Thủ tướng lưu ý 7 vấn đến trọng tâm ngành y tế cần quan tâm

Linh Trần
06/01/2021 - 18:06
Thủ tướng lưu ý 7 vấn đến trọng tâm ngành y tế cần quan tâm

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại hội nghị

Năm 2020, y tế Việt Nam đã đạt được những kết quả quan trọng, góp phần đẩy lùi dịch COVID-19, góp phần phát triển kinh tế- xã hội. Dù vậy, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng lưu ý 7 vấn vấn đề mà ngành y tế cần quan tâm trong thời gian tới.

Ngày 6/1/2021, Bộ Y tế đã tổ chức Hội nghị Y tế toàn quốc nhằm đánh giá những kết quả đạt được, bài học kinh nghiệm và định hướng phát triển của toàn ngành trong thời gian tới.

Theo Bộ Y tế, năm 2020, mặc dù gặp nhiều khó khăn, thách thức, nhất là ảnh hưởng nghiêm trọng của đại dịch COVID-19, nhưng công tác y tế đã đạt được những thành tựu quan trọng.

Theo đó, ngành y tế thực hiện đạt các chỉ tiêu chủ yếu được Quốc hội, Chính phủ giao năm 2020. Ví như chỉ tiêu số giường bệnh trên vạn dân (giao 28, đạt 28); tỷ lệ dân số tham gia bảo hiểm y tế (giao 90,7%, đạt 90,85%). Đạt 6/7 chỉ tiêu cụ thể ngành, lĩnh vực được Chính phủ giao tại Nghị quyết 01/NQ-CP năm 2020.

Ngành y tế đã trình và được Quốc hội thông qua ngay trong một kỳ họp Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật phòng, chống HIV/AIDS; Chính phủ ban hành 04 Nghị định và 01 Nghị quyết; hoàn thành kết nối 85 thủ tục hành chính với Cổng dịch vụ công Bộ Y tế và 31 thủ tục hành chính với Cổng thông tin một cửa quốc gia…

Bộ cũng đã tham mưu cho Đảng, Chính phủ triển khai thực hiện hiệu quả, kịp thời các biện pháp phòng chống dịch COVID-19 ở mức cao hơn và sớm hơn so với khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới ở giai đoạn đầu, với phương châm "4 tại chỗ", phù hợp với thực tiễn và thực lực của đất nước. Làm tốt công tác truyền thông, thông tin công khai, minh bạch, kịp thời, góp phần tạo đồng thuận xã hội.

Bộ cũng đẩy mạnh triển khai Đề án Xây dựng và phát triển mạng lưới y tế cơ sở trong tình hình mới. Như đổi mới hoạt động của y tế cơ sở theo nguyên lý y học gia đình, triển khai ứng dụng công nghệ thông tin quản lý tổng thể hoạt động trạm y tế, hồ sơ sức khỏe điện tử, tỷ lệ dân số được quản lý, theo dõi sức khỏe là 23,9% năm 2019, ước 45,6% năm 2020. Tỷ lệ trạm y tế xã triển khai dự phòng, quản lý điều trị một số bệnh không lây nhiễm tăng, 73,7% năm 2019, ước đạt 80,6% năm 2020. Chất lượng nguồn nhân lực y tế cơ sở được nâng lên thông qua tăng cường đào tạo, chuyển giao kỹ thuật. Đồng thời, ứng dụng thành công các kỹ thuật mới, thực hiện đồng bộ các giải pháp để giảm quá tải, nâng cao chất lượng dịch vụ các tuyến. Bên cạnh đó, trong năm 2020, toàn ngành y tế đã nỗ lực thực hiện các giải pháp về dân số và phát triển.

 Phát biểu tại hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cho biết, đại dịch COVID-19 và kéo theo đó là sự suy thoái nghiêm trọng của kinh tế thế giới và Việt Nam. Mặc dù vậy, kinh tế nước ta vẫn duy trì tăng trưởng dương 2,91%, là một trong số ít quốc gia có mức tăng trưởng dương cao nhất thế giới. Để có được thành quả tăng trưởng kinh tế của năm 2020, để Việt Nam trở thành điểm sáng của thế giới, đó là nhờ vào sự thành công trong việc kiểm soát, ngăn chặn dịch bệnh COVID-19; là sự tham gia của các lực lượng y tế, quân đội, công an ở những khâu, những thời điểm trọng yếu, then chốt, không quản ngại hy sinh luôn "đi trước, về sau". 

Thủ tướng lưu ý 7 vấn đến trọng tâm ngành y tế cần quan tâm  - Ảnh 1.

