Bị cho là "giả vờ" để thu hút sự quan tâm

Thanh Tâm
21/08/2021 - 22:31
Bị cho là "giả vờ" để thu hút sự quan tâm

Ảnh minh họa

Trước đó, em thuê trọ cùng 1 bạn gái nhưng vì dịch Covid-19 nên bạn ấy đã về quê, còn em ở lại một mình. Từ khi bạn ấy về, em luôn có cảm giác bất an.

Chị Thanh Tâm thân mến!

Đợt gần đây em bị rối loạn giấc ngủ, bị mất ngủ. Hàng đêm, em đều gặp ác mộng khiến sáng dậy người mệt mỏi và sợ hãi. Em rất lo lắng. Em có tiền sử bệnh basedow. Em nghĩ khả năng bệnh tình của mình đang tiến triển nặng. Nhưng em đã đi khám và làm các xét nghiệm, bác sỹ kết luận, sức khỏe của em bình thường.

Suốt 2 tháng nay, chưa đêm nào em có giấc ngủ ngon. Nếu không phải thức trắng đêm thì em luôn gặp ác mộng, mơ tới những người chết hoặc mơ mình bị rượt đuổi, người thân gặp biến cố... Những giấc mơ khủng khiếp ấy khiến em sợ hãi vô cùng. Các triệu chứng như tim đập nhanh, bị lỡ nhịp tim, mệt mỏi, đau đầu... lại đến một cách dồn dập. Em không thể kiểm soát được nỗi lo sợ của mình. 

Có những tối, em bừng tỉnh sau cơn ác mộng. Em sợ sẽ gặp chuyện gì đó, sợ sức khỏe của em có vấn đề... Em vô cùng hoảng loạn, thậm chí có lúc em đã phải đến bệnh viện để kiểm tra. Nhưng sau một vài lần thăm khám bình thường, em lại cảm thấy đỡ hơn. Nhiều người nghĩ em giả vờ nhưng không phải, em thực sự có vấn đề.

Trước đó, em thuê trọ cùng 1 bạn gái. Nhưng vì dịch Covid-19 nên bạn ấy đã về quê, còn em ở lại một mình. Từ khi bạn ấy về, em luôn có cảm giác bất an. Do có những hôm mất ngủ nên đầu óc em căng như dây đàn, hay nóng giận và khó chịu. Đi làm chỉ cần ai khẽ nói động tới là em có thể cáu giận, tức tối hoặc khóc. Đồng nghiệp bắt đầu thấy lo lắng cho em. 

Gần đây, em đi tiêm vaccine phòng Covid-19. Sau khi nghe kể về các ca sốc thuốc, em bị lo lắng. Nỗi sợ hãi ngày một tăng cao, em lại mất ngủ. Em sợ, khi ngủ, em sẽ bị phản ứng của thuốc và ngất lịm đi, có thể không tỉnh dậy được nữa. Em kể cho mọi người, nhưng ai cũng cho rằng em suy nghĩ quá nhiều.

Một người bạn đã đưa em đi khám tâm lý vì thấy em sụt cân, tinh thần hoảng loạn. Bác sỹ chẩn đoán, em bị rối loạn lo âu do rối loạn dây thần kinh thực vật, nếu không được điều trị kịp thời, có thể dẫn tới trầm cảm. Bác sỹ cho thuốc và hướng dẫn cách sử dụng. Uống thuốc được gần 1 tháng nhưng em vẫn cảm thấy ong đầu, mệt mỏi. Nỗi sợ hãi xuất hiện ít hơn nhưng em vẫn lo lắng và căng thẳng.

Chị Thanh Tâm ơi, em muốn có người lắng nghe mình thực sự. Vì xung quanh, mọi người đều nghĩ em "giả vờ" để thu hút sự quan tâm nhưng không phải vậy, em lo lắng và sợ hãi thật sự. Bố mẹ em đang rất lo lắng, nhưng vì dịch bệnh nên ông bà không thể lên cùng em được.

Gần đây, em có rủ bạn trai đến ở cùng. Nhưng điều này càng khiến mối quan hệ của chúng em bị rạn nứt. Anh ấy nói em làm lố, cố tình làm nũng để được anh ấy cưng chiều. Anh ấy còn thấy sợ những biểu hiện của em. Điều này khiến em tủi thân và suy nghĩ. Hay em bị thần kinh thật rồi?

Ngọc Lan (Hà Nội)

Chào em!

Chị nghĩ việc đầu tiên em cần tìm 1 bác sỹ tâm lý. Những người xung quanh, ngay cả bạn trai cũng không hiểu được tình trạng của em lúc này. Bác sỹ tâm lý là người có chuyên môn và kinh nghiệm xử lý các nỗi lo sợ và mệt mỏi. Em có thể thẳng thắn kể về các nỗi sợ của mình, tiền sử bệnh tật và những triệu chứng em đang gặp hiện nay. Bác sỹ sẽ giúp em đưa ra liệu trình điều trị phù hợp và đồng hành cùng em mọi lúc. Họ cũng có thể tư vấn cho em khám, chữa bệnh ở đâu có hiệu quả.

Tập thở, tập thiền, tập yoga, tập các động tác thể dục nhẹ nhàng, tiếp cận các nguồn thông tin tích cực cũng là cách để em quên đi những lo lắng. Hãy để mọi việc đến một cách tự nhiên, thoải mái, em sẽ cảm thấy bớt căng thẳng hơn.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm