Thúc đẩy thực hiện Chương trình nghị sự về phụ nữ, hòa bình và an ninh

H.Y
07/12/2021 - 22:00
Thúc đẩy thực hiện Chương trình nghị sự về phụ nữ, hòa bình và an ninh

Phụ nữ việt Nam tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình của LHQ. Ảnh: Trung tá Nguyễn Thị Liên - người phụ nữ Việt đầu tiên tham gia Lực lượng gìn giữ hòa bình của LHQ tại Cộng hòa Trung Phi.

Ngày 7/12/2021, Bộ Ngoại giao Việt Nam đã phối hợp với Cơ quan Liên hợp quốc về trao quyền cho phụ nữ (UN Women) tổ chức Hội thảo quốc tế với chủ đề "Thúc đẩy triển khai Chương trình nghị sự về Phụ nữ, Hòa bình và An ninh: Vai trò của các Chương trình hành động quốc gia".

Đây là Hội thảo quốc tế đầu tiên được tổ chức nhằm triển khai các cam kết tại Hội nghị quốc tế về Phụ nữ, hòa bình và an ninh do Việt Nam chủ trì (tháng 12/ 2020).

Hội thảo được tổ chức theo hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến với sự tham dự của hơn 100 đại biểu đại diện các cơ quan, bộ ngành của Việt Nam, các tổ chức quốc tế, tổ chức phi chính phủ... Hội thảo có các phiên thảo luận tập trung vào các chủ đề liên quan đến Chương trình hành động quốc gia như các mô hình, thực tiễn điển hình và quan điểm các nước, cơ chế triển khai và ngân sách, thách thức khó khăn trong quá trình xây dựng Chương trình hành động quốc gia, cơ chế giám sát và báo cáo và thực tiễn triển khai tại Việt Nam.

Ông Đỗ Hùng Việt, Trợ lý Bộ trưởng Bộ Ngoại giao khẳng định, Việt Nam ý thức sâu sắc về vai trò và sự đóng góp của phụ nữ trong mọi giai đoạn của tiến trình xây dựng và củng cố hòa bình. Phụ nữ Việt Nam tham gia từ chiến trường tới bàn đàm phán Hiệp định hòa bình, lực lượng rà phá bom mìn, hỗ trợ nạn nhân chiến tranh, xây dựng đất nước… hay mới đây nhất là tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình của LHQ tại Cộng hoà Trung Phi hay Nam Sudan.

Thúc đẩy thực hiện Chương trình nghị sự về phụ nữ, hòa bình và an ninh - Ảnh 1.

Ông Đỗ Hùng Việt, Trợ lý Bộ trưởng Bộ Ngoại giao

Ông Đỗ Hùng Việt cho rằng, nhiệm vụ của cộng đồng quốc tế là "đi tiếp và tiến xa hơn" trong chặng đường hướng tới để phụ nữ và trẻ em gái được bảo vệ tốt hơn, toàn diện hơn trước các thách thức, bất ổn và mối đe dọa về an ninh, để phụ nữ hiện diện và đóng vai trò quan trọng hơn trong mọi giai đoạn của tiến trình hòa bình. 

Để đạt được những mục tiêu này, cần có sự quan tâm phù hợp đến các cơ chế và công cụ triển khai Chương trình nghị sự về Phụ nữ, hòa bình và an ninh, trong đó có các Chương trình hành động quốc gia.

Để tiếp tục phát huy vai trò và sự đóng góp của phụ nữ trong hòa bình, an ninh, bà Nguyễn Thị Hoài Linh, Ủy viên Đoàn Chủ tịch, Trưởng Ban Quốc tế Trung ương Hội LHPN Việt Nam đã đưa ra một số đề xuất như: Phát huy vai trò của phụ nữ trong giáo dục, kiến tạo văn hóa hòa bình; Tuyên truyền nâng cao nhận thức về vấn đề phụ nữ, hòa bình và an ninh theo nghĩa rộng, không chỉ ở khía cạnh an ninh truyền thống mà cả ở khía cạnh phi truyền thống như COVID-19, an ninh, an toàn trên không gian mạng để huy động sự chung tay trong các nỗ lực ứng phó...

Thúc đẩy thực hiện Chương trình nghị sự về phụ nữ, hòa bình và an ninh - Ảnh 3.

Bà Nguyễn Thị Hoài Linh, Ủy viên Đoàn Chủ tịch, Trưởng Ban Quốc tế, Hội LHPN Việt Nam đã đưa ra một số đề xuất nhằm phát huy vai trò và sự đóng góp của phụ nữ trong hòa bình, an ninh

Bà Nguyễn Thị Hoài Linh cũng đề xuất, cần tăng cường ghi nhận và nâng cao hiệu quả sự đóng góp của phụ nữ đối với hòa bình, an ninh ở các cấp độ quốc gia, khu vực và quốc tế. Tiếp tục thúc đẩy vấn đề phụ nữ trong các chương trình nghị sự khu vực và quốc tế. Tăng cường huy động nguồn lực và ứng dụng CNTT cho các sáng kiến về phụ nữ, hòa bình và an ninh; Tăng cường chia sẻ kinh nghiệm, sáng kiến quốc tế về thực hiện các Mục tiêu phát triển bền vững, trong đó có các vấn đề về phụ nữ, hòa bình, an ninh...

Tại hội thảo, bà Rana Flowers, Quyền Đại diện thường trú LHQ tại Việt Nam, đánh giá cao vai trò của Việt Nam trong Chương trình nghị sự này theo hướng đẩy mạnh hơn nữa sự tham gia của phụ nữ với tư duy mới và cách tiếp cận nhân văn để bảo vệ phụ nữ và trẻ em gái trong các cuộc xung đột.

Thúc đẩy thực hiện Chương trình nghị sự về phụ nữ, hòa bình và an ninh - Ảnh 2.

Hội thảo được tổ chức theo hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến với sự tham dự của hơn 100 đại biểu

Bà Rana Flowers cho rằng, các quốc gia cần có góc nhìn về giới trong quá trình hoạch định chiến lược, từ đó nâng cao năng lực cũng như tiếng nói của phụ nữ, đảm bảo một thế giới công bằng hơn.

Tháng 12/2020, Hội nghị quốc tế về Tăng cường vai trò của phụ nữ trong xây dựng và củng cố hòa bình do Việt Nam và Liên hợp quốc phối hợp tổ chức nhân dịp 20 năm thông qua Nghị quyết 1325 (năm 2000) của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, khởi nguồn cho Chương trình nghị sự về phụ nữ, hòa bình và an ninh.

Nghị quyết 1325 đã mở đường cho 9 Nghị quyết tiếp theo về vấn đề này cũng như việc lồng ghép khía cạnh giới trên hầu hết các văn kiện của Hội đồng Bảo an. Từ các châu lục, vấn đề phụ nữ, hòa bình và an ninh đã được ghi nhận tại nhiều văn bản quan trọng ở cấp khu vực/tiểu khu vực như Tuyên bố Dakar (năm 2010) của Cộng đồng Kinh tế các nước Tây Phi (ECOWAS) về triển khai Nghị quyết 1325 của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, Tuyên bố chung của Lãnh đạo ASEAN về phụ nữ, hòa bình và an ninh (năm 2017), Tuyên bố của Lãnh đạo cấp cao Đông Á về phụ nữ, hòa bình và an ninh (năm 2020) hay các Chương trình hành động khu vực về phụ nữ, hòa bình và an ninh của Liên minh Châu Phi, Liên minh Châu Âu (EU), Liên đoàn A-rập (LAS), Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO)…


Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm