Thành công nhờ kết hợp nấu rượu truyền thống với vị thuốc bắc

Bài và ảnh: An Khê
27/05/2024 - 23:34
Thành công nhờ kết hợp nấu rượu truyền thống với vị thuốc bắc

Mô hình sản xuất rượu truyền thống của vợ chồng chị Chúc tạo việc làm cho nhiều lao động

Vợ chồng chị Hà Thị Chúc và anh Vũ Đình Tùng (xã Hưng Long, huyện Yên Lập, tỉnh Phú Thọ) khởi nghiệp bằng việc chưng cất rượu truyền thống. Không chỉ mang đến sản phẩm rượu có hương thơm đặc biệt của vị thuốc bắc, mà cơ sở Tùng Chúc còn tận dụng được nguồn gạo đặc sản của địa phương để ủ ra những giọt rượu tinh khiết.

Chia sẻ về ý tưởng ban đầu, chị Hà Thị Chúc cho hay, một thời gian dài theo dõi thị trường, chị thấy rượu không chỉ để uống mà còn để cúng lễ, thắp hương ngày rằm, lễ, Tết. Tuy nhiên, có nhiều người uống rượu dẫn đến ngộ độc, thậm chí mắc ung thư, tử vong vì rượu. Theo chị tìm hiểu, một số cơ sở dùng men không rõ nguồn gốc để ủ rượu, ảnh hưởng đến sức khỏe của người tiêu dùng.

Thành công nhờ kết hợp nấu rượu truyền thống với vị thuốc bắc- Ảnh 1.

Sau nhiều tháng thử nghiệm, sản phẩm rượu Tùng Chúc đã được khách hàng đón nhận

Chị Chúc bàn với chồng thử chưng cất rượu bằng cách truyền thống, tự làm men, ủ gạo và thực hiện trên dây chuyền chưng cất hiện đại để đảm bảo an toàn vệ sinh. Chị cũng nghiên cứu cách sử dụng men thuốc bắc gia truyền kết hợp 36 vị thuốc bắc để cho ra những giọt rượu có hương thơm đặc biệt mà an toàn cho sức khỏe người dùng. Chính những người thân trong gia đình, họ hàng, hàng xóm đã là những người "kiểm chứng" hương rượu, chất lượng và độ an toàn cho sản phẩm rượu Tùng Chúc trước khi chị đưa ra thị trường.

Chia sẻ về quá trình này, chị Chúc cho biết: "Trong quá trình sản xuất, chúng tôi gặp rất nhiều khó khăn. Ban đầu do chưa có kinh nghiệm, lúc thì nấu bị hỏng cơm, lúc thì ủ men chưa đúng dẫn đến thành phẩm bị chua, phải bỏ hết cả mẻ rượu. Bên cạnh đó, nồi nấu cũng phải thay rất nhiều. Hai vợ chồng cứ vừa làm vừa rút kinh nghiệm".

Thật ra, quy trình nấu rượu theo phương thức truyền thống rất phức tạp, nên chị Chúc gặp thất bại nhiều lần trước khi đi đến thành công. Ví dụ nấu bằng nồi nhôm chưa ngon chị lại đổi sang nồi đồng, rồi phải đổi qua rất nhiều loại nồi khác. Sau đó là nguồn nước. Trước đây chị nấu bằng nước giếng khoan chứa nhiều vôi và tạp chất nên rượu bị hỏng và không ngon. Vì vậy chị phải lên tận núi Đù ở xã Nga Hoàng bắc đường ống dẫn nước suối sạch về nấu, rượu mới có vị thơm ngon như hiện tại. Một việc nữa là phải đi tìm loại gạo đảm bảo thơm, chất lượng. 

Thành công nhờ kết hợp nấu rượu truyền thống với vị thuốc bắc- Ảnh 2.

Chị phải tìm gạo ngon, nước đạt chuẩn để làm ra những giọt rượu thơm ngon

Sau nhiều tháng thử nghiệm, sản phẩm rượu Tùng Chúc đã được khách hàng đón nhận bởi có vị "êm", thơm, ngọt đầu lưỡi, uống không có cảm giác "xông" và "hăng". Uống xong cũng không bị đau đầu, mệt mỏi. Tuy nhiên, chị Chúc cũng khuyên người dân không nên uống quá nhiều rượu, ảnh hưởng đến sức khoẻ và gây tai nạn giao thông.

"Khi nấu, tôi đã đưa qua hệ thống lọc khử độc tố anđehit và etanol. Rượu nấu ra lại để vào chum sành 1-2 năm trở lên mới bán ra thị trường. Hiện cơ sở Tùng Chúc mỗi ngày sản xuất từ 200-300 lít rượu. Ban đầu chúng tôi chỉ bán lẻ cho khách ở gần, khách mua chủ yếu cho đám hiếu, hỉ, mua làm quà biếu. Sau đó, chúng tôi mở rộng thị trường đến các nhà hàng xung quanh huyện. Dần dần nhiều người biết đến, bắt đầu đưa rượu ra các tỉnh và miền Nam để tiêu thụ. Tuy nhiên, vì là đồ uống có cồn nên gặp nhiều khó khăn khi vận chuyển đi xa. Chúng tôi vẫn đang nỗ lực tìm giải pháp", chị Chúc cho biết.

Thành công nhờ kết hợp nấu rượu truyền thống với vị thuốc bắc- Ảnh 3.

Năm 2023, sản phẩm rượu Tùng Chúc Hưng Long của chị Chúc được chứng nhận Ocop 3 sao

Mô hình sản xuất rượu truyền thống của vợ chồng chị Chúc không chỉ mang lại thu nhập mỗi năm từ 300 triệu đồng cho gia đình chị mà còn tạo việc làm cho nhiều lao động với mức lương từ 7-10 triệu đồng/người/tháng. Theo chia sẻ của chị Chúc, mặc dù sản xuất rượu mang lại thu nhập ổn định cho gia đình chị và mang lại việc làm cho người dân thông qua việc phát triển, tái tạo nguồn nguyên liệu sẵn có, nâng cao giá trị nông sản nhưng chị chỉ mong mọi người sử dụng rượu với liều lượng cho phép, tránh làm ảnh hưởng đến an ninh trật tự, an toàn xã hội và mối quan hệ trong gia đình và những người xung quanh.

Năm 2023, sản phẩm rượu Tùng Chúc Hưng Long của chị Chúc được chứng nhận Ocop 3 sao của huyện Yên Lập.

Liên hệ: Chị Hà Thị Chúc - Cơ sở sản xuất rượu truyền thống Tùng Chúc

Địa chỉ: Khu Đồng Chung, xã Hưng Long, huyện Yên Lập, tỉnh Phú Thọ

Điện thoại: 0975026123

Link bán hàng: Rượu men Bắc - Cơ sở sản xuất rượu Tùng Chúc

Giá bán: 28.000đ/lít


Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm