pnvnonline@phunuvietnam.vn
Tiêm vaccine phế cầu có tránh được Covid-19 không?
Tại Phòng tiêm của Trung tâm tư vấn và dịch vụ vaccine (Viện Kiểm định Quốc gia Vaccine và sinh phẩm y tế, Hà Nội), sáng ngày 26/3 có khá nhiều người lớn đến tiêm chủng. Hầu hết khách hàng đều tiêm vaccine cúm và vaccine phế cầu. Trong đó, những người tiêm vaccine phế cầu chiếm đa số.
Chị Lê Thị Lệ (Khu đô thị Tây Nam Linh Đàm, Q.Hoàng Mai, Hà Nội) cho biết, qua tham khảo thông tin, chị đã quyết định đi tiêm vaccine phế cầu. Sau khi khám, chị nộp tiền mua vaccine rồi vào tiêm ngay. Theo chị Lệ, vaccine phế cầu có thể dự phòng được nhiều bệnh, trong đó có viêm phổi do vi khuẩn sinh mủ mắc phải. "Tôi đi tiêm chủng cho an tâm. Nếu phòng được bệnh do COVID-19 thì tốt. Nếu không thì cũng phòng được một số bệnh do vi khuẩn phế cầu gây ra".
Tương tự, chị Lê Thị Hoa (Q.Thanh Xuân, Hà Nội) cũng đang chờ đến lượt tiêm. Theo chị Hoa, việc tiêm chủng là rất tốt. Bản thân chị cũng đã tiêm một số loại vacccine như cúm, vaccine HPV, vaccine Sởi-Rubela… Hiện tại đang có dịch COVID-19, chị đi tiêm luôn vaccine phế cầu vì nghĩ rằng có thể phòng được COVID-19. "COVID-19 cũng có biểu hiện viêm phổi. Vaccine này cũng phòng bệnh liên quan đến viêm phổi do phế cầu. Tôi cho rằng cũng có liên quan đến tiêm để phòng bệnh", chị Hoa nói.
Theo tìm hiểu của PNVN, hiện nay vaccine phế cầu thường được các cơ sở tiêm chủng sử dụng là PREVENA 13 (của Anh) và Synflorix (của Bỉ). Giá bán vaccine phế cầu của các cơ sở y tế tương đương nhau. Ví như, tại Trung tâm tư vấn và dịch vụ vaccine, loại vaccine PREVENA 13 là 1.290.000 đồng/mũi. Còn tại hệ thống Tiêm chủng VNVC, vaccine Synflorix của Bỉ là 1.045.000 đồng/mũi (tiêm ngay) và 1.254.000 (giữ chỗ); Vaccine PREVENA 13 tại VNVC có giá 1.290.000 đồng/mũi (tiêm ngay), trường hợp giữ chỗ thì có giá 1.548.000 đồng/mũi. Trong khi đó, tại Viện Pasteur TP.HCM, vaccine PREVENA 13 có giá 1.230.000 đồng.
Có nên tiêm vaccine phế cầu thời điểm này?
Về vấn đề này, PGS.TS Trần Đắc Phu, nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, khẳng định, vaccine phế cầu không phòng được COVID-19. Hiện tại, một số quốc gia cũng đang tiến hành các bước lâm sàng để thử nghiệm vaccine phòng COVID-19. Tuy nhiên, đến nay chưa có vaccine phòng được căn bệnh này.
Theo PGS.TS Trần Đắc Phu, hàng năm trên thế giới ghi nhận khoảng 600.000 người lớn tử vong vì những bệnh có thể phòng ngừa được bằng vaccine. Với tình hình bệnh dịch diễn biến phức tạp như hiện nay, tiêm vaccine là biện pháp đơn giản giúp bảo vệ bản thân và những người xung quanh. Khi mỗi cá nhân được chích ngừa sẽ tạo ra một cộng đồng miễn dịch, khi đó điều kiện để bùng phát các bệnh dịch sẽ giảm đi.
Về lợi ích khi tiêm vaccine phế cầu, PGS.Trần Đắc Phu cho rằng, khi tiêm vaccine phế cầu mà mắc COVID-19 thì sẽ giúp bác sĩ dễ dàng xác định bệnh hơn. Bởi bệnh liên quan đến phế cầu cũng có biểu hiện như COVID-19, như sốt cao, ho, điểm đau thành ngực, viêm phổi. Nếu đã tiêm vaccine phế cầu thì khi có biểu hiện bệnh, các bệnh liên quan đến phế cầu sẽ được loại trừ. Khi đó, bác sĩ sẽ tập trung xác định và điều trị COVID-19.
Trước thông tin ngành y tế khuyến cáo người dân không nên đến nơi đông người bởi có nguy cơ mắc COVID-19, nếu khách hàng vẫn đi tiêm thời điểm này sẽ có nguy cơ lây nhiễm chéo, PGS. Trần Đắc Phu cho rằng, hiện nay các cơ sở tiêm chủng cũng làm rất nghiêm ngặt. Ví như, khi đến tiêm, người dân sẽ phải làm tờ khai y tế; đeo khẩu trang, sử dụng nước sát khuẩn, kiểm tra thân nhiệt. Trong lúc tiêm, cơ sở tiêm chủng cũng sẽ giãn cách thời gian giữa các lần tiêm. "Người dân tiêm vaccine ở thời điểm nào cũng tốt, bởi giúp cơ thể phòng tránh một số bệnh nguy hiểm. Nếu ai chưa tiêm thì có thể đi tiêm ngay để cơ thể có được miễn dịch tốt nhất. Khi đi tiêm, nhớ mang khẩu trang và thực hiện theo hướng dẫn của ngành y tế", PGS. Trần Đắc Phu khuyến cáo.