Thủ tướng da màu đầu tiên của Anh được kỳ vọng đưa đất nước vượt qua bất ổn kinh tế và chính trị

PV (Tổng hợp)
25/10/2022 - 10:40
Thủ tướng da màu đầu tiên của Anh được kỳ vọng đưa đất nước vượt qua bất ổn kinh tế và chính trị

Vợ chồng tân Thủ tướng Anh Rishi Sunak

Ông Rishi Sunak, 42 tuổi, sẽ trở thành vị Thủ tướng thứ 3 của Anh chỉ trong chưa đầy 2 tháng, là Thủ tướng gốc Ấn và da màu đầu tiên của Anh, đồng thời là Thủ tướng trẻ nhất "xứ sương mù" trong hơn 200 năm qua.

Theo Reuters, ngày 24/10, Văn phòng Thủ tướng Anh cho biết ông Rishi Sunak sẽ trở thành tân Thủ tướng Anh vào ngày 25/10, sau khi diện kiến Vua Charles III vào sáng cùng ngày, sau đó ông Rishi Sunak sẽ có bài phát biểu tại tại số 10 phố Downing.

Ông Sunak, 42 tuổi, sẽ trở thành vị thủ tướng thứ 3 của Anh chỉ trong chưa đầy 2 tháng, là thủ tướng gốc Ấn và da màu đầu tiên của Anh, đồng thời là thủ tướng trẻ nhất Xứ sương mù trong hơn 200 năm qua.

Trên cương vị mới, ông Sunak sẽ có trọng trách đem lại sự ổn định cho đất nước sau quãng thời gian bất ổn chính trị và khủng hoảng kinh tế.

Ưu tiên hàng đầu của ông Rishi Sunak sau khi trở thành Thủ tướng Anh  - Ảnh 1.

Tân Thủ tướng Anh Rishi Sunak. Ảnh: Rishi Sunak

Đảng Bảo thủ Anh phải tiến hành bầu chọn lãnh đạo mới, cũng là thủ tướng mới của nước Anh sau khi bà Liz Truss thông báo từ chức vào ngày 20/10 và trở thành thủ tướng tại vị trong thời gian ngắn nhất với vẻn vẹn 6 tuần.

Ông Sunak trở thành nghị sĩ đảng Bảo thủ vào năm 2015 và hoạt động chính trị tích cực trong suốt 2 năm sau đó. Chương trình nghị sự chính của ông Sunak vào thời điểm đó chủ yếu xoay quanh Brexit (Vương quốc Liên hiệp Anh và Bắc Ireland rời khỏi Liên minh châu Âu), bản thân ông cũng ủng hộ việc Anh rời EU.

Sau cuộc trưng cầu dân ý năm 2016, ông Sunak được bổ nhiệm làm bộ trưởng cấp thấp (bộ trưởng không thuộc nội các) trong Chính phủ của cựu Thủ tướng Theresa May, rồi sau đó trở thành Bộ trưởng Tài chính dưới thời Thủ tướng Boris Johnson.

Ban đầu, ông Sunak là người ủng hộ mạnh mẽ cho ông Johnson nhưng sau đó đã từ chức với lý do ông cảm thấy cách tiếp cận nền kinh tế của mình về cơ bản quá khác so với cách tiếp cận của Thủ tướng Boris Johnson.

Bản thân ông Sunak nhận được khá nhiều tín nhiệm từ các đảng viên nghị sĩ lẫn người dân Anh khi công bố kế hoạch hỗ trợ mở rộng cho những người không thể đi làm trong thời gian phong tỏa do đại dịch Covid-19. So với người tiêng nhiệm - bà Liz Truss, ông Sunak được cho là có lập trường mềm mỏng hơn trong một số vấn đề như Brexit và kinh tế.

Ngày 24/10, cựu Bộ trưởng Tài chính Sunak giành chiến thắng trong cuộc đua vào ghế lãnh đạo đảng Bảo thủ cầm quyền sau khi được hơn 100 nghị sĩ đảng đề cử.

Với việc đối thủ duy nhất của ông, lãnh đạo Hạ viện Penny Mordant, tuyên bố rút khỏi cuộc đua, ông Sunak trở thành lãnh đạo mới của đảng, đồng thời là tân Thủ tướng của nước Anh, mà không cần trải qua vòng bỏ phiếu trong toàn đảng.

"Đây là một quyết định lịch sử và một lần nữa cho thấy sự đa dạng cũng như tài năng của các thành viên trong đảng chúng ta. Tôi sẽ hoàn toàn ủng hộ ông Rishi", bà Mordaunt cho hay trong một thông báo khi rút khỏi cuộc đua chỉ vài phút trước khi người chiến thắng được thông báo.

Trên mạng Twitter, bà Liz Truss cũng đã gửi lời chúc mừng và tuyên bố hoàn toàn ủng hộ ông Sunak.

Ngày 24/10, Tổng thống Mỹ Joe Biden cho rằng việc ông Rishi Sunak được chọn làm lãnh đạo Đảng Bảo thủ và sẽ chính thức trở thành thủ tướng Anh là quyết định "đột phá".

Phát biểu tại sự kiện chào mừng lễ hội Diwali (Lễ hội Ánh sáng) của Ấn Độ tại Nhà Trắng, Tổng thống Biden nói về chiến thắng của ông Sunak: "Điều đó thật đáng kinh ngạc, một cột mốc mang tính đột phá và nó rất quan trọng".

Theo Hãng tin Reuters, Nhà Trắng cho biết ông Biden sẽ gọi điện để chúc mừng nhà lãnh đạo mới của Anh - thủ tướng gốc Á đầu tiên của Anh - trong thời gian tới và Mỹ sẽ tiếp tục hợp tác chặt chẽ với Vương quốc Anh.

"Chiến thắng của ông Sunak làm giảm rủi ro với kinh tế Anh"

Theo các nhà kinh tế, chiến thắng của ông Rishi Sunak trong cuộc đua giành vị trí lãnh đạo đảng Bảo thủ cầm quyền, đồng thời là Thủ tướng Anh, đã làm giảm những rủi ro bất lợi về một thời kỳ mất ổn định chính trị và suy thoái kinh tế kéo dài của Vương quốc Anh.

Trong bài phát biểu đầu tiên với tư cách là thủ lĩnh đảng Bảo thủ, ông Sunak cảnh báo Vương quốc Anh đang đối mặt với cuộc khủng hoảng kinh tế nghiêm trọng, đồng thời cam kết sẽ phục vụ đất nước với sự liêm chính và khiêm tốn. Sunak khẳng định ưu tiên hàng đầu của ông là đảm bảo ổn định kinh tế, tiếp đó là thực hiện các cam kết của đảng Bảo thủ trong cuộc bầu cử năm 2019.

Trong bài phát biểu trước các nghị sĩ đảng Bảo thủ, ông Sunak cũng loại trừ khả năng tổ chức tổng tuyển cử.

Ưu tiên hàng đầu của ông Rishi Sunak sau khi trở thành Thủ tướng Anh  - Ảnh 3.

Ông Rishi Sunak tại một sự kiện của Đảng Bảo thủ ở Manchester, Anh. Ảnh: AFP/TTXVN

Nhà kinh tế cấp cao tại công ty nghiên cứu kinh tế Capital Econonomics (Anh), bà Ruth Gregory, cho biết việc bầu ông Sunak làm thủ tướng mới sẽ làm giảm các rủi ro bất lợi đối với nền kinh tế do thời kỳ bất ổn chính trị kéo dài và thắt thặt tài khóa.

Tuy nhiên, bà Gregory nhấn mạnh tân thủ tướng vẫn phải nỗ lực lớn để khôi phục sự ổn định của thị trường tài chính, đồng thời lấp lỗ hổng tài khóa lên tới 34 tỷ bảng.

Bà Susannah Streeter, chuyên gia phân tích thị trường và đầu tư tại công ty dịch vụ tài chính Hargreaves Lansdown (Anh), cho rằng việc chi tiêu quá tay cho đại dịch đã kết thúc và cựu Bộ trưởng Tài chính giờ đây sẽ phải đóng vai trò một thủ tướng nghiêm khắc và tằn tiện.

Bà Shevaun Haviland, Tổng giám đốc Phòng Thương mại Anh, chỉ ra rằng những bất ổn về kinh tế và chính trị trong những tháng gần đây đã hủy hoại niềm tin của giới doanh nghiệp Anh và giờ đây cần kết thúc. Bà cũng nhấn mạnh tân Thủ tướng sẽ phải vững tay chèo lái nền kinh tế vượt qua những thách thức hiện nay.

Sinh năm 1980 tại Southampton, Anh, ông Sunak là con cả trong gia đình có 3 người con, với cha mẹ là người gốc Punjab, Ấn Độ, theo báo Sky News. Cha mẹ ông đều sinh ra ở châu Phi nhưng đã di cư đến Anh vào thập niên 1960. Cha ông là một bác sĩ gia đình, còn mẹ ông điều hành một hiệu thuốc.

Ông lấy bằng cử nhân liên ngành triết học, chính trị và kinh tế (PPE) tại trường Lincoln thuộc Đại học Oxford (Anh) và sau đó lấy bằng MBA (thạc sĩ quản trị kinh doanh) tại Đại học Stanford (Mỹ). Chính tại Stanford, ông đã gặp người vợ tương lai của mình - Akshata Murthy - con gái của tỉ phú Ấn Độ N. R. Narayana Murthy, nhà sáng lập tập đoàn công nghệ Infosys. Đây là một trong những công ty công nghệ lớn nhất Ấn Độ, với giá trị thị trường khoảng 71,41 tỷ USD. Họ kết hôn năm 2009 và có 2 con gái.

Vợ chồng tân Thủ tướng Anh và các con

Theo báo The Times của Anh, vợ chồng ông Sunak đứng ở vị trí 222 trong danh sách những người giàu nhất nước Anh năm 2022.

Nguồn: TTXVN, VTC News, TN
Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm