Thực hiện tốt bình đẳng giới giúp doanh nghiệp phát triển nguồn nhân lực tốt hơn

PV
22/11/2019 - 21:53
Thực hiện tốt bình đẳng giới giúp doanh nghiệp phát triển nguồn nhân lực tốt hơn
Ngày 22/11/2019 tại Trung tâm Phụ nữ và Phát triển 20 Thụy Khuê, Hà Nội, đã diễn ra sự kiện Bữa sáng Ruy băng trắng lấn thứ 5 với chủ đề Tọa đàm với nam giới – Vai trò của doanh nghiệp trong bình đẳng giới và an toàn cho phụ nữ.

Sự kiện được thực hiện bởi sự phối hợp giữa Trung tâm Phụ nữ và Phát triển (Trung ương Hội LHPN VN), Chính phủ Úc thông qua chương trình Úc cùng Việt Nam Phát triển Nguồn nhân lực (Aus4Skills), Trường Đại học Flinders, Cơ quan Liên hợp quốc về Bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ UN Women.

Phó Chủ tịch Hội LHPN VN Bùi Thị Hòa, Trưởng Văn phòng UN Women tại Việt Nam Elisa Fernandez (thứ 2 và thứ 4 từ trái sang) tại Tọa đàm 

 

Phát biểu khai mạc tọa đàm, Phó Chủ tịch Hội LHPN Bùi Thị Hòa khẳng định: Bạo lực trên cơ sở giới đối với phụ nữ và trẻ em không phải là vấn đề của riêng quốc gia nào mà là vấn đề của tất cả mọi quốc gia trên thế giới, kể cả các nước phát triển. Tại Việt Nam, theo Báo cáo quốc gia về tình trạng BLGĐ của Tổng Cục Thống kê phối hợp với UNFPA năm 2010, có 58% phụ nữ đã từng kết hôn từng bị ít nhất một trong ba loại bạo lực trong đời và 87% nạn nhân đã không tìm đến sự giúp đỡ của các cơ quan liên quan; Trung bình cứ 6 giờ thì có một trẻ em bị xâm hại tình dục (theo báo cáo của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội – 2015); 78,2% nạn nhân bị quấy rối tình dục nơi làm việc là nữ giới trong độ tuổi từ 18 đến 30… Bạo lực gia đình là gánh nặng lớn cho nền kinh tế vì hàng năm Việt Nam chi phí cho vấn đề này là 3,19% GDP (Báo cáo ước tính thiệt hại do BLGĐ của UN Women – 2012).

Hoạt động Forum Theater do ông Alirio Zavarce và các đại biểu tại tọa đàm thực hiện

Phó Chủ tịch bày tỏ hy vọng tại sự kiện Ruy băng trắng với chủ đề “Vai trò của doanh nghiệp trong thúc đẩy bình đẳng giới và an toàn cho phụ nữ” sẽ thu hút sự tham gia tích cực của các chủ doanh nghiệp với vấn đề này, từ đó góp phần xây dựng thái độ, hành vi tích cực tại nơi làm việc, thúc đẩy bình đẳng giới và an toàn cho phụ nữ.

Phó chủ tịch cũng tin tưởng thực hiện tốt bình đẳng giới sẽ giúp doanh nghiệp, tổ chức có cơ hội phát triển nguồn nhân lực tốt hơn, xây dựng uy tín và hình ảnh của tổ chức, góp phần tăng trưởng kinh tế.

Tại tọa đàm, bà Mia Urbano, cố vấn cao cấp về bình đẳng giới và phát triển xã hội Việt Nam và Myanmar (Bộ Ngoại giao và Thương mại Úc) và ông Gleen Davis (chuyên gia Úc) đã chia sẻ những kinh nghiệm và nỗ lực của Chính phủ Úc trong phòng chống bạo lực đối với phụ nữ cũng như giảm thiểu thành kiến vô thức cùng các chính sách khuyến khích nhà tuyển dụng đảm bảo môi trường đa dạng và hòa nhập.

Các đại biểu chụp ảnh sau Tọa đàm 

 

Điểm nhấn của tọa đàm là hoạt động Forum Theater, một hình thức kịch nghệ thuật, đóng vai mang tính giải trí vừa mang tính giáo dục tạo ra cuộc đối thoại trong đó nhiều người tham gia có cơ hội lắng nghe học hỏi lẫn nhau, chia sẻ hiểu biết kinh nghiệm cá nhân...

Forum Theater được thực hiện bởi ông Alirio Zavarce, giảng viên nghệ thuật Đại học Flinders, Nam Úc và Đại học Texas. 

Biểu tượng của hoạt động xóa bỏ bạo lực với phụ nữ và trẻ em gái

 

Bà Elisa Fernandez, Trưởng Văn phòng Cơ quan Liên hợp quốc về Bình đẳng giới và Trao quyền cho phụ nữ (UN Women) tại Việt Nam khẳng định một trong những hoạt động quan trọng thúc đẩy bình đẳng giới nơi làm việc là phong trào ký cam kết Tuyên bố Ủng hộ Nguyên tắc Trao quyền cho phụ nữ, qua đó chứng minh cam kết của lãnh đạo cấp cao của doanh nghiệp đối với thúc đẩy bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ. Bên cạnh đó cần xây dựng kế hoạch chiến lược tại nơi làm việc để  ngăn chặn bạo lực và quấy rối trong đó tập trung vào các hành vi bạo lực và quấy rối dựa trên giới tính. Cùng với đó cần xây dựng các quy trình khiếu nại hiệu quả, minh bạch dễ tiếp cận với mọi người lao động.

Mục tiêu của những nguyên tắc thực hiện dành cho doanh nghiệp nhằm tăng cường bình đẳng giới và trao quyền để phụ nữ có thể tham gia trọn vẹn mọi hoạt động kinh tế tại nơi làm việc và cộng đồng, góp phần xây dựng một nền kinh tế mạnh hơn, nâng cao chất lượng cuộc sống cho phụ nữ, gia đình và xã hội.

Nguyên tắc này được Tổ chức Phụ nữ Liên hợp quốc phối hợp cùng Liên hợp quốc Toàn cầu đề ra từ năm 2010.

Hiện có 2.702 công ty từ khắp nơi trên thế giới đã ký cam kết thực hiện các WEP. Tại Việt Nam, 46 doanh nghiệp đã ký cam kết thực hiện các nguyên tắc này.

 Nghệ sĩ Ưu tú Xuân Bắc chia sẻ về bình đẳng giới, xóa bỏ bạo lực với phụ nữ tại tọa đàm:

 

7 nguyên tắc Trao quyền cho Phụ nữ (WEP) theo UN Women: Lãnh đạo thúc đẩy bình đẳng giới; Bình đẳng cơ hội, đảm bảo sự tham gia và không phân biệt, đối xử; Sức khỏe, an toàn và không bạo lực; Giáo dục và đào tạo; Các hoạt động phát triển doanh nghiệp, chuối cung ứng và Marketing; Sự tham gia và lãnh đạo của cộng đồng; Minh bạch, đánh giá và báo cáo.

 

Chiến dịch Ruy băng trắng là phong trào của nam giới và trẻ em trai nhằm ngăn chặn bạo lực với phụ nữ và trẻ em gái. Lá cờ trắng tượng trưng cho sự đầu hàng, được gấp lại thành nơ với ý nghĩa nam giới từ bỏ bạo lực với phụ nữ. Nam giới được khuyến khích đeo ruy băng trắng để thể hiện việc lên tiếng chống lại bạo lực với phụ nữ.

Chiến dịch Ruy băng trắng hợp tác với nhiều tổ chức nhằm thúc đẩy vai trò tích cực của nam giới và cộng đồng nhằm chấm dứt hành vi bạo lực của nam giới với phụ nữ thông qua các chương trình giáo dục phòng ngừa ban đầu, tập trung giải quyết các nguyên nhân gốc rễ dẫn đến bạo lực ở các trường học, khuyến khích các tổ chức tham gia các chứng chỉ Ruy băng trắng nơi làm việc, tổ chức các chương trình tập huấn huy động nam giới tham gia tích cực, chiến dịch nâng cao nhận thức và vận động chính trị nhằm xóa bỏ bạo lực với phụ nữ.

Chiến dịch Ruy băng trắng thường tập trung các hoạt động vào 16 ngày hành động xóa bỏ bạo lực với phụ nữ bắt đầu từ ngày 25/11 và kết thúc vào ngày Nhân quyền 10/12.  

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm