pnvnonline@phunuvietnam.vn
Thủ tướng chỉ rõ 3 bài học kinh nghiệm lớn trong công tác thi đua, khen thưởng
Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì Phiên họp lần thứ 10 Hội đồng Thi đua-Khen thưởng Trung ương. (Ảnh: Dương Giang/TTXVN)
Sáng 9/12, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Chủ tịch Hội đồng Thi đua-Khen thưởng Trung ương nhiệm kỳ 2021-2026 chủ trì Phiên họp lần thứ 10 để đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ công tác năm 2024, phương hướng, nhiệm vụ năm 2025 của Hội đồng; đồng thời xem xét việc tặng, truy tặng danh hiệu “Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân," “Anh hùng Lao động” cho các tập thể, cá nhân có thành tích đặc biệt xuất sắc trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Dự Phiên họp có: Phó Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân, Phó Chủ tịch thứ Nhất Hội đồng; Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà, Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng; Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Nguyễn Đình Khang, Phó Chủ tịch Hội đồng; các thành viên Hội đồng là lãnh đạo các bộ, ban, ngành Trung ương.
Hội đồng đánh giá năm 2024, đất nước phải đối mặt với nhiều khó khăn thách thức, tình hình thế giới tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường, thực hiện các Nghị quyết, Kết luận của Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã bám sát tình hình thực tiễn, tập trung chỉ đạo quyết liệt, linh hoạt, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp.
Nhờ đó, kinh tế-xã hội Việt Nam đạt nhiều kết quả quan trọng, ước cả năm có 15/15 chỉ tiêu đạt và vượt kế hoạch. Những kết quả đó có sự đóng góp tích cực của các phong trào thi đua yêu nước và công tác khen thưởng trong cả nước dưới sự quan tâm chỉ đạo, điều hành của Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch Hội đồng Thi đua-Khen thưởng Trung ương.
Năm 2024, Hội đồng tích cực xây dựng Đề án “Tổng kết thực hiện Chỉ thị số 34-CT/TW, ngày 7/4/2014 của Bộ Chính trị về tiếp tục đổi mới công tác thi đua, khen thưởng và ban hành Chỉ thị về công tác thi đua, khen thưởng trong tình hình mới”; xây dựng, hoàn thiện pháp luật về thi đua, khen thưởng; chỉ đạo triển khai công tác tổ chức Đại hội thi đua yêu nước các cấp, các ngành, tiến tới Đại hội Thi đua yêu nước toàn quốc lần thứ XI.
Đặc biệt, Hội đồng chỉ đạo, tổ chức nhiều phong trào thi đua đạt hiệu quả cao như: Phong trào “Cả nước chung tay xóa nhà tạm, nhà dột nát trong năm 2025," với đợt thi đua cao điểm “450 ngày đêm cao điểm để xóa nhà tạm, nhà dột nát trong năm 2025”; Phong trào “Đẩy mạnh phát triển kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại; thực hành tiết kiệm, chống lãng phí," tiêu biểu là đợt thi đua hoàn thành xây dựng đường dây tải điện 500kV mạch 3 Quảng Trạch-Phố Nối trong 6 tháng, thay vì 3-4 năm như thông thường; phát động và thực hiện đợt thi đua cao điểm "500 ngày đêm thi đua hết năm 2025 hoàn thành 3.000 km đường bộ cao tốc"; phong trào giúp nhau khắc phục hậu quả bão số 3, nhất là tại Làng Nủ, tỉnh Yên Bái…
Các phong trào “Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới," “Vì người nghèo-Không để ai bị bỏ lại phía sau," “Cán bộ, công chức, viên chức thi đua thực hiện văn hóa công sở," “Cả nước thi đua xây dựng xã hội học tập, đẩy mạnh học tập suốt đời, giai đoạn 2023-2030”; đồng thời tiếp tục thúc đẩy các phong trào thi đua thực hiện nhiệm vụ chính trị, phát triển kinh tế-xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh của các bộ, ngành, địa phương.
Năm 2024, công tác khen thưởng được thực hiện kịp thời phục vụ nhiệm vụ chính trị của đất nước, của các bộ, ban, ngành, địa phương. Hội đồng đã trình Chủ tịch nước khen thưởng cho 87.843 trường hợp và Thủ tướng Chính phủ khen thưởng cho 6.979 tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong các phong trào thi đua, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; chủ yếu là các tập thể, cá nhân ở cơ sở, trực tiếp tạo ra của cải vật chất và bảo vệ Tổ quốc.
Kết luận Phiên họp, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Chủ tịch Hội đồng Thi đua-Khen thưởng Trung ương biểu dương và đánh giá cao tinh thần, trách nhiệm và đóng góp tích cực của các thành viên Hội đồng; các bộ, ban, ngành, địa phương, đoàn thể, tổ chức chính trị-xã hội đã hưởng ứng, phát động, triển khai hiệu quả các phong trào thi đua; đánh giá cao những kết quả mà phong trào thi đua yêu nước và công tác thi đua khen thưởng đã đạt được thời gian qua, đóng góp quan trọng vào thành tựu chung về phát triển kinh tế-xã hội năm 2024.
Thủ tướng Chính phủ cũng chỉ rõ một số hạn chế như một số ban, ngành, địa phương, đơn vị ban hành văn bản quy phạm pháp luật quy định chi tiết thi hành Luật Thi đua, khen thưởng chưa kịp thời; phong trào thi đua của một số bộ, ban, ngành, địa phương chưa thực sự gắn với giải quyết các nhiệm vụ chính trị và trách nhiệm của người đứng đầu; công tác phát hiện các điển hình và tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc chưa kịp thời…
Phân tích nguyên nhân của những hạn chế, Thủ tướng Phạm Minh Chính chỉ rõ 3 bài học kinh nghiệm lớn trong công tác thi đua, khen thưởng: phải bám sát chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước, các chỉ đạo của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, đồng chí Tổng Bí thư, các văn bản quy phạm pháp luật, trên cơ sở đó triển khai các phong trào thi đua thực chất, hiệu quả; phát động phong trào thi đua, gắn với lợi ích quốc gia, dân tộc, nhân dân, gắn với nhiệm vụ chính trị của từng cơ quan, đơn vị và trách nhiệm người đứng đầu; phải thường xuyên kiểm tra, đôn đốc, đánh giá, giải quyết dứt điểm các vướng mức, sơ kết, tổng kết, đúc rút kinh nghiệm, xây dựng các cá nhân, tập thể tiên tiến tiêu biểu, đồng thời tuyên truyền nhân rộng, tạo động lực, truyền cảm hứng cho toàn xã hội trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Thủ tướng Chính phủ nhấn mạnh năm 2025 có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, kỷ niệm 95 năm thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam; 50 năm giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước; 135 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh; 80 năm thành lập nước; là năm tiến hành Đại hội Đảng các cấp, tiến tới Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIV, Đại hội thi đua toàn quốc lần thứ XI; đặc biệt là năm cả hệ thống chính trị quyết tâm thực hiện hiệu quả và vượt các mục tiêu kinh tế-xã hội năm 2025 và cả nhiệm kỳ Đại hội XIII đã đề ra, để đưa đất nước bước sang giai đoạn tăng tốc mạnh hơn, nhanh hơn.
Do đó, công tác thi đua, khen thưởng cần phải thực hiện tốt hơn nữa với tinh thần “việc nào làm chưa tốt phải khắc phục bằng được để làm cho tốt; việc nào làm tốt rồi thì quyết tâm cao hơn, nỗ lực lớn hơn, hành động quyết liệt, hiệu quả hơn" và khuyến khích tinh thần dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung.
Trên tinh thần đó, nhấn mạnh công tác thi đua, khen thưởng tuyệt đối không được hình thức, chiếu lệ mà phải thiết thực, hiệu quả, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu đẩy mạnh các phong trào thi đua yêu nước, phát động đợt thi đua cao điểm, lập thành tích chào mừng các ngày lễ lớn, các sự kiện chính trị trọng đại của Đảng, của đất nước, của dân tộc, chào mừng Đại hội Đảng các cấp và Đại hội toàn quốc lần thứ XIV, Đại hội Thi đua yêu nước toàn quốc lần thứ XI... đặc biệt phát động phong trào “Cả nước thi đua đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, góp phần đưa đất nước vươn mình trong kỷ nguyên giàu mạnh và thịnh vượng".
Cùng với đó, triển khai thực hiện tốt các phong trào thi đua; tham mưu sơ kết, tổng kết các phong trào thi đua phạm vi toàn quốc; quyết liệt thực hiện có hiệu quả đợt thi đua cao điểm "500 ngày đêm thi đua hoàn thành 3.000 km đường bộ cao tốc” và “450 ngày đêm cao điểm để xóa nhà tạm, nhà dột nát trong năm 2025," hoàn thành trước ngày 31/12/2025 để chào mừng Đại hội Đảng lần thứ XIV.
Chủ tịch Hội đồng Thi đua-Khen thưởng Trung ương chỉ đạo tập trung giải quyết các yêu cầu, nhiệm vụ trọng tâm, cấp bách, đặc biệt là triển khai thực hiện khẩn trương, hiệu quả “cuộc cách mạng tinh gọn tổ chức bộ máy của cả hệ thống chính trị” theo tinh thần Nghị quyết số 18-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII, bảo đảm khoa học, theo lộ trình, bước đi phù hợp, hiệu quả, gắn với việc tinh giản biên chế, cơ cấu lại và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, với tinh thần thống nhất ý chí để cùng hành động, cùng làm, "Đảng đã chỉ đạo, Chính phủ đã thống nhất, Quốc hội đồng tình, Nhân dân ủng hộ, thì chỉ bàn làm, không bàn lùi."
Thủ tướng chỉ đạo tổ chức quán triệt, phổ biến, tuyên truyền và triển khai thực hiện Chỉ thị của Bộ Chính trị “về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác thi đua, khen thưởng trong tình hình mới"; tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật về thi đua, khen thưởng, tạo cơ sở pháp lý đồng bộ, đầy đủ.
Nhấn mạnh nhiệm vụ hoàn thiện Kế hoạch tổ chức Đại hội thi đua yêu nước các cấp, các ngành tiến tới Đại hội Thi đua yêu nước lần thứ XI bảo đảm thiết thực, hiệu quả, đúng mục đích, yêu cầu, Thủ tướng chỉ rõ phải tổ chức thành công Đại hội Thi đua yêu nước toàn quốc lần thứ XI, để thực sự là Đại hội biểu dương tôn vinh các điển hình tiêu biểu trong toàn quốc, là kết tinh thành quả của các phong trào thi đua yêu nước; đồng thời, tiếp tục phát động sâu rộng hơn nữa các phong trào thi đua yêu nước giai đoạn 2026-2030, tạo lan tỏa mạnh mẽ, khí thế, dấu ấn nổi bật của đất nước trong kỷ nguyên mới-kỷ nguyên vươn mình, giàu mạnh, thịnh vượng.
Người đứng đầu Chính phủ lưu ý đẩy mạnh tuyên truyền các tập thể, cá nhân có thành tích tiêu biểu xuất sắc, trọng tâm là tuyên truyền các điển hình trong “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh," phòng, chống tham nhũng, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; những tấm gương tiêu biểu, có thành tích xuất sắc trong lao động, sản xuất, học tập, công tác; thực hiện tốt công tác khen thưởng, bảo đảm kịp thời, công khai, minh bạch.
Chỉ đạo Hội đồng, các thành viên Hội đồng Thi đua-Khen thưởng các cấp, các ngành, đơn vị, địa phương phát huy vai trò, trách nhiệm trong việc tham mưu cho cấp ủy, chính quyền trong lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện công tác thi đua, khen thưởng, nhất là vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu trong công tác thi đua, khen thưởng, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo đẩy mạnh phân cấp, phân quyền gắn với phân bổ nguồn lực, đề cao trách nhiệm người đứng đầu, nâng cao năng lực cán bộ và đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số, cải cách thủ tục hành chính trong lãnh đạo và tổ chức thực hiện công tác thi đua, khen thưởng tại các bộ, ngành, địa phương.