một phần dinh dưỡng cho trẻ và đây cũng là động cơ để các em đến trường. Hỗ trợ điều kiện vui chơi giải trí cho trẻ em bằng cách biến điểm trường, lớp học đó đồng thời là nơi vui chơi, giải trí, cần cung cấp gói thiết bị như đu quay, thú nhún, hỗ trợ để có tủ sách, tivi, máy tính…

* Theo báo cáo của Sở LĐTB&XH các tỉnh, thành phố, 4 tháng đầu năm 2019 có 133 trẻ em tử vong do đuối nước. Đặc biệt, có một số vụ đuối nước nghiêm trọng làm tử vong nhiều trẻ em như 6 em tại Quảng Nam, 8 em tại Hòa Bình, 3 em tại Nghệ An…

* Vấn đề bạo lực, xâm hại tình dục trẻ em diễn ra phức tạp. Trong giai đoạn 2017-2018, có 2.690 trẻ em bị xâm hại tình dục. Có những vụ việc phát hiện muộn, thiếu một số các chế tài để kết tội, trẻ em, người lớn thiếu kỹ năng phòng ngừa xâm hại bạo lực.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm