Thương mại điện tử là kênh tiêu thụ chính của hàng giả, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ

Anh Quân
30/06/2023 - 15:08
Thương mại điện tử là kênh tiêu thụ chính của hàng giả, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ

Ông Trần Hữu Linh, Tổng cục trưởng Tổng cục Quản lý thị trường (Bộ Công thương) chia vẻ về vấn nạn hàng giả, hàng nhái xâm phạm quyền trí tuệ

Ông Trần Hữu Linh, Tổng cục trưởng Tổng cục Quản lý thị trường (Bộ Công thương) chia sẻ tại Tọa đàm “Bảo vệ thương hiệu trước vấn nạn hàng giả, hàng nhái, hàng vi phạm sở hữu trí tuệ”, được tổ chức trực tuyến ngày 30/6/2023.

Theo thông tin từ Tổng cục Quản lý thị trường (Bộ Công thương), thời gian qua, lực lượng chức năng đã phát hiện, xử lý nhiều vụ việc làm hàng giả, hàng nhái, hàng vi phạm sở hữu trí tuệ của các nhãn hiệu nổi tiếng. Tuy nhiên, tình trạng vi phạm này vẫn diễn ra với hình thức ngày càng tinh vi  hơn.

Cụ thể, đã có 4.712 hành vi vi phạm liên quan đến hàng giả, hàng vi phạm về sở hữu trí tuệ và hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ. Lực lượng chức năng xử phạt vi phạm hành chính trên 43,3 tỷ đồng, trị giá hàng hóa vi phạm trên 45,5 tỷ đồng. Đây là những con số liên quan tới hành vi làm hàng giả, hàng nhái và vi phạm sở hữu trí tuệ trong 4 tháng đầu năm 2023 và là minh chứng cho trình trạng hàng giả, hàng xâm phạm sở hữu trí tuệ, gian lận thương mại đang ngày càng gia tăng và diễn biến phức tạp.

Hàng giả, hàng nhái, hàng vi phạm sở hữu trí tuệ ngày càng tinh vi và phức tạp

Ông Trần Hữu Linh, Tổng cục trưởng Tổng cục Quản lý thị trường thông tin: Trong vòng một năm trở lại đây, cụ thể từ giữa năm 2022, khi dịch Covid-19 có dấu hiệu dừng hẳn thì vấn đề liên quan đến hàng giả, hàng nhái, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ bắt đầu sôi động trở lại. Sự nhức nhối của hàng giả, hàng nhái xâm phạm quyền trí tuệ đang ngày càng phức tạp và tinh vi. 

Vấn đề này được đánh giá ở ba khía cạnh: Thứ nhất đối với các vấn đề về thương hiệu và nhãn hiệu của sản phẩm. Thứ hai là chủng loại sản phẩm bị làm giả, làm nhái và xâm phạm quyền. Thứ ba là phương thức kinh doanh sản phẩm hàng giả, hàng nhái.

Thương mại điện tử là kênh tiêu thụ chính của hàng giả, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ  - Ảnh 1.

Ông Trần Hữu Linh, Tổng cục trưởng Tổng cục Quản lý thị trường (Bộ Công thương) chia vẻ về vấn nạn hàng giả, hàng nhái xâm phạm quyền trí tuệ

Đối với vấn đề liên quan đến thương hiệu và nhãn hiệu, không chỉ các thương hiệu quốc tế mà cả các sản phẩm của Việt Nam đều bị làm giả, làm nhái. "Những mặt hàng của Việt Nam, thậm chí là những mặt hàng liên quan đến đồ ăn, thức uống đều được sản xuất, làm giả, làm nhái ở trong thị trường nội địa. Qua đấy chúng ta thấy rằng thương hiệu, nhãn hiệu bây giờ được làm giả ngày càng tinh vi hơn", ông Trần Hữu Linh nhấn mạnh.

Ở góc độ thứ hai, liên quan đến sản phẩm bị làm giả cũng đủ mọi chủng loại. Tổng cục trưởng Tổng cục Quản lý thị trường so sánh: Ngày xưa chúng ta hay thấy hàng giả xảy ra nhiều ở những đồ quần áo, mỹ phẩm, giày dép, nhưng bây giờ cả những mặt hàng rất tinh vi, ví dụ như thực phẩm chức năng.

"Vấn đề thứ ba liên quan đến phương thức. Chúng ta đều biết rằng hàng giả vẫn từ hai nguồn, thứ nhất từ nguồn nhập lậu, thẩm lậu từ các nước có đường biên giới với Việt Nam vào trong thị trường nội địa và thứ hai là hàng giả được sản xuất ở ngay trong nước. Đặc biệt sau dịch Covid-19, tốc độ phát triển của thương mại điện tử càng ngày càng tăng lên.

Thương mại điện tử trên các nền tảng mạng xã hội và các sàn giao dịch thương mại điện tử bây giờ là kênh để tiêu thụ chính hàng giả, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ. Chỉ trong 6 tháng đầu năm 2023, chúng tôi đã kiểm tra gần 3.000 vụ liên quan đến hàng giả và xử phạt gần 30 tỉ đồng. Tuy nhiên, những vụ việc đó chúng tôi đánh giá rằng vẫn chưa đủ minh họa hết được vấn nạn hàng giả, hàng nhái hiện nay", ông Trần Hữu Linh cho biết.

Cùng với sự phát triển của công nghệ, các vụ việc vi phạm còn xuất hiện và phổ biến  trên các kênh thương mại điện tử với tốc độ và quy mô ngày càng lớn khiến cho lực lượng chức năng rất khó khăn trong công tác phát hiện và xử lý.

Bảo vệ người tiêu dùng trước vấn nạn hàng giả

Hàng giả, hàng xâm phạm quyền thì thiệt hại đầu tiên chính là người tiêu dùng. Còn đối với doanh nghiệp, thương hiệu bị làm giả, làm nhái đã làm xói mòn sức sản xuất của doanh nghiệp khi phải cạnh tranh với hàng nhái, hàng giả vừa rẻ, người dân thì vẫn thỏa hiệp trong việc mua hàng giả. Do vậy thương hiệu sản phẩm của doanh nghiệp đang bị chịu nhiều thiệt thòi đối với vấn nạn hàng giả hiện nay.

Thương mại điện tử là kênh tiêu thụ chính của hàng giả, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ  - Ảnh 2.

Các khách mời tham gia Tọa đàm "Bảo vệ thương hiệu trước vấn nạn hàng giả, hàng nhái, hàng vi phạm sở hữu trí tuệ", do Tạp chí Công thương tổ chức ngày 30/6/2023

Tại Tọa đàm "Bảo vệ thương hiệu trước vấn nạn hàng giả, hàng nhái, hàng vi phạm sở hữu trí tuệ", ông Trần Hữu Linh, Tổng cục trưởng Tổng cục Quản lý thị trường (Bộ Công thương) và các vị khách mời là: Luật sư Nguyễn Tiến Lập, Trọng tài viên Trung tâm trọng tài quốc tế Việt Nam và bà Bùi Thị Thu Hiền, Đại diện Bộ phận Pháp lý, Công ty TNHH URC Việt Nam đã cùng chia sẻ các thông tin để bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng và những giải pháp của các cấp ngành và doanh nghiệp để bảo vệ thương hiệu trước tình trạng hàng giả, hàng nhái ngày càng phức tạp và tinh vi trong bối cảnh hiện nay.


Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm