Tiêm vaccine ngừa Covid-19 có đảm bảo an toàn?

Linh Trần
25/02/2021 - 07:18
Tiêm vaccine ngừa Covid-19 có đảm bảo an toàn?

Lô vaccine ngừa Covid-19 chuẩn bị được Việt Nam tiêm cho nhân viên y tế tuyến đầu. Ảnh: BYT

Sau tiêm vaccine ngừa Covid-19 AstraZeneca các phản ứng thường gặp với tỉ lệ >10% như đau đầu, buồn nôn, đau cơ, đau khớp, đau tại chỗ tiêm, mệt mỏi, khó chịu, sốt trên 38 độ C.

Việt Nam vừa tiến hành nhập khẩu lô vaccine AstraZeneca ngừa Covid-19 đầu tiên vào sáng ngày 24/2. Theo kế hoạch, trong vài ngày tới, vaccine sẽ được tiêm cho các đối tượng ưu tiên là các nhân viên y tế ở tuyến đầu. Từ các lô sau, vaccine nhập về sẽ được tiêm cho các đối tượng theo thứ tự ưu tiên đã được phê duyệt.

Vaccine Covid-19 đã về Việt Nam nên nhiều người háo hức chờ được tiêm để phòng bệnh, nhưng cũng có trường hợp đặt câu hỏi về sự an toàn của loại vaccine này. Theo PGS.TS Dương Thị Hồng, Phó Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ TƯ, Trưởng Văn phòng Tiêm chủng mở rộng Quốc gia, vaccine cũng như thuốc, khi sử dụng cũng sẽ có phản ứng không mong muốn bao gồm: Phản ứng thông thường như các phản ứng tại chỗ đau, sưng/hoặc đỏ tại chỗ tiêm; phản ứng toàn thân bao gồm sốt và các triệu chứng khác (khó chịu, mệt mỏi, chán ăn) và có thể có những trường hợp tai biến nặng sau tiêm chủng như phản ứng dị ứng, sốc phản vệ hay tử vong. Thực tế, thời gian qua đã có một số trường hợp bị tai biến sau tiêm vaccine (cả tiêm dịch vụ và tiêm trong chương trình tiêm chủng mở rộng).  

Đối với vaccine AstraZeneca, theo thông tin của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cập nhật ngày 23/2/2021, sau tiêm ngừa vaccine AstraZeneca các phản ứng thường gặp với tỉ lệ >10% như đau đầu, buồn nôn, đau cơ, đau khớp, đau tại chỗ tiêm, mệt mỏi, khó chịu, sốt trên 38 độ C- PGS. Dương Thị Hồng cho biết.

Tại Việt Nam, để đảm bảo triển khai tiêm vaccine ngừa Covid 19 an toàn, trước khi tiêm chủng, cán bộ y tế sẽ được tập huấn về việc sử dụng vaccine và theo dõi, xử lý sự cố bất lợi sau tiêm chủng... Trang thiết bị phòng, chống sốc và xử trí cấp cứu với các trường hợp tai biến sau tiêm chủng (nếu có) cũng được trang bị đầy đủ tại các điểm tiêm chủng. Việc triển khai tiêm vaccine sẽ theo tiến độ cung ứng vaccine và sẽ được theo dõi, giám sát chặt chẽ, giảm thiểu nguy cơ xảy ra tai biến.

Cũng theo PGS. Dương Thị Hồng, hiện nay hệ thống dây chuyền lạnh để bảo quản vaccine (gồm Tiêm chủng mở rộng và tiêm dịch vụ) có khả năng đáp ứng đủ dung tích bảo quản vaccine để triển khai chiến dịch tiêm chủng Covid-19 trên diện rộng. Trong năm 2014, Dự án Tiêm chủng mở rộng từng tiếp nhận và bảo quản trên 25 triệu liều vaccine sởi-rubella an toàn để tổ chức tiêm chiến dịch cho 20 triệu đối tượng. Trong thời gian gần đây, Dự án Tiêm chủng mở rộng đã được trang bị thêm tủ lạnh thế hệ tiên tiến nhất đảm bảo dung tích bảo quản cho các tuyến y tế cơ sở. Tới đây, với sự hỗ trợ của các tổ chức quốc tế hệ thống dây chuyền lạnh sẽ tiếp tục được trang bị bổ sung.

Tiêm vaccine là phương pháp phòng bệnh chủ động và hiệu quả phòng Covid-19. Để đảm bảo được miễn dịch cộng đồng thì cần tiêm chủng tối thiểu cho khoảng 70% dân số trong cộng đồng. Trong giai đoạn hiện nay, khi chưa có đủ vaccine bao phủ trong cộng đồng, chúng ta cần tuân thủ thực hiện các hướng dẫn phòng, chống dịch của Bộ Y tế, PGS. Dương Thị Hồng nói.  

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm