pnvnonline@phunuvietnam.vn
Tiếp tục hun đúc tinh thần khởi nghiệp cho phụ nữ Quảng Nam
Gian hàng bột ngũ cốc của chị Thái Thị Nhị (Cẩm Hà, Hội An, Quảng Nam). Ảnh: NVCC
Tăng sự tự tin
Tranh thủ những lợi thế từ ngày hội lớn TechFest Quang Nam 2022 vào giữa tháng 6 vừa qua, Hội LHPN tỉnh Quảng Nam đã vận động nhiều chị em khởi nghiệp tham gia gian hàng; tổ chức chương trình phát động "Phụ nữ Quảng Nam khởi nghiệp năm 2022"; tuyên dương, khen thưởng các tập thể, cá nhân tiêu biểu trong phong trào phụ nữ khởi nghiệp, phong trào "Phụ nữ Việt tự tin làm kinh tế". Các hoạt động giúp chị em tìm kiếm cơ hội bán hàng, quảng bá, giới thiệu sản phẩm vừa góp phần tạo động lực, lan tỏa tinh thần khởi nghiệp trong cộng đồng và hội viên phụ nữ trong tỉnh.
Là một trong số các gương phụ nữ khởi nghiệp tiêu biểu tham gia gian hàng, chị Thái Thị Nhị (Cẩm Hà, Hội An, Quảng Nam), cho biết: Trước đây, chị làm quản lý cho một khách sạn và nghề bán ngũ cốc chỉ làm phụ. Vào thời điểm dịch bệnh, công việc ở khách sạn dừng lại. Chị bắt đầu dồn hết tâm huyết cho sản phẩm ngũ cốc. Từ đây, chị quyết tâm theo đuổi giấc mơ khởi nghiệp với bột ngũ cốc. Khi được Hội LHPN tỉnh Quảng Nam hướng dẫn tham gia TechFest Quang Nam 2022, chị cảm thấy rất bất ngờ với số lượng hàng bán ra và nhận lại được nhiều giá trị về mặt tinh thần. Chị càng hạnh phúc hơn khi chị là 1 trong số 6 cá nhân vinh dự được nhận Giấy chứng nhận, giải thưởng Chương trình "Phụ nữ Việt tự tin làm kinh tế" của TƯ Hội LHPN Việt Nam.
"Lúc đầu, tôi nghĩ là đi trưng bày với tinh thần giới thiệu sản phẩm là chính, học hỏi và giao lưu. Nhưng khi tham gia thì mọi người mua ủng hộ rất nhiều. Tôi còn gọi về nhà gửi hàng vào để bán thêm. Đặc biệt, tại lễ phát động chương trình "Phụ nữ Quảng Nam khởi nghiệp năm 2022" do Hội LHPN tỉnh Quảng Nam tổ chức, tôi cảm thấy rất ý nghĩa. Tôi gặp gỡ nhiều chị em rất giỏi. Họ đã thành lập công ty và có kênh phân phối ổn định. Các chị Hội LHPN đứng lên phát động phong trào và nêu lên những tấm gương tiêu biểu, điều này khiến tôi cảm thấy tin tưởng hơn vào con đường mình đang đi. Còn với những chị em đang nuôi ý tưởng khởi nghiệp, tôi chắc chắn khi họ tham gia họ sẽ có động lực và mạnh dạn khởi nghiệp ngay" chị Nhị bộc bạch.
"Hà hơi tiếp sức"
Ngoài việc "dẫn" chị em tham gia các gian hàng ở những hội chợ lớn, cọ xát với các sản phẩm đạt chuẩn OCOP của tỉnh. Tạo cơ hội lớn cho chị em phụ nữ khởi nghiệp kết nối đối tác trong và ngoài tỉnh để mở rộng thị trường. Đến việc phát động phong trào khởi nghiệp cho phụ nữ tỉnh Quảng Nam, thôi thúc chị em phụ nữ phải dám bước ra vùng an toàn của bản thân, vượt qua tư duy tìm một công việc ổn định, để mạnh mẽ bước ra khởi nghiệp với đam mê của mình.
Thời gian qua, Hội LHPN tỉnh Quảng Nam và các cấp Hội còn triển khai nhiều hoạt động thiết thực khác để "Hà hơi tiếp sức" cho chị em trên con đường khởi nghiệp. Từ đó, mang lại nhiều kết quả tích cực.
Cụ thể, giai đoạn I của Đề án 939, Hội LHPN các cấp từ tỉnh đến huyện đã tổ chức 82 hoạt động (tập huấn, hội thảo, diễn đàn, tọa đàm) cho trên 6.000 lượt hội viên phụ nữ; hỗ trợ 540 phụ nữ khởi sự kinh doanh và khởi nghiệp; hằng năm, phát động cuộc thi phụ nữ sáng tạo khởi nghiệp theo từng chủ đề, đến nay đã có 54 dự án, ý tưởng của phụ nữ được UBND tỉnh công nhận dự án, ý tưởng khởi nghiệp sáng tạo.
Quảng Nam cũng là địa phương tích cực hưởng ứng các cuộc thi do TƯ
Hội LHPN Việt Nam tổ chức. Năm 2021 dự án "Sản xuất và phân phối các sản phẩm gia dụng làm từ mo cau" của chị Phan Vũ Hoài Vui, HTX Nông nghiệp kỹ nghệ Quảng Nam (Tiên Phước) được trao giải "Chắp cánh tài nguyên bản địa" trị giá 100 triệu đồng; đầu năm 2022, có 6 dự án đạt giải cao tại chương trình "Phụ nữ Việt tự tin làm kinh tế".
Theo bà Đặng Thị Lệ Thủy, Chủ tịch Hội LHPN tỉnh Quảng Nam: Chương trình "Phụ nữ Quảng Nam khởi nghiệp năm 2022" định hướng chị em phát triển theo xu hướng chuyển đổi số để thích ứng với thời cuộc.
"Sau khi dịch bệnh Covid-19 được kiểm soát, tinh thần khởi nghiệp ở Quảng Nam hiện tại đang sôi động trở lại. Đổi mới công nghệ, ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất và đời sống đang được thúc đẩy mạnh mẽ. Vậy nên, các mô hình chuyển đổi số đang giúp cho các doanh nghiệp khởi nghiệp nói chung và phụ nữ khởi nghiệp nói riêng giành lợi thế trên các lĩnh vực công nghiệp truyền thống. Xu hướng chuyển đổi số mang tới chất lượng dịch vụ, sản phẩm tốt cho người dùng; thay đổi tư duy quản lý, văn hóa tổ chức, giúp tăng cường liên kết giữa các mô hình khởi nghiệp; cung cấp thông tin, dữ liệu nhanh chóng, hiệu quả; giảm chi phí vận hành; nâng cao trải nghiệm khách hàng; đồng thời tăng khả năng cạnh tranh cho doanh nghiệp.
Hội LHPN tỉnh đã triển khai các hoạt động hỗ trợ chuyển đổi số như: tăng cường sử dụng các nền tảng trực tuyến trong các hoạt động truyền thông; tập huấn kỹ năng ứng dụng công nghệ thông tin trong sản xuất kinh doanh; hỗ trợ kết nối phụ nữ với các sàn thương mại điện tử để tiêu thụ sản phẩm", bà Đặng Thị Lệ Thủy chia sẻ.