Thực hiện giấc mơ dang dở của người bác liệt sĩ và mong giúp người già hạnh phúc

An Khê
20/11/2021 - 16:00
Thực hiện giấc mơ dang dở của người bác liệt sĩ và mong giúp người già hạnh phúc

Ảnh minh họa

Đó là chia sẻ của bác sĩ Nguyễn Thị Việt Hà, Trưởng khoa Lão khoa (Bệnh viện Phục hồi chức năng Hà Nội), người đã gắn bó với nghề Y 17 năm.

Duyên nghề

Trải lòng về cái duyên với nghề, bác sĩ Việt Hà cho biết, gia đình chị có truyền thống ngành y. Mẹ chị làm ở khoa sản, công việc khá áp lực và căng thẳng. Trong khi đó bố chị là bộ đội xa nhà, mọi vất vả đều đổ dồn vào mình mẹ. Tuổi thơ sống ở tập thể bệnh viện, chứng kiến những vất vả của mẹ và đồng nghiệp của bà nên chị Việt Hà khao khát một nghề đỡ vất vả hơn.

Hạnh phúc lớn nhất của tôi là được thấy nụ cười của người bệnh - Ảnh 1.

Bác sĩ Nguyễn Thị Việt Hà đang thăm khám cho bệnh nhân cao tuổi

"Vậy mà chỉ một lần bố kể: Anh trai bố là bộ đội quân y, đã hy sinh khi đang trực tiếp tham gia cấp cứu thương binh trong một trận đánh ở thôn Mỹ Cảnh, Tây Hòa, Phú Yên năm 1966. Bác ấy từng ước mơ trở thành bác sĩ khi hết chiến tranh nhưng ước mơ ấy đã mãi mãi dừng lại ở tuổi 22. Cho đến tận hôm nay, sau nhiều lần tìm kiếm bố vẫn chưa tìm được hài cốt để đưa bác trở về với gia đình, quê hương. Điều đó thôi thúc khiến tôi muốn thực hiện những ước mơ còn dang dở của người bác liệt sĩ và vì nghề y cũng là nghề truyền thống gia đình", chị Việt Hà tâm sự.

Chị đến với ngành phục hồi chức năng khi ngành này còn khá mới, không phải là lựa chọn của các bác sĩ đa khoa như chị. Lúc đó, khái niệm phục hồi chức năng còn khá mơ hồ, chưa được quan tâm như hiện nay. Thời điểm ấy, nhiều bệnh nhân và ngay cả cán bộ y tế cũng chỉ chú trọng giai đoạn cấp cứu, điều trị ổn định rồi ra viện trở về nhà. Việc bỏ qua giai đoạn giúp người bệnh phục hồi các chức năng bị tổn thương đã dẫn đến nhiều đáng tiếc đối với sức khỏe của người bệnh khi trở về gia đình và cộng đồng.

17 năm làm nghề đã cho chị Việt Hà nhiều kỷ niệm. Chị Việt Hà chia sẻ, hạnh phúc lớn nhất của nghề phục hồi chức năng là được nhìn thấy nụ cười, những bước đi vững chắc của người bệnh khi trở về hòa nhập với cuộc sống. Có một ca bệnh mà chị rất ấn tượng đó một bệnh nhân chuyển từ bệnh viện Bạch Mai về trong tình trạng lơ mơ sau đột quỵ não nặng và có tiên lượng xấu. Trên người bệnh nhân gắn nhiều loại thiết bị hỗ trợ: Canuyn khí quản, sonde dạ dày, sonde tiểu, bệnh nhân liệt vận động hoàn toàn, cơ lực tay chân bậc 0. Đánh giá tình trạng bệnh nhân tuổi cao, tổn thương não diện rộng, di chứng nặng, bác sĩ Việt Hà đã cùng êkip điều trị mời hội chẩn và sau đó đưa ra phác đồ điều trị theo từng giai đoạn của bệnh nhân. Sau những ngày đầu vừa tập, vừa quan sát đánh giá sự cải thiện của bệnh nhân, cùng với đó là các bài tập về vận động, cải thiện cơ lực cho bệnh nhân, sau khoảng 6 tuần điều trị liên tục, bệnh nhân đã ngồi dậy, tập đi lại có trợ giúp. Đặc biệt, bệnh nhân tự ăn uống, các thiết bị gắn trên người đã dần được tháo bỏ. Sau gần 3 tháng kiên trì tập luyện, với sự khích lệ của thầy thuốc và gia đình, bệnh nhân hoàn toàn tự đi lại mà không cần bất kỳ sự trợ giúp nào.

Hạnh phúc lớn nhất của tôi là được thấy nụ cười của người bệnh - Ảnh 2.

Ảnh minh họa

"Nghề y vốn là nghề đòi hỏi kiến thức chuyên môn vững vàng, khả năng phán đoán chính xác, khẩn trương, logic, kỹ năng giao tiếp tốt. Riêng với bác sĩ phục hồi chức năng còn đòi hỏi cao sự kiên trì, thấu hiểu tâm lý người bệnh để nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của người bệnh. Để có thể điều trị phục hồi cho người bệnh hiệu quả, người bác sĩ còn phải là một nhà tâm lý" bác sĩ Việt Hà chia sẻ.

Ước mơ người già hạnh phúc

Gần 20 năm gắn bó với chuyên ngành phục hồi chức năng, chăm sóc và điều trị không biết bao nhiêu bệnh nhân cao tuổi, bác sĩ Việt Hà suy ngẫm và trăn trở rất nhiều điều. Hiện nay, đã có nhiều cơ chế chính sách an sinh xã hội, bảo hiểm y tế, trợ cấp và ưu đãi cho người già. Trong lĩnh vực y tế, hầu hết các bệnh viện đều có khoa Lão khoa chuyên biệt về chăm sóc điều trị người cao tuổi nhưng chưa thực sự đồng bộ. Đặc biệt, hệ thống y tế ở tuyến dưới chưa đáp ứng được nhu cầu người bệnh dẫn đến tình trạng vượt tuyến làm quá tải các bệnh viện tuyến trên.

Một điều nữa khiến bác sĩ Việt Hà rất trăn trở ấy là nhiều người còn có tư tưởng coi người già là gánh nặng nên ít đầu tư và quan tâm như người trẻ. Theo chị, đó là quan điểm lệch lạc cần được điều chỉnh từ cộng đồng, xã hội cho đến gia đình.

"Ai trong chúng ta rồi cũng sẽ già, cũng cần được hưởng những điều tốt đẹp nhất vì đã có cả cuộc đời lao động miệt mài cống hiến. Người già cần được tạo thuận lợi trong tất cả các lĩnh vực về chăm sóc y tế để thể hiện giá trị của họ. Chúng ta rất cần những mô hình vừa đáp ứng điều trị y tế, đồng thời chăm sóc sức khỏe thể chất, tinh thần toàn diện cho người già như nhiều nước phát triển trên thế giới và khu vực đã và đang làm", bác sĩ Nguyễn Thị Việt Hà tâm tư. Chính từ những trăn trở, niềm trắc ẩn ấy mà chị luôn đam mê, gắn bó với nghề, khát khao làm được điều gì đó có nghĩa để góp phần giúp người cao tuổi sống vui, khỏe, hạnh phúc.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm