Thế hệ thứ 2 của biến thể Omicron nguy hiểm như thế nào?

Linh Trần
20/08/2022 - 17:31
Thế hệ thứ 2 của biến thể Omicron nguy hiểm như thế nào?

Nhân viên y tế tiêm vaccine ngừa Covid-19 cho người dân

BA.2.74, BA.2.75 và BA.2.76 là bộ 3 biến thể phụ mới phát sinh từ Omicron “tàng hình” BA.2. Tại Việt Nam, cơ quan y tế cũng đã ghi nhận sự xuất hiện của biến thể BA.2.74. Vậy, các biến thể mới xuất hiện này nguy hiểm như thế nào so với biến thể gốc?

Xuất hiện 3 biến thể của thế hệ thứ hai

Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), mới đây các nhà khoa học đã phát hiện 3 biến thể phụ mới là BA.2.74, BA.2.75 và BA.2.76. Đây là các các dòng phụ của biến thể Omicron được cho là "hoàn chỉnh hơn", thậm chí lây nhiễm cao hơn cả biến thể phụ Omicron BA.5.

Cũng theo WHO, thời gian qua, BA.5, biến thể phụ siêu lây nhiễm của Omicron đã gây ra làn sóng mắc Covid-19 mới trên toàn cầu. Theo ước tính, trên thế giới, BA.5 đã chiếm 52% số trường hợp giải trình tự gene tính đến ngày 25/7. Còn theo báo cáo chính thức về tình trạng mắc, BA.5 là phiên bản dễ lây nhiễm nhất của virus SARS-CoV-2 với giá trị R0 18,6 (ở ngoài môi trường hoang dã có thể khoảng 2,79). Khả năng lẩn tránh hệ miễn dịch khiến cho BA.5 đã sớm nhanh chóng trở thành biến thể chủ đạo toàn cầu kể từ khi nó xuất hiện. Một báo cáo từ New York cho thấy khả năng nhiễm trùng đột phá của BA.5 cao gấp 4,2 lần so với BA.1 (phiên bản gốc của Omicron). Các nghiên cứu gần đây cũng cho thấy BA.5 có khả năng lẩn tránh hệ miễn dịch ở một số người đã từng nhiễm Omicron BA.1. Điều này đồng nghĩa với việc một số người nhiễm Omicron thời kỳ đầu có thể vẫn mắc Covid-19 trở lại trước biến thể BA.5.

Tuy nhiên, bộ ba biến thể mới mới phát sinh này, đặc biệt là BA.2.75 được cho là có khả năng lây lan rất nhanh. Kể từ khi xuất hiện ở Ấn Độ, biến thể này đã nhanh chóng lây lan ra hơn chục quốc gia, trong đó có Mỹ, Anh và Australia,… khiến các nhà nghiên cứu lo ngại.  TS. Eric Topol, nhà sáng lập Viện nghiên cứu Scripps (ở Mỹ) cho rằng, BA2.75 chứa thêm 8 đột biến gene so với BA.5, có thể dẫn đến khả năng lẩn tránh hệ miễn dịch cao hơn.  Nhà virus học tại bộ phận bệnh truyền nhiễm Tom Peacock (Đại học Hoàng gia London, Vương Quốc Anh) cũng cho biết, protein gai nhọn ở BA.2.75 chứa một số đột biến chủ chốt.

Trong khi các mẫu xét nghiệm và giải trình tự gene vẫn còn khá ít, BA.2.75 đã thu hút sự chú ý của cộng đồng khoa học bởi những đột biến gene cũng như khả năng nhân lên của virus. Hiện nay, các nhà khoa học cho rằng, cần phải kiểm soát hiệu quả, truy vết BA.2.75 cũng như nghiên cứu thêm về biến thể phụ này.

Hiện nay, chưa có báo cáo nào về triệu chứng khác biệt khi mắc biến thể Omicron BA.2.75 so với các triệu chứng Covid-19 thông thường hay gặp. Có vẻ như Omicron BA.2.75 thường gây ra triệu chứng nhẹ hoặc không có triệu chứng khi mắc. Tuy nhiên, các nhà khoa học cho rằng, còn quá sớm để nói bất kể điều gì về các triệu chứng lâm sàng khi mắc biến thể phụ mới này.

Việt Nam ghi nhận biến thể thế hệ thứ hai

Theo Bộ Y tế, thời gian qua tình hình dịch Covid-19 trong nước có chiều hướng gia tăng số ca mắc. Trung bình, mỗi ngày cả nước ghi nhận khoảng 2.000 ca mắc mới. Ngoài ra, nhiều tỉnh, thành bổ sung số ca mắc rất lớn sau khi rà soát, dẫn đến không phản ảnh đúng tình hình dịch, khó khăn cho việc nhận định, dự báo, đánh giá tình hình dịch. Ví như, Hải Phòng đăng ký bổ sung 402.830 ca, Thái Nguyên đăng ký bổ sung 152.485 ca, Nghệ An bổ sung hơn 4.400 ca mới. Tổng cộng, đến ngày 17/8, Việt Nam có 11.367.479 ca nhiễm Covid-19, đứng thứ 12/227 quốc gia và vùng lãnh thổ.

Cũng theo Bộ Y tế, ngoài biến thể phụ BA.4, BA.5, Việt Nam cũng đã ghi nhận biến thể phụ BA.2.74. Biến thể phụ mới BA.2.74 được ghi nhận lần đầu tiên tại báo cáo số 2233/BVBM-KHTH ngày 8/8 của BV Bạch Mai. Như vậy, trong nước đã ghi nhận biến thể phụ BA.4, BA.5, BA.2.74, BA.2.12.1.

Trước những diễn biến mới của dịch Covid-19, Bộ Y tế đề nghị các tỉnh, thành thường xuyên rà soát số liệu và báo cáo kịp thời; Không để tình trạng báo cáo bổ sung số ca mắc với số lượng lớn dẫn đến không phản ảnh đúng tinh hình dịch, khó khăn cho việc nhận định, dự báo, đánh giá tình hình dịch. Đồng thời, tiếp tục thực hiện khai báo lấy mã số bệnh nhân trên hệ thống cấp mã số tự động của Bộ Y tế ngay sau khi có kết quả xét nghiệm phát hiện trường hợp mắc Covid-19. Ngoài ra, các địa phương cần tiếp tục theo dõi, bám sát tình hình dịch bệnh trên địa bàn, nhất là sự xuất hiện các biến thể mới của virus SARS-CoV-2; tăng cường giám sát phát hiện sớm, điều trị kịp thời các trường hợp mắc bệnh, hạn chế các trường hợp chuyển bệnh nặng, tử vong.         

Bộ Y tế cũng đề nghị các tỉnh, thành đẩy nhanh tiến độ tiêm các mũi vaccine Covid-19 an toàn cho các nhóm đối tượng để cơ bản hoàn thành tiêm mũi 1, mũi 2 cho trẻ từ 5-12 tuổi trogn tháng 8/2022, đặc biệt nhóm trẻ có nguy cơ cao (trẻ béo phì, mắc bệnh nền, suy giảm miễn dịch...); tiêm mũi 3 cho người từ 12 tuổi trở lên và tiêm mũi 4 cho các đối tượng có chỉ định theo hướng dẫn của Bộ Y tế; quán triệt, đảm bảo nghiêm kỷ luật, kỷ cương trong việc đẩy nhanh tiến độ tiêm chủng, sử dụng hiệu quả số vaccine được phân bố. 

Ngoài ra, người dân tiếp tục duy trì thói quen đeo khẩu trang, rửa tay, sát khuẩn và vệ sinh sạch sẽ nhà cửa. Khi nghi ngờ hay có dấu hiệu mắc Covid-19, hãy tự cách ly ở nhà để điều trị và ngăn ngừa lây sang cho người khác.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm