Thúc đẩy bình đẳng giới bằng chính tập tục của đồng bào dân tộc thiểu số

PVH
11/03/2024 - 10:18
Thúc đẩy bình đẳng giới bằng chính tập tục của đồng bào dân tộc thiểu số

PGS.TS Lê Ngọc Thắng, Tổng Biên tập Tạp chí Dân tộc & Thời đại, nguyên Phó Giám đốc Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam. Ảnh: PVH

PGS.TS Lê Ngọc Thắng, Tổng Biên tập Tạp chí Dân tộc & Thời đại, đề xuất 4 giải pháp nhằm phát huy những giá trị, bản sắc văn hoá tốt đẹp, loại bỏ những "tập quán lỗi thời" thực hiện bình đẳng giới trong các dân tộc thiểu số.

- Qua nghiên cứu, khảo sát, ông có thể chia sẻ những nhận định về những tác động tiêu cực của các tập quán đã lỗi thời với phụ nữ, nhóm đối tượng yếu thế, phải chịu nhiều thiệt thòi?

- PGS.TS Lê Ngọc Thắng: Trong tổng số hơn 14 triệu người dân tộc thiểu số (DTTS) ở nước ta hiện nay, phụ nữ chiếm 49,8%. Tỷ lệ phụ nữ và nam giới tương đối cân bằng, nhưng phụ nữ (bao gồm trẻ em gái) DTTS là nhóm đối tượng yếu thế, phải chịu nhiều thiệt thòi trước những tác động tiêu cực của các tập quán đã lỗi thời. Đặc biệt là bất bình đẳng trong tiếp cận các nguồn lực kinh tế và thị trường lao động, ví dụ như tỷ lệ hộ DTTS do phụ nữ làm chủ hộ (năm 2019) được vay vốn ưu đãi từ Ngân hàng Chính sách xã hội năm 2019 chỉ đạt 15,8% trên tổng số hộ vay; tỷ lệ hộ vay nam giới cũng cao hơn chủ hộ là nữ giới (tương ứng là 7,5% và 6,2%).

Bất bình đẳng trong giáo dục - đào tạo; như tỷ lệ trẻ em ngoài nhà trường của 53 DTTS vẫn cao hơn gần hai lần tỷ lệ này của cả nước và gần ba lần dân tộc Kinh…

Tảo hôn ở các DTTS đã giảm nhưng vẫn phức tạp, một số DTTS có tỷ lệ tảo hôn trên 50%. Mặc dù bị cấm theo quy định của Luật Hôn nhân và Gia đình, tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống vẫn tồn tại dai dẳng trong các DTTS, gây ra nhiều vấn đề về sức khỏe, ảnh hưởng đến chất lượng nguồn nhân lực và là một trong những lực cản đối với quá trình phát triển kinh tế - xã hội bền vững…

Vấn đề nữ cán bộ quản lý và cán bô công chức, là người DTTS: Một kết quả nghiên cứu của Uỷ ban Dân tộc vừa qua cho thấy cán bộ nữ DTTS công tác tại xã chiếm 13,1% trên tổng số cán bộ dân tộc thiểu số. Có một số dân tộc thiểu số rất ít người như: Si La, Pu Péo, Brâu, Ơ Đu, Rơ măm... chưa có cán bộ. Thực tiễn cho thấy đội ngũ cán bộ dân tộc thiểu số hiện nay đang công tác tại xã chỉ đạt trên dưới 28% so với tổng số cán bộ xã hiện có ở các vùng dân tộc. Các chức danh chính đảm nhận trong hệ thống Đảng, chính quyền, các ban ngành đoàn thể của xã chiếm tỷ lệ thấp, các xã vùng khó khăn vẫn phải điều động và sử dụng cán bộ tăng cường từ nơi khác tới…

Ngoài ra, phụ nữ vùng dân tộc thiểu số, phụ nữ yếu thế vẫn phải đối diện với những bất bình đẳng giới trong các lĩnh vực công việc chăm sóc không được trả công, tỷ lệ nữ cán bộ quản lý và cán bô công chức, là người DTTS; Bất bình đẳng trong tiếp cận và thụ hưởng thành quả của sự phát triển; Bất bình đẳng trong gia đình...

Thúc đẩy bình đẳng giới bằng chính tập tục của đồng bào dân tộc thiểu số- Ảnh 1.

Phó Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam Nguyễn Thị Thu Hiền (thứ 3 từ phải sang) trao giải cho các đội thi tại Liên hoan các mô hình, hoạt động sáng tạo phát huy tập tục văn hóa tốt đẹp của DTTS góp phần thúc đẩy bình đẳng giới. Ảnh: PVH

- Mặc dù còn tồn tại hủ tục lạc hậu, nhưng trong cộng đồng dân tộc thiểu số có nhiều giá trị, bản sắc văn hoá tốt đẹp cần nhân lên để góp phần thực hiện bình đẳng giới trong các dân tộc thiểu số?

- PGS.TS Lê Ngọc Thắng: Cái mà chúng ta hôm nay gọi là "hủ tục lạc hậu"… trong đời sống, nếp sống của các DTTS (kể cả người Kinh) là những sinh hoạt, lối sống được cộng đồng "thực hành" qua hàng trăm năm không dễ thay đổi trong một sớm một chiều. Dưới góc độ "bình đẳng giới" nhất là đối với phụ nữ và trẻ em gái vùng DTTS nêu trên là một minh chứng về "dư âm", "hệ luỵ " và tác động tiêu cực đối với sự phát triển, hội nhập theo tiêu chí "bình đẳng" ở vùng đồng bào DTTS và miền núi.

Để phát huy giá trị tích cực trong bản sắc văn hoá các dân tộc thiểu số loại bỏ hủ tục (tập quán lỗi thời) thực hiện hiệu quả bình đẳng giới, tôi đề xuất các giải pháp sau:

Thứ nhất, phát huy tinh thần đoàn kết, nhân ái trong truyền thống văn hoá của các dân tộc kết hợp với việc hoàn thiện, cụ thể hoá các chính sách theo hướng chú trọng hơn đến đối tượng phụ nữ và trẻ em gái vùng DTTS. Trong đó, nghiên cứu, hoàn thiện ban hành những chính sách đặc thù đối với phụ nữ vùng DTTS để giảm thiểu những rào cản, khó khăn về điều kiện, cơ hội… của họ so với nam giới và so với phụ nữ ở các vùng, miền khác trên cả nước. Trong từng lĩnh vực cụ thể, cần đề ra những chính sách ưu tiên, ưu đãi, mở rộng thêm các cơ hội để phụ nữ DTTS có thể tham gia học tập ở nhiều loại hình, phương thức đào tạo nhằm nâng cao trình độ, năng lực, bao gồm cả trình độ chuyên môn, ngoại ngữ, tin học…

Thứ hai, phát huy vai trò truyền thống của phụ nữ DTTS trong đời sống kinh tế, xã hội trong gia đình, cộng đồng gắn với chương trình hoạt động nâng cao nhận thức cho cộng đồng và chính phụ nữ về bình đẳng giới.

Trong đó, Chính quyền các cấp, Tổ chức Hội phụ nữ ở vùng đồng bào DTTS, cần tăng cường phổ biến, quán triệt, chỉ đạo thực hiện các chủ trương, chính sách, quy định pháp luật về thúc đẩy bình đẳng giới trong cộng đồng. Đa dạng hóa các hình thức tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức về bình đẳng giới trong cộng đồng; xóa bỏ các phong tục, tập quán lỗi thời mang tính định kiến giới...

Thứ ba, phát huy vai trò của phụ nữ DTTS trong sáng tạo, bảo tồn các giá trị văn hoá truyền thống; tinh thần yêu lao động kết hợp với đẩy mạnh công tác truyên thông kết hợp với đầu tư, tạo dựng mô hình tiếp cận với các dịch vụ công về Văn hoá, Du lịch, Kinh tế, Tham chính…

Đặc biệt, đầu tư tạo dựng mô hình tiếp cận với một số loại hình dịch vụ công: Truyền thông thay đổi nhận thức, hành vi của cộng đồng, xã hội, của chính quyền, ban ngành các cấp và của chính phụ nữ DTTS. Nhất là xây dựng mô hình của phụ nữ DTTS tiếp cận với các dich vụ công về Văn hoá, Kinh tế, Giáo dục (chú trọng dạy tiếng Việt…), Y tế, Tham chính…Thông qua hoạt động của các mô hình trên, nhằm tạo cho phụ nữ DTTS nâng cao nhận thức, năng lực, vai trò, trách nhiệm của chính quyền các cấp, ban nành và của chính phụ nữ DTTS đối với sự phát triển của gia đình, cộng đồng, địa phương và của chính giới mình.

Thúc đẩy bình đẳng giới bằng chính tập tục của đồng bào dân tộc thiểu số- Ảnh 2.

Một tiểu phẩm của đội thi Hội LHPN tỉnh Hà Giang tại Liên hoan các mô hình, hoạt động sáng tạo phát huy tập tục văn hóa tốt đẹp của DTTS góp phần thúc đẩy bình đẳng giới. Ảnh: PVH

Thứ tư, phát huy các giá trị tinh hoa, tốt đẹp tốt đẹp trong luật tục; phát huy vai trò của già làng, trưởng bản, chức sắc tôn giáo, tín ngưỡng và cán bộ thôn bản ở các DTTS kết hợp với triền khai các hoạt động, thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia nhằm tạo điều kiện và đẩy mạnh thực hiện bình đẳng giới trong cộng đồng, các ngành, các cấp. Phát huy mạnh mẽ vai trò của đội ngũ cán bộ thôn, bản, nhất là đội ngũ già làng, trưởng bản, người có uy tín, chức sắc tôn giáo tín ngưỡng… trong cộng đồng các DTTS trong truyên thông về giới nhằm nâng cao nhận thức, hiệu quả hoạt động thực hiện bình đằng giới ở các DTTS…

Theo thống kê, phụ nữ Việt Nam làm việc nhà gấp đôi nam giới, 20% đàn ông không làm việc nhà. Tỷ lệ này ở vùng đồng bào DTTS và MN còn cao hơn. Trong cộng đồng, các công tác xã hội, có rất ít tỷ lệ nữ giới tham gia vai trò này do phụ nữ hầu như đều phải đảm nhiệm chính trong vai trò tái sản xuất giống như nam giới, nhưng lại không được đánh giá cao…

PGS.TS Lê Ngọc Thắng, Tổng Biên tập Tạp chí Dân tộc & Thời đại

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm