Thiêng liêng chiều biên cương mùa Covid -19

Nguyễn Hội
09/06/2021 - 19:08
Thiêng liêng chiều biên cương mùa Covid -19

Giây phút nghỉ chân giữa rừng (Ảnh: BPLA)

Chiều biên cương mùa này không dịu dàng thơ mộng như một rừng hoa nở, không êm đềm, tươi mát như dòng suối uốn lượn bên những triền cỏ xanh mát. Chiều biên cương phương Nam mùa này là đồng khô cỏ cháy, là những cơn mưa đầu mùa bất ngờ ập tới... Ở đó có những người lính biên phòng đang đối mặt với muôn vàn khó khăn, những chịu đựng, hi sinh trên tuyến đầu chống dịch vì chủ quyền biên giới thiêng liêng.

Ở nơi đây, đường biên giới chạy dọc trên dòng sông Cái Cỏ. Gọi là sông nhưng kỳ thực đó chỉ là một con kênh nhỏ, có chỗ rộng chưa đầy hai chục thước. Mùa nước cạn, hai bên bờ sông trơ ra chỉ còn lọt thỏm chính giữa là dòng chảy, nhiều đoạn sâu chưa đến bụng người lớn. Những chỗ khác, lục bình phủ kín mặt sông, đan dày bện chặt vào nhau thành từng bè, từng mảng, cao hơn mặt xuồng. Người dân muốn đi cắm câu, thăm ruộng phải dùng dao chặt lục bình, rẽ ra mà đi, nhúc nhích từng mái dầm một.

Chiều biên cương mùa Covid -19 - Ảnh 1.

Bộ đội biên phòng tuần tra trên biên giới 24/24h (Ảnh: BP Long An)

Cuối mùa khô, giọt sương long lanh mỗi sớm mai được quý hơn hạt ngọc. Nhưng những giọt sương hiếm hoi ấy không đủ giải tỏa cơn khát cháy. Nắng nung hầm hập. Cây cỏ lụi tàn. Đàn bò mệt mỏi kéo lê những đôi chân nặng nề, thở phì phò trên những con đường bay đầy bụi đỏ. Cả ngày chúng phải chịu đựng cái nắng như thiêu, như đốt mà cũng không đủ miếng ăn. Chim muông vụt bay đi kiếm mồi khi bình minh vừa thức dậy, đến khi cái nắng chói chang chiếu rọi liền vội ẩn mình trong những tàng cây, tìm chút dịu mát hiếm hoi trên cánh đồng chỉ toàn màu nắng. 

Chốt Biên phòng dựng tạm bằng những tấm tôn. Anh em chỉ ở trong đó mỗi lúc sinh hoạt chung, ăn uống hay hội họp, còn chủ yếu là nằm võng dưới tán cây, ngày cũng như đêm. Nói là ở trong nhà nhưng chẳng khác gì một chiếc lò xông hơi khổng lồ. Ngồi một chút, anh nào anh nấy mồ hôi đã đầm đìa cả quân phục. Quần áo, đồ đạc trong phòng khô cứng lại như vừa bị bỏ vào chảo rang lên vậy. 

Chớm mùa mưa, một buổi chiều mây đen vần vũ khắp bầu trời xám ngắt. Chợt, những cơn giông bất ngờ ập tới. Bụi bay mịt mùng. Sấm chớp như những tiếng gầm thét uất nghẹn của đất trời, lâu lắm rồi, nay mới được dịp tung hê lên hết cả. Gió gào rít rồi bất ngờ hất tung những chòi canh ruộng mè của người dân trên biên giới. Anh em đội mưa chạy vội đi hỗ trợ bà con tìm nơi trú ẩn an toàn cho người và tài sản. Đến khi chạy về đến nơi thì chốt Biên phòng cũng bị gió đánh cho siêu vẹo. Bà con lại mỗi người một tay giúp đỡ bộ đội Biên phòng chằng chống cho chốt ngay ngắn trở lại. Mưa ngập mặt mà mồ hôi vẫn ướt đẫm bộ quân phục úa màu. Vậy đó mà bộ đội và bà con vẫn nhìn nhau với một "nụ cười chiến thắng". 

Giữa đồng không mông quạnh, chốt biên phòng dựng tạm chẳng thể nào chống đỡ nổi với những cú quất liên hồi của mưa và gió. Vị trí an toàn nhất để dành cho tủ súng đạn, tủ tài liệu, lương thực và những thứ quan trọng khác. Mưa giông gió thế này chính là thời điểm cho các đối tượng xuất nhập cảnh trái phép lợi dụng hoạt động xâm nhập qua biên giới. Và đằng sau đó là biết bao nhiêu hiểm họa đang rình rập. Anh em thay nhau đi kiểm tra các điểm gác, tuần tra biên giới, hết mưa ai nấy cũng đều ướt sũng. 

Chiều biên cương mùa Covid -19 - Ảnh 2.

Lại một ngày mới các chiến sĩ Biên phòng căng mình trên biên giới phòng chống nhập cảnh trái phép (Ảnh: BP Long An)

Chiều biên giới, một bản hoà tấu đồng quê du dương êm dịu bỗng cất lên trong thinh lặng. Ấy là bản đồng ca của muỗi. Có lẽ chẳng nơi đâu muỗi nhiều như ở đây. Muỗi bay đen đặc cánh đồng và trên đường tuần tra biên giới. Muỗi bay xổ vào mặt người. Quơ một cái, tưởng tượng có thể như được cả nắm muỗi trong lòng bàn tay. Muỗi nhiều và chúng cũng chẳng còn biết sợ mùi nhang xua đuổi côn trùng. Hễ chỗ nào sơ hở là muỗi tấn công, không thương xót. Bữa cơm chiều, nhiều hôm vì nhiệm vụ nên ăn muộn, anh em phải đi tới đi lui như tiệc đứng, có hôm muộn quá phải ngồi ăn ở trong mùng, tránh muỗi. 

Chốt Biên phòng có mười đồng chí. Ngoài hai đồng chí là dân quân địa phương, hai đồng chí là quân chính thức của Biên phòng Long An, còn lại sáu đồng chí là quân số tăng cường từ ba tỉnh Trà Vinh, Nam Định và Ninh Bình. Đời người lính Biên phòng nay đây, mai đó là chuyện bình thường. Bởi vậy nên anh em miền Bắc đã xác định đi chống dịch lần này chẳng khác gì thế hệ cha ông năm xưa vào chiến trường miền Nam, đi B đánh Mỹ. 

Sau bữa cơm chiều hôm nay còn sớm, mấy anh em ngồi bên ấm trà nhâm nhi vài ba mẩu chuyện. Đồng chí Sơn Minh Đức 38 tuổi, Biên phòng Trà Vinh nhỏ nhẹ, lần trước anh đi tăng cường có ba tháng là đổi quân. Đợt này, gần năm tháng rồi chưa về, nhớ vợ đã nhiều mà nhớ con còn nhiều hơn. Con gái anh mới năm tuổi, hẹn ngày tết Thiếu nhi ba về đưa đi nhà ngoại, vậy đó mà dịch dã thế này không về được. 

Đồng chí Nguyễn Xuân Trường, cán bộ của Đồn, nhà ngay thị xã Kiến Tường cách đơn vị có bốn nhăm cây số, mà vợ đẻ cả tháng nay còn chưa về thăm mặt con nữa là mình. Thôi đành chỉ biết động viên vợ và hứa lần hứa lữa với con thôi. Đồng chí Phạm Gia Đạo, 50 tuổi, Biên phòng Nam Định tăng cường vào đây quả, quyết, hơn ba mươi năm quân ngũ, xa gia đình đã thành quen nhưng lần này đi chống dịch lòng dạ cảm thấy xao xuyến, bâng khuâng đến lạ. Vợ là cô giáo, nghỉ hè ở nhà một mình nhớ chồng lắm. Nhưng so với các y bác sĩ, những người trực tiếp điều trị, làm việc tại các khu cách ly y tế thì những khó khăn gian khổ nơi mình công tác có thấm tháp gì đâu. Sự xa cách của vợ chồng mình có nghĩa lý gì lắm đâu. 

Gần trọn cuộc đời binh nghiệp mình đã công tác, hi sinh cho bình yên biên giới. Hơn lúc nào hết và không ở đâu khác, nơi tuyến đầu biên giới này mình đóng góp một phần công sức nhỏ bé  cùng cả nước chung tay đẩy lùi đại dịch hiểm họa toàn cầu. Mỗi đêm trên biên giới là mỗi đêm không ngủ, nếu chẳng có thành tích gì, nếu chẳng may để một đối tượng nguy hiểm lọt qua biên giới, chẳng phải là mình đã bỏ uổng công sức đó hay sao?

Chiều biên cương phương Nam, bầy bìm bịp trú trong bụi cây chốc chốc lại kêu chiều khắc khoải. Tiếng bìm bìm trầm vọng, âm vang như tiếng tù và thu quân trong một buổi hoàng hôn loang màu chiến trận. Lòng người lính xa nhà lâu ngày chợt chùng xuống trong giây lát. Anh dõi mắt nhìn thật xa xuống dưới lòng sông, nơi chính giữa dòng chảy là đường biên giới quốc gia thiêng liêng bất khả xâm phạm. 

Chợt anh bắt gặp từng bông lục bình tím biếc đang he hé nở. Có ai biết cánh hoa vẫn nở khi màn đêm đang dần buông? Anh mỉm cười một mình, chưa bao giờ anh thấy cánh hoa dịu dàng, bình dị nơi đồng nội này đáng yêu đến vậy. Nó xoa dịu trong anh nỗi nhớ nhà, sự mệt mỏi của những cái nắng oi nồng, những cơn mưa đầu mùa xối xả và những đêm dài căng mình trên biên giới. Rồi đây nhất định đại dịch sẽ được đẩy lùi và bình yên sẽ trở về vạn nẻo. Dù khó khăn, khắc nghiệt bao nhiêu thì trên biên giới vẫn có những cánh hoa âm thầm dịu nở.

Khi những tia nắng chói gắt cuối ngày dần dần tắt lịm, hoàng hôn nhường chỗ cho bóng đêm đang đến gần. Trong chốt Biên phòng nhè nhẹ phát ra tiếng mở tủ sắt, tiếng kiểm tra súng đạn lách cách và tiếng anh em phân công, cắt cử chuẩn bị cho một đêm tuần tra, canh gác. Lại một đêm các chiến sĩ Biên phòng căng mình trên biên giới.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm