Tiếp tục chương trình chất vấn và trả lời chất vấn tại kỳ họp thứ 8, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc báo cáo làm rõ vấn đề liên quan và trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội. Trong đó, các đại biểu quan tâm, đặt câu hỏi với Thủ tướng xoay quanh các nội dung đánh giá lại quy mô GDP; quản lý việc cung ứng nước sạch; giải pháp để phát triển thị trường khoa học, công nghệ; giải pháp tận dụng cơ hội để phát triển đất nước trong năm Việt Nam làm Chủ tịch ASEAN, Ủy viên không thường trực Hội đồng bảo an Liên Hợp Quốc; giải pháp đột phá để phát triển bền vững; kinh tế tư nhân…
Vấn đề được cử tri và nhân dân đặc biệt quan tâm thời gian qua về nước sạch sinh hoạt cũng cấp cho người dân Thủ đô, đại biểu Lưu Bình Nhưỡng, đoàn Bến Tre, cho rằng vụ nước sạch sông Đà nhiễm dầu vừa qua cho thấy lỗ hổng lớn trong việc cung cấp nguồn nước, đảm bảo an ninh nước.
Về vấn đề này, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc khẳng định cần thực hiện nghiêm luật Quản lý tài nguyên nước. Ngoài ra, cần có quy hoạch sử dụng nguồn nước để tránh những nguy cơ, rủi ro với nguồn nước như xảy ra tại Hà Nội.
Một số đại biểu cũng nêu vấn đề, tại nhiều nhà máy nước sạch hiện nay, đã thoái vốn của Nhà nước gần hết, thậm chí có doanh nghiệp, tỷ lệ nắm giữ nguồn vốn đã thoái 100%. Đại biểu lo ngại với nguồn tài nguyên cực kỳ quan trọng là nước sạch, ảnh hưởng trực tiếp tới hàng chục triệu người dân, thì vẫn cần phải tính toán, cân đối làm sao để Nhà nước nắm được tỷ lệ vốn đủ để kiểm soát, đảm bảo an ninh nước phục vụ người dân.
Với vấn đề tỷ lệ vốn Nhà nước nắm giữ với những doanh nghiệp kinh doanh nước sạch, Thủ tướng nhấn mạnh việc thực hiện theo đúng quyết định 205 năm 2016.
Còn với vấn đề an ninh năng lượng, đảm bảo nguồn điện cho hoạt động sản xuất, kinh doanh cũng như sinh hoạt của người dân, Thủ tướng nêu nghịch lý: Việt Nam vẫn nhận là người dân được dùng điện giá rẻ nhưng đến nay mới sản xuất được công suất 39.000 MW.
Theo Thủ tướng, sắp tới cần phát triển mạnh các nguồn điện, nhất là ở phía Nam để đảm bảo cung ứng điện đầy đủ, kịp thời cho sản xuất tiêu dùng của nhân dân. Hiện nay, điện không phải chỉ là để phát triển kinh tế mà năng lượng còn quyết định đến an ninh trật tự an toàn xã hội, ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống sản xuất của nhân dân. Thủ tướng yêu cầu các đơn vị cung ứng điện nêu cao tinh thần trách nhiệm tương xứng với tầm quan trọng của vấn đề.
Thủ tướng nhấn mạnh: “Tôi có lần đã nói, cơ quan nào đơn vị có chức năng sản xuất, cung ứng điện, không đảm bảo cấp điện thì sẽ mất chức chứ không phải bình thường”. Đồng thời quán triệt không để "nước đến chân mới nhảy", không được công bố tình trạng thiếu điện. Phải xây dựng cho được một nền năng lượng độc lập, tự chủ và hội nhập.
Với câu hỏi của đại biểu Nguyễn Ngọc Phương, đoàn Quảng Bình về phát triển điện tới vùng sâu, vùng xa, Thủ tướng cho biết cả nước đã có gần 99% số xã và 98% số thôn đã có điện lưới quốc gia. Đây là cố gắng rất lớn của các cấp, các ngành; nhưng vẫn còn một số bản làng xa xôi chưa có điện lưới quốc gia hoặc các hình thức cung cấp điện khác.
Sắp tới đây Điện lực Việt Nam tiếp tục thực hiện nhiệm vụ đưa điện đến các bản làng xa xôi, những vùng khó khăn. “Đây là sự quan tâm của Đảng, Nhà nước đối với đồng bào vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn”, Thủ tướng nhấn mạnh.