Thanh Hóa: Hội phụ nữ cơ sở chung tay làm du lịch cộng đồng tại bản Mạ

Thu Hà
30/08/2023 - 14:05
Thanh Hóa: Hội phụ nữ cơ sở chung tay làm du lịch cộng đồng tại bản Mạ

Bản Mạ - Điểm sáng du lịch cộng đồng ở huyện Thường Xuân

Nhiều năm trở lại đây, bản Mạ (thị trấn Thường Xuân, huyện Thường Xuân) nổi tiếng trong cộng đồng du lịch nhờ địa thế nằm bên dòng sông Chu, thiên nhiên xanh mát quanh năm, những nếp nhà sàn bên sườn núi yên bình mang đậm bản sắc văn hóa của đồng bào dân tộc Thái, tạo sinh kế bền vững cho nhiều hội viên, phụ nữ.

Phóng viên báo PNVN đã có cuộc trao đổi với bà Lê Thị Thương - Chủ tịch Hội LHPN thị trấn Thường Xuân, huyện Thường Xuân - để hiểu rõ hơn về quá trình bước vào ngành "công nghiệp xanh" của bà con ở đây.

PV: Xin bà cho biết mô hình du lịch cộng đồng tại bản Mạ được hình thành như thế nào?

Bà Lê Thị Thương: Hiện nay, toàn bản Mạ có 57 hộ, với 246 nhân khẩu. Nhiều năm nay, do đẩy mạnh công tác tuyên truyền, tập huấn hướng dẫn cách làm du lịch tại cộng đồng nên nhiều hội viên, phụ nữ cũng như người dân bản địa đã nâng cao nhận thức và tích cực đầu tư cơ sở vật chất, rèn luyện kỹ năng để làm du lịch cộng đồng nhằm nâng cao thu nhập, giữ gìn bản sắc văn hóa của dân tộc Thái.

PV: Nội dung tập huấn tại địa phương chú trọng vào những yếu tố gì, thưa bà?

Bà Lê Thị Thương: Chúng tôi thành lập câu lạc bộ (CLB) "Phụ nữ giữ gìn, bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa dân tộc", thu hút được 50 thành viên tham gia. Ban chủ nhiệm CLB thường đưa các hội viên tham gia các lớp tập huấn của hội cấp trên và cấp ủy, chính quyền địa phương phối hợp tổ chức để làm du lịch hiệu quả hơn. Đặc biệt, trong CLB có 2 đội văn nghệ duy trì hoạt động thường xuyên, phục vụ các đoàn khách được thưởng thức những tiết mục văn nghệ đặc trưng của dân tộc Thái... Qua đó, giúp du khách hiểu được văn hóa đặc trưng của người Thái, đồng thời lưu giữ, bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa của dân tộc, khai thác tiềm năng, lợi thế của địa phương và tăng nguồn thu nhập cho hội viên, phụ nữ và người dân.

PV: Qua một thời gian hoạt động, bà đánh giá vai trò của phụ nữ như thế nào đối với sự phát triển du lịch tại bản?

Bà Lê Thị Thương: Chị em có vai trò rất lớn góp phần xây dựng du lịch cộng đồng bản Mạ như: dọn vệ sinh môi trường, tạo không gian xanh - sạch - đẹp; thực hiện vệ sinh an toàn thực phẩm, đảm bảo sức khỏe cho du khách; tạo ra các sản phẩm lưu niệm từ thổ cẩm; tạo điểm nhấn trong trang phục truyền thống; biểu diễn văn nghệ; giao lưu, đón tiếp khách du lịch thân thiện; chủ động tham gia các chương trình tập huấn nâng cao nghiệp vụ, kỹ năng làm du lịch; quảng bá hình ảnh và văn hóa bản địa trên không gian mạng; nâng cao chất lượng phục vụ, thu hút khách du lịch, lưu trú, nghỉ dưỡng...

Lượng khách đến với bản Mạ ngày càng tăng, năm 2022 có 22.000 lượt khách, đầu năm 2023 đến nay bản Mạ đã thu hút được 56.000 lượt khách.

PV: Vậy các cấp uỷ, chính quyền, Hội phụ nữ cấp trên hỗ trợ địa phương như thế nào để phát triển mô hình này, thưa bà?

Bà Lê Thị Thương: Cấp ủy, chính quyền địa phương tạo điều kiện thuận lợi cho các hộ tham gia phát triển du lịch cộng đồng về thủ tục pháp lý, vay vốn giải quyết việc làm; hội LHPN thị trấn hỗ trợ vay vốn tín chấp ngân hàng chính sách xã hội... Hiện nay, có 3 hộ gia đình hội viên, phụ nữ được vay 400 triệu đồng để làm mô hình du lịch homestay và trồng rau sạch phục vụ ẩm thực cho du khách. 

PV: Trong thời gian tới, Hội LHPN thị trấn Thường Xuân có kế hoạch gì để tiếp tục phát huy vai trò của hội viên, phụ nữ làm du lịch cộng đông?

Bà Lê Thị Thương: Thực hiện chương trình phát triển du lịch của tỉnh, chúng tôi sẽ tiếp tục cử các cán bộ, hội viên nòng cốt tham gia các lớp tập huấn, truyền thông ứng xử văn minh du lịch, kỹ năng giao tiếp gắn với phát triển du lịch nông nghiệp, nông thôn, XDNTM do Hội LHPN tỉnh tổ chức. Cùng với đó, Hội phụ nữ thị trấn cũng nghiên cứu để kết nối với các tour du lịch uy tín; thực hiện theo chỉ thị của Hội LHPN tỉnh về việc lồng ghép với thực hiện Đề án "Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp, giai đoạn 2017-2025", các chương trình phát triển kinh tế để hỗ trợ hội viên, phụ nữ vùng có tiềm năng phát triển du lịch được vay vốn, định hướng khởi nghiệp, nhằm tạo ra chuỗi sản phẩm phục vụ du khách, giúp hội viên tăng thêm thu nhập.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm