Phụ nữ dân tộc thiểu số chia sẻ thông tin để tiếp cận thị trường việc làm

Trường Sa
24/04/2025 - 14:41
Phụ nữ dân tộc thiểu số chia sẻ thông tin để tiếp cận thị trường việc làm

Hỗ trợ nhau chia sẻ thông tin việc làm là một hình thức giảm nghèo thông tin trực tiếp của chị em phụ nữ người vùng cao. Ảnh minh họa

Trong bối cảnh nhiều chị em phụ nữ người dân tộc thiểu số ở các tỉnh vùng Tây Bắc chọn rời quê xuống các tỉnh miền xuôi làm việc, họ thường giúp đỡ nhau chia sẻ thông tin để tìm được công việc thuận lợi, đảm bảo an toàn ở môi trường mới.

Chị Bàn Thị Xuân, người dân tộc Dao ở huyện Bảo Thắng, tỉnh Lào Cai, làm công nhân may ở khu công nghiệp thuộc huyện Văn Lâm, Hưng Yên, từ 3 năm nay. Để có được công việc ổn định này, là nhờ sự chia sẻ thông tin của những người bạn, người chị đi trước, nên chị đã chọn gắn bó với nơi làm việc này lâu dài.

Chị Xuân cho biết: “Khi mới rời quê đi làm xa, tôi làm công nhân ở xưởng gốm bên xã Bát Tràng (Gia Lâm, Hà Nội), tuy nhiên công việc làm gốm khá nặng nhọc, không phù hợp với điều kiện sức khỏe, tôi đã đăng tin lên nhóm chị em người Lào Cai đi làm công nhân, thì được các chị em chia sẻ thông tin tuyển dụng ở công ty này. Nên tôi đã liên hệ và nộp hồ sơ tuyển dụng, rất may là tôi đã được nhận vào. Sau một tuần đào tạo thì tôi được xếp vào dây chuyền may, từ đó công việc cũng ổn định, thu nhập cũng khá đều đặn, có thêm cả thời gian tăng ca, nên tôi rất hài lòng."

Từ năm 2024, khi công ty mở thêm dây chuyền sản xuất, chị Xuân cũng chia sẻ thông tin với các chị em ở quê nhà Lào Cai, từ đó cũng có thêm các chị em đi xuống làm công nhân và ở cùng phòng trọ với chị Xuân.

Chị Bàn Thị Kỳ, ở huyện Văn Bàn, Lào Cai, cho hay: “Nhờ có Xuân chia sẻ thông tin nên tôi và 2 bạn nữa mới biết và xuống nộp hồ sơ, khi được tuyển vào làm công nhân, chúng tôi cũng gặp nhiều thuận lợi vì có Xuân giúp đỡ rất nhiều. Giờ thì cả 4 chị em thuê trọ cùng nhau, hết giờ làm việc thì thay phiên nhau nấu nướng, dọn dẹp phòng trọ, nên cũng khá ổn định”.

Hiện nay, trên các nền tảng mạng xã hội, có khá nhiều các hội nhóm chia sẻ thông tin việc làm, từ đó họ có thể hỗ trợ nhau thông tin về việc làm, cũng như các vấn đề trong cuộc sống khi đi làm công nhân xa nhà. Từ việc nơi ăn trốn ở, đến cách ứng xử, xử lý các tình huống trong lao động sản xuất cũng như trong cuộc sống hàng ngày.

Tiếp cận thị trường việc làm: Phụ nữ người dân tộc thiểu số tích cực giúp nhau chia sẻ thông tin- Ảnh 1.

Các nữ công nhân trong một xưởng may ở huyện Văn Lâm, Hưng Yên

Bà Hoàng Thị Sao, chủ khu nhà trọ công nhân ở xã Lạc Hồng, huyện Văn Lâm, chia sẻ: “Những người dân tộc thiểu số ở vùng cao xuống dưới này làm công nhân, ban đầu họ cũng gặp khá nhiều vấn đề khó khăn trong cuộc sống, từ cách ăn ở, cách ứng xử trong môi trường làm việc đông đúc. Thế nhưng cùng cảnh ngộ ở miền núi đi làm xa, tôi thấy họ rất dễ thông cảm và chia sẻ giúp đỡ nhau rất tận tình, cứ người cũ thì giúp đỡ người mới, nên chỉ một thời gian sau là họ cũng thích nghi với môi trường sống và làm việc mới ở dưới này”.

Đối với những chị em ở các địa phương vùng sâu, vùng xa, thường bị hạn chế về thông tin, đặc biệt là thông tin việc làm, có khi họ nhận được thông tin tuyển dụng thì ở dưới này các đơn vị tuyển dụng đã lấp đầy công nhân, bởi thông tin họ nhận được sẽ không được nhanh như ở các địa phương gần hơn. Nên việc chia sẻ thông tin qua kênh trực tiếp giữa những người ở cùng địa phương với nhau sẽ nhanh hơn, thuận lợi hơn rất nhiều, đặc biệt là họ có niềm tin tưởng với nhau.

Chị Lò Thị Thùy, người dân tộc Thái đến từ huyện Sìn Hồ, Lai Châu, cho biết: “Mình là người ở Sìn Hồ, khi có thông tin về công việc, mình chia sẻ về quê cho mọi người biết, ai có nhu cầu thì có thể liên hệ để giới thiệu việc làm. Còn bây giờ ở trên mạng xã hội cũng có rất nhiều thông tin tuyển dụng việc làm, nhưng cũng có rất nhiều rủi ro, cạm bẫy. Do đó chúng tôi chỉ đặt niềm tin vào chính những người ở địa phương, người chung hoàn cảnh như chúng tôi thôi."

Còn ông Nguyễn Văn Hưng, người quản lý phân xưởng may Hưng Thành, ở xã Yên Phú (Yên Mỹ, Hưng Yên), cho hay: “Chúng tôi cũng khuyến khích chị em giới thiệu người thân, bạn bè đến làm việc khi có nhu cầu tuyển dụng thêm. Vì người mà họ giới thiệu sẽ yên tâm hơn, họ đoàn kết hơn, sẵn sàng hỗ trợ giúp đỡ nhau trong công việc, khiến cho mình cũng không phải lo lắng vì những vấn đề không mong muốn có thể xảy ra."

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm