pnvnonline@phunuvietnam.vn
Thất nghiệp ở tuổi 40, khởi nghiệp với Y học cổ truyền

Chữa bệnh từ cây cỏ vườn nhà
Con gái của chị Lan Hương (quận Thanh Xuân, Hà Nội) bị nổi rất nhiều mụn trên mặt, mẩn ngứa khắp người. Mụn nhọt khiến cô bé mất tự tin, tâm lý bị ảnh hưởng khiến việc học hành giảm sút. Lo ngại nội tiết tố của con gái có vấn đề, chị Hương đưa con đến nhiều phòng khám về da liễu.
Một liệu trình Tây y tiêu tốn hết gần 20 triệu đồng nhưng các vết mẩn ngứa trên người con gái chị Hương không hề thuyên giảm mà còn có nguy cơ nặng thêm. Một lần tình cờ, bác hàng xóm biết chuyện đưa ra lời khuyên: "Có cái gì đâu, bị ngứa khắp người thì lấy lá trầu không về đun nước cho con tắm. Muốn trị mụn thì lấy rau diếp cá, rửa thật sạch, ép lấy nước uống và cả trộn cùng chút muối rồi đắp lên mặt, cứ làm thử đi". Chị Hương làm theo và con gái của chị thuyên giảm hẳn bệnh.
Tiếp đến, công việc của một phó phòng tại ngân hàng quá căng thẳng, áp lực, chị Hương liên tục bị rơi vào stress, mất ngủ triền miên. Cũng lại theo lời khuyên của bác hàng xóm, chị Hương đi xin lá sen về phơi khô, hãm trà uống. Việc uống trà lá sen giúp chị Hương cải thiện được rất nhiều về tâm trạng, có giấc ngủ ngon hơn.

Những bài thuốc, tác dụng chữa bệnh, tốt cho sức khỏe từ cây cỏ vườn nhà, từ thiên nhiên khiến nhiều chị em say mê tìm hiểu
"Tôi bắt đầu thấy được sự kỳ diệu tuyệt vời từ việc chữa bệnh theo những phương pháp của y học cổ truyền, tìm hiểu tác dụng chữa bệnh từ những loại cây lá vốn thông dụng quanh ta, ngay trong vườn nhà, càng tìm hiểu càng thấy say mê", nữ chuyên viên ngân hàng chia sẻ.
Theo khoa học hiện đại, lá trầu không chứa nhiều hoạt chất tanin, flavonoid giúp kháng khuẩn, kháng viêm, chống oxy hóa hiệu quả. Theo y học cổ truyền, lá trầu không có vị cay nồng, mùi thơm hắc, tính ấm, có tác dụng trừ phong, tiêu viêm, sát trùng, kháng khuẩn.
Theo khoa học hiện đại, lá sen có chứa các thành phần hóa học như Vitamin C, Acid hữu cơ, Tamin, Nuxi Screen, Rosemerin… có tác dụng an thần, chống co thắt cơ trơn, chống choáng phản vệ. Với y học cổ truyền, lá sen có vị đắng, tính bình, quy vào 3 kinh là Tỳ, Vị và Can, có tác dụng thanh tán ứ, an thần, lợi thấp, chủ trị mất ngủ, di tinh, tăng huyết áp, chảy máu não, nôn ra máu, chảy máu cam… Các kiến thức y học nữ chuyên viên ngân hàng trước đây chỉ vốn quen với nghiệp vụ tín dụng đam mê tìm hiểu.
Thạc sĩ kinh tế đi học Trung cấp Y học cổ truyền
Đầu năm 2025, chị Hương mất việc: "Ngân hàng nơi tôi làm việc có một thông báo lạnh lùng là sẽ cắt giảm nhân sự. Hơn 15 năm gắn bó, có rất nhiều đóng góp, nhưng họ không tính đến điều này. Tôi gần như là được gửi một thông điệp rằng hãy nghỉ đi, khi tuổi tác bắt đầu cao và không phải ở vị trí nhân sự quản lý chủ chốt. Tôi cũng không mấy buồn, đã đến lúc mình nghỉ ngơi và chọn một con đường khác rồi". Đầu năm 2025, chị Hương trở thành một sinh viên hệ trung cấp chuyên ngành y học cổ truyền. Nữ thạc sĩ kinh tế quyết tâm đi học để trở thành một dược sỹ Y học cổ truyền.
Hiện nay, các khóa học, các chương trình đào tạo về y - dược học cổ truyền tại các cơ sở đào tạo, các trường trung cấp, cao đẳng khá dễ dàng tiếp cận. Người có nhu cầu học cần tốt nghiệp trung học phổ thông trở lên là có thể đăng ký nhập học. Nhiều bạn trẻ mới tốt nghiệp đã lựa chọn theo học về y dược cổ truyền, và giờ đến những trung niên muốn rẽ hướng.

Nhiều chị em chọn đi học về y dược cổ truyền khi muốn khám phá thêm kiến thức, muốn kinh doanh, khởi nghiệp
Tới lớp học những buổi đầu tiên, chị Hương có chút e ngại khi nghĩ mình là người cao tuổi nhất lớp, nhưng hóa ra chị đã nhầm. Lớp học nhanh chóng hình thành "hội chị em tuổi 40 bắt đầu khởi nghiệp". Một nữ nhà báo vừa nghỉ việc sau khi tờ báo bị sáp nhập chia sẻ: "Gia đình mình có nghề làm thuốc đã truyền nhiều đời. Từ nhỏ tôi đã biết về đông y, thấy được công dụng tuyệt vời từ những bài thuốc, thang thuốc cổ truyền có chi phí thấp. Muốn kế thừa lại, phát triển thương hiệu của gia đình, muốn thực hành khám chữa bệnh bằng Đông y theo đúng quy định của pháp luật, tôi phải học hành bài bản và đầy đủ".
Chị Thu Huyền - công chức cấp huyện vừa xin nghỉ hưu sớm còn lớn tuổi hơn so với những người còn lại - cho biết: "Quê tôi vốn là vùng trồng dược liệu, với rất nhiều những cây dược liệu quý, trong đó có nhiều cây sâm quý. Người dân trồng rồi bán dược liệu nhưng nhỏ lẻ, manh mún, tự phát, chưa có thương hiệu. Đồng bào người dân tộc thiểu số có rất nhiều bài thuốc hay. Nghỉ việc, mình quyết định khởi nghiệp kinh doanh, nhưng trước hết phải đi học để có kiến thức trước đã. Học để có kiến thức, có tri thức không bao giờ là muộn cả".
Một nữ cựu chuyên viên ngân hàng khác đã nghỉ việc và trở thành huấn luyện viên sức khỏe cho biết xu hướng sống xanh, sống lành, sử dụng thảo dược từ thiên nhiên luôn có lợi trước hết là cho bản thân mình, cho người thân trong gia đình, và sau đó có thể giúp ích cho cộng đồng.
Theo những người "thất nghiệp ở tuổi 40" này, Y học cổ truyền là một ngành học vốn được coi là rất lành, rất thân thiện, ai cũng có thể học, ở bất cứ độ tuổi nào. Các kiến thức có được mở ra 1 chân trời mới, trở thành nền tảng, thành kim chỉ nam để mọi người tiếp tục có phương pháp đúng để tự học, tự nghiên cứu, khám phá tinh hoa y học cổ truyền mà cha ông ta để lại. Việc học về y học cổ truyền cũng dễ dàng giúp ích cho chị em khởi nghiệp kinh doanh một cách bài bản, vững chắc, có công việc để có thu nhập ổn định, lâu dài.