pnvnonline@phunuvietnam.vn
"Nhà báo Nguyễn Thành Lê - Niềm tự hào trong tôi"
Những tác phẩm của nhà báo Nguyễn Thành Lê và sách viết về ông
Trích tham luận của Nguyễn Minh Châu, chắt ngoại của nhà báo Nguyễn Thành Lê, sinh viên Học viện Báo chí và Tuyên truyền, tại Tòa đàm "Nhà báo Nguyễn Thành Lê với Báo chí cách mạng Việt Nam", nhân kỷ niệm 100 năm ngày sinh của cố nhà báo Nguyễn Thành Lê:
"Thế hệ chúng tôi lớn lên khi đất nước đã hòa bình, chỉ biết đến chiến tranh qua những trang sách vở và những câu chuyện của ông bà, cha mẹ kể lại. Nhưng chúng tôi luôn nhắc nhở với bản thân mình rằng để có được những điều kiện đầy đủ, tốt đẹp như ngày hôm nay là sự đánh đổi bằng mồ hôi, nước mắt, bằng xương máu của các thế hệ cha ông đi trước. Đồng hành cùng hai cuộc kháng chiến, nhà báo Nguyễn Thành Lê, cụ ngoại tôi, đã có những đóng góp to lớn trong sự nghiệp đấu tranh giành độc lập của nước nhà.
Trong lĩnh vực ngoại giao, ông là người phụ trách công tác tuyên truyền báo chí của Đoàn đại biểu Việt Nam tại hội nghị Giơ-ne-vơ năm 1954 về Đông Dương, mở ra thời kỳ mới cho cuộc đấu tranh của nhân dân ta. Tại hội nghị Giơ-ne-vơ năm 1961-1962 về Lào, ông là người phát ngôn của đoàn ta. Đặc biệt tại Hội nghị Paris về Việt Nam năm 1968-1973, ông là thành viên chính thức và là người phát ngôn của Đoàn đại biểu Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Có thể nói đây là cuộc hòa đàm thế kỷ, bởi đó là cuộc đàm phán dài nhất, cam go nhất trong nền ngoại giao cách mạng Việt Nam với hơn 201 phiên họp công khai, 45 cuộc tiếp xúc riêng và hơn 200 nhà báo quốc tế từ khắp các hãng thông tấn lớn tới tham dự. Trước một sự kiện mang tầm cỡ lịch sử như vậy, nhà báo Nguyễn Thành Lê đã thể hiện những lý lẽ, luận điệu sắc sảo, giàu tính thuyết phục làm sáng tỏ quan điểm, đường lối của Việt Nam, bác bỏ những thông tin, luận điệu sai trái, chống phá của những kẻ mượn danh nghĩa báo chí để khiêu khích, phá hoại...
Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng căn dặn: "Cán bộ báo chí cũng là chiến sĩ cách mạng. Cây bút, trang giấy là vũ khí sắc bén của họ". Thực hiện theo lời dạy của Người, nhà báo Nguyễn Thành Lê đã có những đóng góp to lớn cho nền báo chí nước nhà với hàng nghìn bài báo tuyên truyền, chỉ đạo về tư tưởng, về phong trào cách mạng trên cả nước trong hai nhiệm vụ chiến lược là đấu tranh giải phóng dân tộc và xây dựng đất nước. Phong cách viết báo của ông dựa trên triết lý "tri kỉ tri bỉ" (Biết người, biết ta) giàu tính chiến đấu với những lập luận chặt chẽ, ngôn từ sắc sảo, sinh động, thu phục lòng người.
Trong cuộc đời hoạt động báo chí của mình, nhà báo Nguyễn Thành Lê giữ nhiều chức vụ quan trọng như: Chủ nhiệm kiêm chủ bút báo Độc lập (cơ quan Trung ương của Đảng Dân chủ Việt Nam) từ năm1945 đến năm 1949; Chủ bút báo Cứu quốc từ tháng 4/1950; Tổng thư ký Hội Nhà báo trong hai nhiệm kỳ từ năm 1950 tới năm 1962; Phó Tổng Biên tập Báo Nhân Dân từ tháng 8/1954 đến tháng 3/1975; Tổng Biên tập Báo Giải phóng năm 1975 và nhiều chức vụ quan trọng khác của Đảng và Nhà nước. Nhắc tới Nguyễn Thành Lê là nhắc tới tấm gương mẫu mực bởi đức tính cần – kiệm – liêm – chính. Với đồng nghiệp ông luôn gần gũi, ân cần, với con cháu ông hết lòng yêu thương, chăm sóc, với những người xung quanh luôn cởi mở, chan hòa.
Cá nhân tôi luôn tâm niệm rằng ai cũng cần có một thần tượng để noi theo và học hỏi. Nếu cuộc sống không có những chuẩn mực để hướng tới thì sẽ chẳng đạt được ước mơ cho riêng mình. Thần tượng của tôi chẳng đâu quá cao xa, đó chính là cụ ngoại tôi, cố nhà báo Nguyễn Thành lê - một nhân cách mẫu mực.
Có một vài kỷ niệm nhỏ hết sức dung dị, hóm hỉnh giữa tôi và cố nhà báo Nguyễn Thành Lê xin được chia sẻ: Những năm tháng còn nhỏ, tôi thường xuyên được cố nhà báo Nguyễn Thành Lê yêu thương. Có một món ăn cụ rất yêu thích, đó chính là phô mai. Cứ tới cuối tuần, tôi cùng bố thường tới cửa hàng bách hóa mua biếu cụ. Bản thân tôi cũng rất thích món ăn này, trong một lần tôi đã lén ăn hết chỗ phô mai và bị bố quở trách... nhưng cụ ngoại lại chính là người đã đứng ra bênh vực, bảo vệ tôi. Ngoài ra cụ rất thích được nghe tôi đệm đàn. Những bản nhạc cố nhà báo Nguyễn Thành Lê yêu thích phải kể tới như: "Làng tôi" hay "Ngày mùa" của nhạc sĩ Văn Cao; "Con kênh xanh xanh" của nhạc sĩ Ngô Huỳnh...
Là thế hệ thứ tư trong gia đình, tôi luôn tâm niệm bản thân cần kế thừa và phát huy những giá trị văn hóa truyền thống vốn có. Chính vì vậy, cố nhà báo Nguyễn Thành Lê có tầm ảnh hưởng rất lớn tới bản thân tôi. Cụ là nguồn động lực giúp tôi phấn đấu, rèn luyện, theo đuổi ước mơ, hoài bão. Tôi thật sự tự hào được theo học dưới mái trường Học viện Báo chí và Tuyên truyền. Tôi nhận thấy bản thân phải luôn trau dồi kiến thức, kỹ năng, giữ vững phẩm chất chính trị, đạo đức để trong tương lai không xa có thể đóng góp một phần sức lực nhỏ bé của mình cho sự phát triển của nền báo chí cách mạng nước nhà".
Cố nhà báo Nguyễn Thanh Lê, tên thật Lê Thanh Thủy (17/6/1920-30/9/2006).
- Quê quán: Tiên Tân, huyện Duy Tiên (nay thuộc TP Phủ Lý), tỉnh Hà Nam.
- Nhà báo Nguyễn Thành Lê từng giữ nhiều chức vụ quan trọng:
* Ủy viên Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam
* Ủy viên Hội đồng Nhà nước
* Trưởng Ban Đối ngoại Trung ương
* Chủ nhiệm Ủy ban đối ngoại của Quốc hội
* Người Phát ngôn của Đoàn Đại biểu Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa tại Hội nghị Paris về Việt Nam 1968-1973.
Trong lĩnh vực hoạt động báo chí, ông từng giữ nhiều vị trí quan trọng:
* Tổng Biên tập báo Giải Phóng
* Chủ nhiệm báo Độc Lập
* Chủ bút báo Cứu Quốc
* Phó Tổng Biên tập Báo Nhân Dân
* Tổng Thư ký Hội Nhà báo Việt Nam (Khóa I và khóa II).