Thành công khi dám mạnh dạn và chịu học hỏi cái mới

Lê Phượng
08/04/2020 - 17:13
Thành công khi dám mạnh dạn và chịu học hỏi cái mới
Đến thăm gia đình chị Tưởng Thị Liễu, sinh năm 1992, xã Tân Phong, huyện Vũ Thư, Thái Bình, mọi người sẽ thấy được cách khởi nghiệp đúng theo câu nói “cách làm mới cho hướng đi cũ”.

Mạnh dạn mở rộng sản xuất lúa với quy mô lớn

Năm2017, huyện Vũ Thư (Thái Bình) có chủ trương tích ruộng đất  nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất nông nghiệp, thông qua mở rộng quy mô sản xuất phù hợp, áp dụng tiến bộ khoa học công nghệ và hình thành khu vực chuyên canh theo hướng sản xuất nông nghiệp hiện đại, chuyên môn hóa gắn với thị trường. Đảng ủy, Ủy ban nhân dân xã Tân Phong đã tích cực tuyên truyền chủ trương này đến với người dân. Lúc đó vợ chồng chị Tưởng Thị Liễu còn rất trẻ, làm lao động tự do, mọi chi tiêu trong gia đình chỉ trông chờ vào mấy sào ruộng, lại còn phải nuôi hai con nhỏ. Nắm bắt được chủ trương tích tụ ruộng đất của địa phương, với tình yêu lao động, mong muốn làm giàu trên mảnh đất quê hương, vợ chồng chị Tưởng Thị Liễu đã nảy sinh ý tưởng mở rộng sản xuất lúa với quy mô lớn.

Thành công khi dám mạnh dạn và chịu học hỏi cái mới  - Ảnh 1.

Chị Tưởng Thị Liễu đã thành công với cách khởi nghiệp của mình

            Nắm bắt được thực trạng sản xuất nông nghiệp tại địa phương thời điểm đó, khi số lượng người dân bỏ hoang đất nông nghiệp ngày một tăng. Lao động nông nghiệp chuyển dịch theo hướng công nghiệp, dịch vụ. Sinh sống tại địa phương là những người cao tuổi, mất sức lao động. Lao động trẻ làm việc tại các nhà máy, xí nghiệp trên địa bàn.

Những cánh đồng canh tác "bờ xôi ruộng mật" ngày xưa nay chuyển thành những cánh đồng hoang hóa, cỏ mọc um tùm. Vợ chồng chị Liễu đã mạnh dạn gặp gỡ các đồng chí trưởng thôn để nắm bắt các hộ được giao ruộng không có nhu cầu sử dụng đất để sản xuất, những cánh đồng xa khu dân cư, ruộng xấu mà nhân dân không tha thiết. Vợ chồng chị đã thỏa thuận với các hộ gia đình cho thuê mượn ruộng trong thời gian 10 năm với định mức thuê 70/kg/sào/năm.

Đến nay, gia đình chị đã tích tụ được 30ha đất nông nghiệp tập trung trên địa bàn các thôn Ô Mễ 1, Ô Mễ 2, Thụy Bình. Có lượng lớn diện tích đất nông nghiệp trong tay, vợ chồng chị Liễu đã chủ động "khăn gói quả mướp" lên đường tham quan, học hỏi các mô hình sản xuất để có hướng đi đầu tư sản xuất cho gia đình đạt hiệu quả.

 Vợ chồng chị bắt tay vào cải tạo đồng ruộng, thuê máy xúc đắp bờ vùng, bờ thửa, tạo vùng sản xuất chuyên canh trồng lúa để tiện công chăm sóc. Tập trung những giống lúa chất lượng cao, thị trường dễ tiêu thụ như: Bắc thơm, nếp cái hoa vàng, trồng khảo nghiệm giống lúa Nhật xuất khẩu. Vừa làm, vừa học hỏi kinh nghiệm về kỹ thuật trồng lúa chuyên canh, học cách gieo mạ trên khay để cấy máy, kỹ thuật làm đất, ngâm ủ mạ đều theo quy trình. Đặc biệt, trong kỹ thuật phòng trừ sâu bệnh hại lúa, vợ chồng chị Liễu đã sử dụng máy phun thuốc trừ sâu, vừa bảo vệ sức khỏe người lao động, vừa tạo hiệu suất lao động cao. Trái ngọt thu được từ sản suất tập trung và cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp đã giúp anh chị thu lãi mỗi năm từ 150-200 triệu đồng.

Học hỏi kĩ thuật mới, tạo việc làm cho xã viên

           Để tận dụng tối đa quỹ đất, ngay sau khi thu hoạch xong diện tích lúa mùa, chị Liễu đã cùng chồng bắt tay ngay vào trồng cây vụ đông, dùng máy lên luống, tra hạt với diện tích 11 ha, tập trung chủ yếu các cây như bí đao cô tiên 7ha, bí đao xanh 3ha, ngô 1ha. Nhờ tuân thủ đúng kỹ thuật gieo trồng từng loại cây màu, mỗi năm anh chị thu về trên 300 tấn bí xanh, ngô với số tiền thu được trên 4 tỷ đồng, trừ chi phí lãi gần 2 tỷ đồng. Mô hình sản xuất của anh chị đã tạo nguồn thu nhập khá cho gia đình và tạo việc làm thường xuyên cho 5 lao động từ 4-6 triệu đồng/tháng, tạo việc làm theo mùa vụ cho 10 lao động, bình quân 200.000 đồng/người/ngày.

            Để có thêm kiến thức và kinh nghiệm trong sản xuất, chị Liễu tích cực tham gia các lớp tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật do Hội Liên hiệp Phụ nữ xã tổ chức, xem chuyên trang nhà nông trên sóng phát thanh, truyền hình trung ương, địa phương và sang các địa phương lân cận học thêm một số kinh nghiệm và tìm đầu ra cho sản phẩm.

            Nắm bắt được nhu cầu của người tiêu dùng hiện nay là mong muốn được sử dụng sản phẩm sạch, gia đình chị Liễu đặc biệt quan tâm đến việc sử dụng phân bón và thuốc bảo vệ thực vật đúng thuốc, đúng thời điểm, đúng liều lượng, đúng phương pháp. Ở mỗi thời điểm, chị Liễu đều ghi chép quy trình chăm sóc cẩn thận.

            Chủ động phục vụ cho sản xuất nông nghiệp, với diện tích canh tác lớn, không thể dùng sức người để đảm đang hết công việc đồng áng, vợ chồng chị liễu đã đầu tư các máy móc phục vụ sản xuất như máy làm đất, máy cấy, máy phun thuốc trừ sâu, máy tra hạt, máy sấy thóc…, đồng thời xây dựng nhà xưởng phục vụ sản xuất và bảo quản sản phẩm trước khi tiêu thụ ra thị trường. Vợ chồng chị đã ký hợp đồng với công ty Hưng Cúc bao tiêu sản phẩm ngay từ khi gieo trồng, kiểm soát đầu ra cho sản phẩm.

            Là hội viên phụ nữ trẻ, xác định gắn bó và làm giàu trên mảnh đất quê hương. Trong khi rất nhiều bạn trẻ đang loay hoay tìm kiếm việc làm, thì chị Tưởng Thị Liễu đã có một cơ ngơi khang trang, đầy đủ tiện nghi, nhất là "Không bao giờ thiếu việc làm" và một gia đình ấm êm hạnh phúc. Bản thân chị Liễu là một hội viên rất tích cực trong các phong trào của Hội Phụ nữ tại địa phương, nhất là việc tham gia cuộc vận động "Xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch".

- Lập gia đình từ khi còn rất trẻ, với xuất phát điểm khó khăn, nhưng 2 vợ chồng chị luôn có cuộc sống hòa thuận, hạnh phúc.

- Chị Liễu được chị em trong thôn quý mến, nể phục. Năm 2017, 2018, gia đình chị được Ủy ban nhân dân xã khen thưởng hộ gia đình làm kinh tế giỏi.

- Đặc biệt năm 2019, chị vinh dự được Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam tặng Bằng khen.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm