Dòng báo nữ trong tiến trình phát triển của báo chí Việt Nam
PV
20/06/2020 - 10:13
Nữ sĩ Sương Nguyệt Anh (1864-1921), chủ bút của tờ báo dành cho nữ giới đầu tiên tại Việt Nam - “Nữ Giới Chung”
Kể từ ngày tờ báo đầu tiên về nữ giới ra đời, đến nay, dòng báo nữ Việt Nam đã có lịch sử phát triển hơn 100 năm và có nhiều đóng góp trong tiến trình phát triển của báo chí Việt Nam cũng như góp phần nâng cao nhận thức chung về vấn đề nữ quyền, giải phóng phụ nữ.
Năm 1918, bên cạnh tờ báo quốc ngữ cổ nhất Việt Nam là "Gia Định báo" (được sáng lập năm 1865), tờ "Nữ Giới Chung" được ra đời. Đây được coi là tờ báo đầu tiên dành cho phụ nữ, mở đầu cho dòng báo nữ ở nước ta. Và người đứng đầu tờ báo này là nữ sĩ Sương Nguyệt Anh.
Theo Bảo tàng Lịch sử Quốc gia, "Nữ Giới Chung" là tờ tuần báo thuộc dòng báo chí công khai hợp pháp, xuất bản ngày thứ Sáu hàng tuần, ra số đầu tiên vào ngày 1/2/1918. Tờ báo xác định đối tượng chính là phụ nữ. Ngay từ đầu, nữ sĩ Sương Nguyệt Anh đã mong muốn tờ báo phải là "tiếng chuông thức tỉnh nữ giới", khơi dậy ý thức dân tộc của người phụ nữ, nhắc nhở người phụ nữ quan tâm đến "vận nước", "vận giang sơn"; gợi lại truyền thống đấu tranh yêu nước của dân tộc, nhắc đến những gương sáng về lòng yêu nước của người xưa như Bà Trưng, Bà Triệu: "Dấu thơm Trưng, Triệu còn ghi để/Gương cũ soi chung vẫn chửa loà" (Nữ giới chung, số 12).
Không chỉ dừng ở việc "quảng khai nữ trí", tờ báo còn tự nhận mình là "cơ quan chăm nom cho nữ giới". Điều này thể hiện ở việc tờ báo chú trọng đưa ra những quan điểm về vấn đề phụ nữ, từ đó, lý giải, lập luận nhằm làm rõ khái niệm, nội dung nữ quyền, nam - nữ bình đẳng; về vai trò của người phụ nữ; phụ nữ chức nghiệp; vấn đề phổ biến kiến thức khoa học cho phụ nữ...
Đến tháng 7/1918, vì tầm ảnh hưởng của tờ báo quá lớn khiến mật thám Pháp e ngại nên tờ báo bị đình bản. Tuy chỉ tồn tại trong một khoảng thời gian ngắn nhưng chủ bút Sương Nguyệt Anh cùng tờ báo đã góp tiếng nói đầu tiên nhằm thức tỉnh ý thức dân tộc cho người phụ nữ.
...Đến sự ra đời của hàng loạt các tờ nữ báo
Sau gần 11 năm, kể từ ngày tờ báo đầu tiên của dòng báo nữ bị đình bản, vào ngày 2/5/1929, tờ báo thứ hai của dòng báo nữ ra đời - "Phụ nữ Tân Văn". Đây được coi là tờ báo có tuổi thọ cao nhất thời kỳ Pháp thuộc (đến tháng 4/1935 bị đình bản). Nói về tờ báo này, nhà báo Trần Vĩnh An (Đài Truyền hình TP.HCM) cho biết, theo thông báo của ban biên tập, tờ báo là "cơ quan để phổ thông trí thức và bênh vực quyền lợi của đàn bà". Tuy vậy, đối tượng độc giả của báo rất rộng, vì ngoài mục "việc trong bếp" dành cho phụ nữ, tờ báo còn có nhiều mục tin tức như: tin tức trong nước, giới thiệu nhân vật, phê bình sách mới, văn uyển, tiểu thuyết, y học, luật pháp, dành cho nhiều đối tượng độc giả khác.
Ngoài những biên tập đầy năng lực như Nguyễn Thị Kiêm (tức nữ sinh Manh Manh), Đào Trinh Nhất, Tản Đà..., tờ báo còn quy tụ được những cộng tác viên có tên tuổi như: Đào Thị Nguyệt Minh (tức nữ sĩ Vân Đài), Trần Tuấn Khải, Lưu Trọng Lư... tham gia viết bài.
Kể từ thời điểm 2 tờ báo trên xuất hiện đến Cách mạng Tháng Tám 1945, cả nước có hơn 10 tờ báo phụ nữ ra đời nhưng tất cả chỉ ra được khoảng 10 số rồi tuyệt tích, như các tờ: Phụ nữ Tân Tiến (Huế, 1934), Tân Nữ Lưu (Hà Nội, 1935 - 1936), Việt Nữ (Hà Nội, 1937), Phụ nữ Hà Nội (1938 - 1939).
Qua cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp (1945 - 1954), cuộc kháng chiến chống đế quốc Mỹ (1954 - 1975) và từ năm 1975 tới nay, dòng báo nữ Việt Nam tiếp tục phát triển cả về số lượng đầu báo cũng như số lượng người làm báo là nữ. Số lượng các nhà báo nữ này không chỉ tập trung ở các cơ quan báo chí thuộc dòng báo nữ mà còn ở những cơ quan thông tấn, báo chí khác của cả nước.
GS.TS Đỗ Quang Hưng, nguyên Viện trưởng Viện nghiên cứu tôn giáo, Viện Hàn lâm khoa học xã hội Việt Nam, chia sẻ: "Báo chí phụ nữ thuộc dòng báo chí chuyên biệt. So với khu vực Đông Nam Á, nước ta xuất hiện dòng báo chí này khá sớm.
Nhắc đến báo chí viết về phụ nữ, không thể không nhắc tới sự đóng góp của nữ sĩ danh tiếng Sương Nguyệt Anh cùng sự ra đời của tờ “Nữ giới chung”. Dù chỉ tồn tại trong 1 năm nhưng tờ báo này được ví như một tiếng chuông đầu tiên đánh dấu thời kỳ nữ quyền trong điều kiện xã hội thuộc địa bắt đầu phát triển.
Sau đó, cùng với sự phát triển của xã hội, báo chí phụ nữ dần xuất hiện nhiều hơn. Nhưng tờ báo mà tôi cho rằng trưởng thành nhất cả về nội dung lẫn hình thức trong thập kỷ 1930 chính là tờ “Phụ nữ tân văn”. Tờ báo này ra đời trong bối cảnh xã hội chuyển mình hơn về văn hóa, thành thị, tầng lớp trung lưu nhiều hơn nên nhu cầu đọc báo cũng cao hơn. “Phụ nữ Tân văn” do đó có một vị thế nhất định, định hình rõ nét hơn về vấn đề nữ quyền, gián tiếp phản biện các chính sách xã hội liên quan đến phụ nữ. Thể loại cũng đa dạng hơn như truyện ngắn, dịch thuật, tạp văn, đồng thời bắt đầu định hình về lượng phát hành, thậm chí đăng tin rao vặt quảng cáo. Đặc biệt, công tác bạn đọc cũng phát triển ở chỗ không chỉ đơn thuần là người mua báo mà còn là dần hình thành đội cộng tác viên - điều mà chưa một tờ báo nào tính đến thời điểm ấy làm được.
Về báo Phụ nữ Việt Nam, bản thân gia đình tôi có mối duyên nhất định. Bố tôi - nhà văn Đỗ Quang Tiến - có nhiều năm là cộng tác viên của báo Phụ nữ Việt Nam, do đó tôi có điều kiện để biết về tờ báo này. Trải qua nhiều giai đoạn phát triển nhưng điều mà tôi ấn tượng nhất với tư cách bạn đọc: Báo Phụ nữ Việt Nam là tiếng nói của phụ nữ nhưng đạt đến trình độ của một tờ báo tốp đầu có nghề làm báo. Bản thân tôi cũng là bạn đọc trung thành của báo Phụ nữ Việt Nam, yêu mến tờ báo từ nhiều năm trước đây.
Tôi cũng đánh giá cao về sức hút cộng tác viên của tờ báo, với lượng nhà văn, nhà thơ cộng tác hùng hậu, từ đó tạo nên giọng văn riêng của báo. Nhiệm vụ tuyên truyền không chỉ là vấn đề nữ quyền mà sứ mệnh của tờ báo chính là tiếng nói của Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam. Các yêu cầu về chính trị xã hội, tờ báo rất đảm bảo. Có điều này nữa mà tôi cũng rất yêu thích là tờ báo ít khi “lên gân” nhưng gắn với phụ nữ nên làm cho người đọc cảm thấy thích thú.
Những thập kỷ gần đây, báo Phụ nữ Việt Nam có chuyển biến tốt, đó là đi vào con người phụ nữ rất thật. Người phụ nữ ấy có thể là sinh viên, cán bộ Nhà nước, phụ nữ nông thôn… Đó là những đối tượng cụ thể, với cách thể hiện sinh động đã gây ấn tượng xã hội rất tốt.
Báo cũng giải quyết các vấn đề như phụ nữ giữ gìn phẩm giá, tránh sự băng hoại của đạo đức xã hội. Báo cũng đặt ra vấn đề tế nhị phức tạp như nạn mại dâm... Hoặc các vấn đề mới của phụ nữ hiện nay như phụ nữ đơn thân, phụ nữ trong gia đình khủng hoảng, có hoàn cảnh đặc biệt... Chẳng báo nào hay hơn báo Phụ nữ Việt Nam làm việc này.
Báo Phụ nữ Việt Nam thực sự là tờ báo đứng đầu, xứng đáng là tờ báo “đàn chị” trong dòng báo chí phụ nữ, có bề thế riêng, kể cả trên văn đàn, báo chí, vị thế xã hội… rất đáng quý!".
Theo số liệu năm 2019, cả nước có khoảng 41.000 người đang công tác tại các cơ quan báo chí, trong đó có 20.407 trường hợp đã được cấp thẻ nhà báo. Trong đời sống báo chí hiện nay, các nữ nhà báo ngày càng khẳng định được vị trí, vai trò và tiếng nói của mình, đồng thời có những đóng góp quan trọng vào sự phát triển không ngừng của nền báo chí nước nhà. Họ tham gia tác nghiệp trên tất cả các lĩnh vực và được tôn vinh trong nhiều giải thưởng báo chí. Giải báo chí quốc gia lần thứ 14 - năm 2019, có 1/2 số người đoạt giải là nữ.