pnvnonline@phunuvietnam.vn
Tìm "lộc rừng" mùa dẻ chín, kiếm nửa triệu mỗi ngày
Người dân nhặt hạt dẻ khi ra đến bìa rừng sẽ có thương lái đợi sẵn để thu mua
Vất vả nhưng vẫn sướng hơn làm ruộng
Những ngày này, khu rừng dẻ ở xã Quảng Lưu (huyện Quảng Trạch, tỉnh Quảng Bình) luôn ồn ào, náo nhiệt bởi tiếng bước chân người giẫm lên từng cành cây, vạt lá khô lẫn trong tiếng nói cười, chào hỏi nhau của những người phụ nữ. Rừng dẻ chín được bao lâu cũng là chừng ấy thời gian những người phụ nữ nơi đây gắn bó với công việc nhặt hạt dẻ.
Có thâm niên gần 20 năm đi nhặt hạt dẻ, chị Trần Thị Lý (SN 1984, ở xã Quảng Lưu, huyện Quảng Trạch, tỉnh Quảng Bình), cho biết: "Để nhặt hạt dẻ, tôi phải di chuyển quãng đường dài vào sâu trong rừng vì vậy công việc này đòi hỏi người phải có sức khoẻ tốt. Công việc này mỏi mắt, mỏi cổ, mỏi chân nhưng vẫn sướng hơn làm ruộng. Nếu chịu khó có thể kiếm được nửa triệu đồng mỗi ngày".
Hạt dẻ như một sản vật mà thiên nhiên ban tặng cho người dân nơi đây. Khi chín, hạt dẻ rơi xuống đất có màu nâu đen, một số hạt còn nằm trong lớp vỏ đầy gai. Những người dân ở đây cho biết, vào ngày mưa to, gió lớn, hạt dẻ rụng càng nhiều.
Đi vào rừng săn hạt dẻ từ 7h sáng, chị Nguyễn Hoa (SN 1980, trú tại xã Quảng Lưu, huyện Quảng Trạch, tỉnh Quảng Bình) chuẩn bị trang phục kín đáo để tránh muỗi, kèm theo chút đồ ăn nhẹ. Hành trang đi cùng còn là chiếc bao được chế có dây đeo. Mỗi lần nhặt được lưng rổ hạt dẻ, chị lại làm sạch rồi đổ vào bao.
"Hơn 20 ngày qua, từ công việc nhặt hạt dẻ, tôi kiếm được 10 triệu đồng. Công viêc tuy không nặng nhọc nhưng đòi hỏi sự kiên trì. Năm nay dẻ được mùa, hạt dẻ dày nên bà con vào rừng nhặt dẻ đông lắm. Nhặt xong bước ra khỏi rừng dẻ là có người đứng chờ để thu mua luôn", chị Hoa phấn khởi cho biết.
Nguồn lợi cho cộng đồng từ tái sinh rừng dẻ
Ông Phạm Văn Huýnh - Chủ tịch UBND xã Quảng Lưu (huyện Quảng Trạch, tỉnh Quảng Bình) - cho biết: "Rừng dẻ ở Quảng Lưu có diện tích khoảng 2.000ha tồn tại từ xa xưa. Theo thống kê chưa đầy đủ, từ đầu mùa dẻ đến nay, chỉ tính riêng người dân Quảng Lưu nhặt được hơn 200 tấn hạt dẻ, thu về khoảng 5 tỷ đồng.
Cũng theo ông Huýnh, mặc dù nguồn lợi từ hạt dẻ tương đối lớn, tuy nhiên trước năm 2000, vì thiếu đất sản xuất, người dân trong xã chặt phá rừng dẻ, lấy gỗ để bán, lấy đất để sản xuất. Từ đó, thiên tai, hạn hán bám riết lấy người dân nơi đây.
Những năm sau đó, chính quyền địa phương quyết tâm tái sinh rừng dẻ và cấm cửa rừng, không cho người dân chặt phá rừng làm nương rẫy. Bên cạnh việc tuyên truyền, vận động, chính quyền xã phạt những ai vi phạm. Nhờ đó, rừng dẻ ngày càng ken dày, xanh tốt, nở hoa trắng muốt từ độ tháng 12 âm lịch và nuôi trái để 9 tháng sau mang đến "lộc rừng" cho người dân quanh vùng…
Ông Lê Ngọc Duẫn - Giám đốc Ban Quản lý Rừng phòng hộ huyện Quảng Trạch - cho hay: "Đơn vị chúng tôi được nhà nước giao quản lý hơn 12.000 ha rừng và đất rừng phòng hộ, nằm địa trên địa bàn 6 xã của huyện Quảng Trạch. Thời gian qua, chúng tôi luôn tuần tra, kiểm soát chặt chẽ lâm phận rừng được giao quản lý, trong đó, có rừng dẻ Quảng Lưu. Vào những ngày này, thấy bà con trên địa bàn vào rừng nhặt dẻ cho thu nhập cao chúng tôi rất mừng".