Theo Thủ tướng, khi dịch xảy ra, ngành y tế đã thể hiện ý chí, sự đoàn kết nhất trí trong toàn ngành. Nhiều tấm gương của ngành đã nỗ lực không mệt mỏi, tiên phong đi vào tâm dịch, không ngại gian khổ, nguy hiểm, tranh thủ từng giờ, từng phút truy vết, cách ly, lấy mẫu, xét nghiệm và giám sát y tế, tận tâm điều trị, cứu chữa người bệnh và mới đây là hình ảnh của nhân viên y tế đã ngất vì làm việc quá sức tại khu cách ly, phải đưa đi cấp cứu,… Có được thành quả chống COVID-19 như hiện nay là tổng hòa ý chí của cả hệ thống chính trị, là sự ủng hộ, đoàn kết của cả dân tộc và tính hiệu quả của hệ thống y tế mà Đảng, Nhà nước ta đã quan tâm đầu tư từ trước đến nay. 

Thủ tướng cũng điểm lại một số thành tựu nổi bật của ngành y tế năm 2020, bao gồm: Khống chế thành công đại dịch COVID-19; ứng dụng khoa học kỹ thuật trong y tế đã có những tiến bộ đáng kể; Nâng cao chất lượng khám chữa bệnh; Ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đối số tạo tiền đề quan trọng để để vận hành nền y tế thông minh; Những thành tựu nổi bật trong ngoại khoa và ghép tạng; Dân số và chất lượng dân số ngày càng được cải thiện. 

Thủ tướng lưu ý một số vấn đề trọng tâm mà ngành y tế cần đặc biệt chú trọng trong năm 2021 và giai đoạn 2021-2025 bao gồm:

Một là, tiếp tục đẩy mạnh các biện pháp phòng chống dịch COVID-19 tại cộng đồng và trong các cơ sở y tế. Người dân hãy nêu cao tinh thần cảnh giác, đấu tranh với biểu hiện lơ là, chủ quan, coi thường lợi ích cộng đồng trong phòng, chống dịch bệnh COVID-19 và các bệnh truyền nhiễm khác.

Hai là, với việc đã hoàn thiện 98 triệu hồ sơ sức khỏe cá nhân, ngành y tế đã tạo được tiền đề để hiện thực hóa chủ trương mọi người dân Việt Nam đều được bác sĩ quản lý, theo dõi, tư vấn và chăm sóc sức khỏe toàn diện bất cứ khi nào người dân cần hoặc có nhu cầu. Vì vậy, ngành y tế phải tiếp tục đổi mới, với trọng tâm là y tế cơ sở, phải có những giải pháp đột phá về chuyên môn, cơ chế tài chính cho y tế cơ sở, trạm y tế xã, đặc biệt phải hoàn thành cho được gói dịch vụ y tế cơ bản cho y tế công cộng y tế, dự phòng, tạo động lực cho hoạt động y tế cơ sở; sớm hoàn thành Đề án phát triển nguồn nhân lực y tế vùng khó khăn trình Chính phủ phê duyệt.

Ba là, phải không ngừng cải thiện chất lượng, lấy chất lượng và sự an toàn, sức khỏe của người bệnh, người dân là mục tiêu quan trọng nhất. Tiếp tục đẩy mạnh việc triển khai khám chữa bệnh từ xa. Thực hiện công khai chất lượng dịch vụ khám, chữa bệnh để người dân được biết và có quyền lựa chọn cơ sở khám chữa bệnh. Phải thực hiện việc liên thông, công nhận kết quả xét nghiệm, liên thông kết quả chẩn đoán hình ảnh giữa các BV để người bệnh giảm bớt phiền hà khi phải thực hiện lại xét nghiệm, hạn chế tình trạng lạm dụng chỉ định xét nghiệm và góp phần tiết kiệm chi phí hàng trăm tỷ đồng trong hoạt động khám bệnh, chữa bệnh, tiến tới bệnh án dùng chung cho các tuyến. 

Từ ngày 01/01/2021 theo quy định của Luật Bảo hiểm y tế đã thực hiện thông tuyến tỉnh trên phạm vi toàn quốc, đây là thách thức không nhỏ của cả ngành và cả các chính quyền địa phương. Do đó ngành y tế và chính quyền các địa phương phải chủ động nâng cao chất lượng, không để tình trạng người bệnh dồn về một số bệnh viện, gây quá tải cục bộ, dẫn đến giảm chất lượng điều trị, chăm sóc bệnh nhân.

Bốn là, phải công khai, minh bạch trong quản trị ngành; trong mua sắm, đấu thầu; tập trung hoàn thành BV Bạch Mai cơ sở 2, BV Việt Đức cơ sở 2, đảm bảo nguồn nhân lực để đưa vào hoạt động trong năm 2021, không thể để chậm chễ lâu hơn nữa, đáp ứng lòng mong mỏi của nhân dân có cơ sở khám chữa bệnh mới, khang trang, hiện đại. 

Chủ động, phối hợp với các Bộ Ngành xây dựng các chính sách, cơ chế thu hút đầu tư để nhanh chóng hiện đại hóa cơ sở vật chất, trang thiết bị ngành y tế phục vụ ngày càng tốt hơn nhu cầu ngày càng cao và đa dạng của người dân.

Năm là, ngành y tế phải đổi mới mạnh mẽ cơ chế quản lý bằng các cơ chế, chính sách cũng như cơ chế quản trị trong từng bệnh viện, cơ sở y tế. Phải tăng cường phân cấp, tự chủ, xã hội hóa gắn với công khai, minh bạch, trách nhiệm giải trình. Chính phủ đã phê duyệt Nghị quyết về thí điểm tự chủ cho 4 BV: Bạch Mai, Việt Đức, K, Chợ Rẫy và phê duyệt các đề án tự chủ cụ thể cho BV Bạch Mai, BV K TƯ.

 Đề nghị Bộ Y tế và các BV khẩn trương thực hiện, sơ kết thí điểm để đánh giá, rút kinh nghiệm, theo phương châm tự chủ không phải là tự tung, tự tác, tự trị để tăng thu, làm giàu trên sự đau khổ của người bệnh. Thay vào đó là tạo điều kiện thuận lợi, giảm thủ tục hành chính không cần thiết để các BV phát triển cả về chuyên môn và chất lượng phục vụ, nâng cao chất lượng dịch vụ y tế và  tiếp thêm nhiệt huyết, sức mạnh để cán bộ y tế cống hiến hết mình để cứu chữa, chăm sóc người bệnh. Vừa qua, khi tiến hành tự chủ, có BV thực hiện tốt, nhưng có bệnh viện còn có nhiều bất cập trong quản lý điều hành; tâm tư của cán bộ còn có điểm chưa thống nhất; có BV còn có hiện tượng chảy máu chất xám. Những vấn đề này cần tiếp tục được quản lý tốt hơn, minh bạch hơn.

Chính phủ quyết tâm cải thiện tình trạng quá tải BV, chất lượng dịch vụ y tế gắn với cơ chế tiền lương, giá dịch vụ y tế, bảo hiểm y tế. Do đó, Bộ Y tế cần chuẩn bị sẵn sàng các điều kiện để tiếp tục triển khai lộ trình tính đúng, tính đủ giá dịch vụ y tế gắn với thực hiện bảo hiểm y tế, phấn đấu đạt mục tiêu 95% vào năm 2025. Nghiên cứu đề xuất tăng mức đóng BHYT phù hợp, bảo đảm phục vụ tốt nhất quyền lợi của người bệnh, sử dụng quỹ hợp lý và hiệu quả, bảo đảm cân đối quỹ BHYT. Đồng ý với kiến nghị của Bộ Y tế về giao Quỹ BHYT theo một hình thức mới phù hợp hơn và yêu cầu Bộ Tài chính, Bảo hiểm xã hội Việt Nam phối hợp với Bộ Y tế giải quyết dứt điểm tình trạng treo, nợ quỹ.

Sáu là, Chính phủ và Nhân dân không thể chấp nhận tình trạng bệnh nhân mù mờ trước chi phí y tế, do đó ngành y tế phải có trách nhiệm đảm bảo tính minh bạch về viện phí hơn nữa, kiểm soát tốt hơn chi phí dược phẩm, phác đồ và thuốc chữa bệnh cũng như vật tư, thiết bị y tế. Chống tiêu cực, tham nhũng và đẩy mạnh công khai, minh bạch hóa bằng ứng dụng công nghệ thông tin ở các cơ sở khám chữa bệnh trên toàn quốc. 

Bảy là, công tác dân số và phát triển luôn được trong trọng tâm ưu tiên của Đảng, Chính phủ. Riêng trong năm 2020, Thủ tướng đã phê duyệt 5 Đề án; Bộ Y tế và các địa phương khẩn trương triển khai thực hiện bằng những kế hoạch, chương trình hành động cụ thể để duy trì và tận dụng tối đa thời kỳ dân số vàng phục vụ phát triển kinh tế-xã hội của đất nước, đồng thời thích ứng được với xu hướng già hóa dân số trong những năm sắp tới.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm