pnvnonline@phunuvietnam.vn
Báo chí cần giữ vững tinh thần cách mạng
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Thường trực Ban Bí thư Trần Quốc Vượng trao giải A cho các tác giả. - Ảnh: VGP/Quang Hiếu
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh điều này tại chương trình kỷ niệm 95 năm Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam và Lễ trao giải báo chí quốc gia lần thứ XIV - năm 2019 được tổ chức trọng thể vào tối 21/6 tại Nhà hát Lớn Hà Nội.
Tham dự buổi lễ còn có nguyên Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh; nguyên Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng; Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư Trần Quốc Vượng; Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Võ Văn Thưởng; Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP. Hồ Chí Minh Nguyễn Thiện Nhân; Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Trần Thanh Mẫn và các đồng chí lãnh đạo các bộ, ban, ngành.
Đây là buổi lễ diễn ra mỗi năm một lần, quy tụ những gương mặt nhà báo xuất sắc nhất, tác giả của những bài viết công phu, tâm huyết nhất, vì sự phát triển của đất nước. Hội đồng Giải báo chí quốc gia lần thứ XIV đã chọn được 103 tác phẩm báo chí xuất sắc, gồm 9 Giải A, 21 Giải B, 41 Giải C và 32 Giải khuyến khích.
Các tác phẩm tham dự đã phản ánh kịp thời, đậm nét các sự kiện chính trị lớn của đất nước trong năm 2019 như: Nghị quyết 04 về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng, đặc biệt là công tác đấu tranh phòng chống tham nhũng, lãng phí; các nghị quyết, chính sách điều hành kinh tế- xã hội của Chính phủ trong năm 2019; các vấn đề về xử lý cán bộ sai phạm, sai phạm trong công tác quản lý đất đai, giáo dục; nạn tín dụng đen; phòng chống thông tin xấu, độc hại trên mạng xã hội…
Nhiều tác phẩm đã cho thấy hiệu ứng tác động xã hội tốt, được các cơ quan chức năng tiếp thu, giải quyết, dư luận xã hội đánh giá cao về vai trò phát hiện, phản biện, đấu tranh, phê phán cũng như biểu dương, xây dựng của báo chí.
Phát biểu tại lễ trao giải, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc bày tỏ sự tri ân những nhà báo qua các thời kỳ đã cống hiến hết mình, nhiều người đã hy sinh anh dũng, góp phần tô thắm trang sử vẻ vang của Báo chí Cách mạng Việt Nam và dân tộc Việt Nam. Dưới sự lãnh đạo của Đảng và tư tưởng chỉ đạo của Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại, sự ủng hộ, giúp đỡ của các tầng lớp nhân dân, Báo chí Cách mạng nước nhà đã không ngừng lớn mạnh, đóng góp xứng đáng, quan trọng vào sự nghiệp cách mạng giành độc lập dân tộc, thống nhất đất nước, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam XHCN.
Trong những tháng đầu năm nay, các cơ quan báo chí, truyền thông đã có những đóng góp rất quan trọng trong cuộc chiến chống đại dịch thế kỷ COVID-19. Chủ trương của Đảng và Nhà nước chúng ta, hành động quyết liệt của Chính phủ với những thông điệp mạnh như “chống dịch như chống giặc”, “mục tiêu kép - chống dịch đi đôi với duy trì, phát triển kinh tế”,… đã được báo chí cả nước truyền tải hiệu quả hằng ngày hằng giờ đến từng người dân, từng doanh nghiệp.
“Còn gì cảm động hơn hình ảnh các phóng viên đồng hành với các y bác sĩ, các chiến sĩ quân đội, công an trong cuộc chiến chống đại dịch”, Thủ tướng nói. Báo chí đã góp phần to lớn tạo sự đồng thuận, ủng hộ của toàn dân, sự đoàn kết, nhân ái trong xã hội trong cuộc chiến chống đại dịch này. Đây là yếu tố quan trọng đưa Việt Nam trở thành một trong những nước đầu tiên trên thế giới kiểm soát được dịch COVID-19 với phương pháp chống dịch hiệu quả, chi phí thấp và nay bước vào “trạng thái bình thường mới” vừa đẩy mạnh phát triển kinh tế- xã hội vừa cảnh giác phòng, chống dịch.
Nhân dịp này, Thủ tướng cũng chia sẻ với các nhà báo, cơ quan báo chí trước những khó khăn do đại dịch gây ra, làm nguồn thu của không ít tờ báo cũng bị sụt giảm, ảnh hưởng trực tiếp tới thu nhập của những người làm báo. “Chính phủ luôn đồng hành cùng báo chí, tạo điều kiện để báo chí vượt qua giai đoạn khó khăn hiện nay”.
Báo chí nằm trong nhóm ngành bị ảnh hưởng đầu tiên và mạnh nhất bởi công nghệ số, bởi công nghệ 4.0. Truyền thông mạng xã hội cũng đặt ra cho báo chí những thách thức to lớn. Báo chí cần làm gì để bạn đọc có được thông tin chính xác kịp thời, vừa có tính phản biện xã hội, vừa tạo dựng được sự đồng thuận và xây dựng niềm tin lẫn nhau, Thủ tướng đặt vấn đề.
Báo chí cách mạng thì lấy sứ mệnh của cách mạng làm sứ mệnh của mình. Báo chí cần giữ vững tinh thần cách mạng, giữ gìn niềm tin của nhân dân đối với Đảng và Nhà nước, góp phần tạo đồng thuận và niềm tin xã hội, lan toả năng lượng tích cực đến mọi người dân, khơi dậy lòng yêu nước và tinh thần đoàn kết dân tộc, cùng thực hiện mục tiêu, khát vọng Việt Nam hùng cường thịnh vượng vào năm 2045.
Báo chí nước nhà cùng với cách làm truyền thống, cần chủ động đi đầu trong chuyển đổi số, sử dụng công nghệ số để thay đổi cách làm báo, mô hình kinh doanh mới, tập trung hơn vào những ấn phẩm có nội dung khoa học, phân tích chuyên sâu. Đồng thời, báo chí đóng vai trò lớn hơn dẫn dắt, định hướng tư tưởng và thẩm mỹ, góp phần nâng cao dân trí, giữ gìn bản sắc, phát triển văn hóa và con người Việt Nam chúng ta.
“Chúng ta đặt vấn đề quy hoạch lại báo chí, đề cao trách nhiệm với Đảng, Nhà nước và nhân dân, đề cao tính tự chủ của mỗi tờ báo, đó là điều cần thiết và đúng đắn, nhưng còn một vế nữa cần nghiên cứu, hoàn thiện đó là xem xét cơ chế tài chính phù hợp để bảo đảm mỗi nhà báo, mỗi tờ báo ổn định thu nhập và an tâm thực hiện tốt sứ mệnh, tôn chỉ, mục đích của mình”, Thủ tướng bày tỏ. Bảo vệ chính nghĩa, nói lên sự thật, đồng hành với lẽ phải và lên án cái xấu cái ác, chống lại sự phi nghĩa, đó là sứ mệnh cao cả của người làm báo.
Đảng và Nhà nước luôn tạo mọi điều kiện cho báo chí cách mạng phát triển và cũng luôn coi trọng lắng nghe tâm tư, nguyện vọng, tiếng nói của các tầng lớp nhân dân, thực tiễn cuộc sống của nhân dân thông qua báo chí, đó là nguồn thông tin quan trọng phục vụ cho công tác chỉ đạo, điều hành phát triển đất nước.
Thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Thủ tướng chúc mừng các nhà báo được trao Giải Báo chí quốc gia cao quý hôm nay. Tuy nhiên, Thủ tướng cho rằng, hầu hết các bài tham gia dự giải và đạt giải chủ yếu là phản ánh mặt trái, mặt tiêu cực, hạn chế. Còn ít các bài mang tính phát hiện nhân tố mới, điển hình tốt, gương người tốt, việc tốt nhằm lan toả Chân, Thiện, Mỹ trong xã hội. Còn thiếu những bài phân tích, đưa ra những kiến giải, gợi ý trong hoàn thiện chế pháp luật, cơ chế quản lý nhằm tạo bước phát triển đột phá. Kể cả những tác giả, tác phẩm đoạt giải cao nhưng vẫn thấy thiếu vắng những tên tuổi lớn trong làng báo như Hoàng Tùng, Thép Mới, Hữu Thọ, Phan Quang, Hà Đăng, Hồ Tiến Nghị... của thế hệ trước.
Thủ tướng nêu rõ, qua từng năm, từng mùa giải, cần rút ra kinh nghiệm và bài học để có định hướng cho những giải sau về chủ đề, về thể loại, theo hướng bám sát nhiệm vụ chính trị, trọng tâm lãnh đạo của Đảng và Nhà nước theo từng năm, từng giai đoạn phát triển của đất nước. Giải báo chí năm tới - năm 2020, với nhiều sự kiện trọng đại, cả đối nội và đối ngoại, nhất là sự kiện Đại hội Đảng các cấp, tiến tới Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII, là những nguồn cảm hứng lớn hơn, thách thức hơn, sẽ hứa hẹn một mùa giải chất lượng và thú vị.
Thủ tướng tin tưởng, lực lượng hùng hậu với hơn 25 nghìn hội viên – nhà báo đang làm việc trong các cơ quan báo chí, cơ quan quản lý, đào tạo báo chí với bản lĩnh chính trị, năng lực chuyên môn vững vàng sẽ ngày càng có nhiều đóng góp to lớn hơn nữa cho sự nghiệp cách mạng, xứng đáng niềm tin yêu, kỳ vọng của Đảng, Nhà nước và nhân dân. “Chúc những người làm báo trong cả nước luôn luôn dấn thân, nhạy bén và tấm lòng trong sáng, vì nước, vì dân để tiếp tục có nhiều tác phẩm đi vào lòng người, đẩy lùi tiêu cực, tham nhũng, góp phần thực hiện thắng lợi mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh, xứng đáng với sự tin yêu của Đảng và của nhân dân”.