Mùa vải năm nay, người dân Lục Ngạn, tỉnh Bắc Giang khấp khởi mừng vui vì giá vải thiều đạt mức kỷ lục. Phần lớn người nông dân nơi đây bán được vải tại vườn với giá 35.000 đến 60.000 đồng/kg, tùy từng loại – giá cao gấp khoảng 5 lần so với năm ngoái. Chỉ riêng tại Lục Ngạn, tổng diện tích trồng vải là 15.290ha, diện tích sản xuất theo quy trình Vietgap và Globalgap là trên 12.000ha. Ước tính sản lượng đạt hơn 80.000 tấn. Đây cũng là năm đầu tiên địa phương này thí điểm sản xuất theo phương pháp hữu cơ, tạo ra sản phẩm sạch an toàn, giúp giá thành vải thiều cao gấp 3 đến 7 lần so với năm trước.
Còn tại vùng Nam Trung bộ, đây là thời điểm bắt đầu thu hoạch thanh long chính vụ tại tỉnh Bình Thuận. Theo quy luật thông thường, đầu vụ chính giá thanh long thường rớt giá thê thảm, nhưng vụ năm nay lại ngược lại. Năm trước giá thanh long thấp, chỉ từ 6.000-7.000 đồng/kg.
Thời điểm hiện tại, trái thanh long được các thương lái mua với giá khá cao, từ 28.000-32.000 đồng/kg. Trên diện tích 1ha, một lứa cho sản lượng khoảng 15 tấn thanh long, nông dân thu về xấp xỉ 500 triệu đồng.
Hiện nay, toàn tỉnh Bình Thuận có khoảng 30.000ha thanh long, tổng sản lượng hơn 500.000 tấn/năm. Đây là cây trồng chủ lực mang lại nguồn thu nhập cao cho nông dân địa phương. Ngoài thị trường Trung Quốc, tỉnh Bình Thuận còn xúc tiến tìm kiếm thêm các thị trường mới, mở rộng xuất khẩu.
Rõ ràng mùa vụ thanh long, vải thiều được giá cao, người nông dân vui mừng với công sức tần tảo, một nắng hai sương vất vả cũng được đền đáp. Tuy nhiên, nhiều năm qua, câu chuyện về giá nông sản quẩn quanh với quy luật “được mùa, mất giá”, tới bao giờ người nông dân không phải vui mừng vì giá lên, buồn rầu vì giá xuống?
Theo nhiều chuyên gia, phát triển nông nghiệp vẫn thiếu một cách làm bài bản và khoa học từ khâu nuôi trồng tới khâu tiêu thụ, để sản phẩm lúc nào cũng có chất lượng tốt và bán được giá cao. “Mất mùa – được giá” hay “nền nông nghiệp giải cứu” đã xuất hiện nhiều năm nay, cho thấy người nông dân vẫn phải trông đợi vào niềm vui may rủi.
Trao đổi với PV Báo PNVN, ông Đỗ Hoàng Thạch, Giám đốc Công ty CP Xúc tiến thương mại Nông nghiệp Việt Nam, cho biết: Với các doanh nghiệp nhỏ, đặc biệt là doanh nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp thì phụ thuộc vào nhiều yếu tố như thời tiết, môi trường, biến động của thị trường. Trong đó, trên 80% doanh nghiệp nông nghiệp là các hợp tác xã, hộ sản xuất. Họ gặp rất nhiều khó khăn trong hoạt động sản xuất, kinh doanh. Khả năng tiếp cận cơ chế chính sách của các doanh nghiệp này rất hạn chế.
Chuyên hoạt động trong lĩnh vực xúc tiến thương mại, kết nối cung - cầu, qua hoạt động kết nối với 63 tỉnh/thành, ông Thạch cho biết: các doanh nghiệp, hộ kinh doanh sản xuất có rất nhiều những sản phẩm tốt, chất lượng cao. Nhưng hạn chế lớn nhất với các doanh nghiệp vừa và nhỏ là trong vấn đề liên kết. Các đơn vị sản xuất nông nghiệp nhỏ, khả năng tiếp cận thương mại còn giới hạn nên rất khó trong việc kết nối.
Cùng với đó, doanh nghiệp nhỏ vẫn vướng mắc trong câu chuyện vốn và công nghệ để chế biến sâu. Những khó khăn này đã tạo rào cản để các doanh nghiệp nông nghiệp, doanh nghiệp vừa và nhỏ có thể kết nối để tạo thành các chuỗi cung ứng hàng hóa phát triển bền vững.
Chính vì vậy, Công ty thường xuyên tổ chức các chương trình liên kết, trong đó có hội thảo, kết nối giao thương, trưng bày giới thiệu sản phẩm, liên doanh liên kết…nhằm kết nối giữa nhà sản xuất, nhà phân phối với người tiêu dùng.
Theo ông Đỗ Hoàng Thạch, để các doanh nghiệp vừa và nhỏ khắc phục dần những hạn chế, thì “nhất định phải phát triển liên kết”: Liên kết ngang giữa các đơn vị sản xuất và liên kết dọc giữa các doanh nghiệp sản xuất và doanh nghiệp phân phối và tiêu dùng; đồng thời rất cần có sự hỗ trợ từ cơ quan quản lý nhà nước về cơ chế, chính sách