Tìm sức sống mới cho kinh tế hợp tác xã qua chuỗi giá trị

01/10/2018 - 16:43
Chiếm 35% diện tích tự nhiên của cả nước, với quỹ đất dồi dào, vùng Tây Bắc có lợi thế để phát triển ngành nông nghiệp, công nghiệp và dịch vụ. Đây cũng được xem là vùng có mô hình kinh tế hợp tác, hợp tác xã phát triển tích cực giúp thay đổi diện mạo đời sống của bà con vùng cao.
Hợp tác xã thay đổi cuộc sống vùng cao
Kinh tế hợp tác, HTX ở vùng Tây Bắc có những bước phát triển khá tích cực, toàn diện trên các mặt, mang lại doanh thu đạt 3.200 tỷ đồng/năm, thu nhập bình quân người lao động gần 3 triệu đồng/người/tháng.
 
Tại Hội thảo phát triển kinh tế vùng Tây Bắc vừa được tổ chức tại Thành phố Sơn La, tỉnh Sơn La, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển, đã nhấn mạnh: Cùng với cả nước, kinh tế hợp tác, HTX ở vùng Tây Bắc có những bước phát triển khá tích cực, toàn diện trên các mặt; thậm chí có mặt nổi trội và cao hơn một số vùng khác. Đến nay, toàn vùng đã có 2.462 HTX với 272.000 thành viên, vốn góp đạt 1.500 tỷ đồng, doanh thu đạt 3.200 tỷ đồng/năm, thu nhập bình quân người lao động gần 3 triệu đồng/người/tháng, tạo việc làm thường xuyên cho 74.000 lao động.
 
Khu vực kinh tế hợp tác, HTX tạo việc làm, cung cấp hàng hoá, dịch vụ cho thành viên và thị trường, tăng thu nhập cho thành viên và người lao động; góp phần xóa đói, giảm nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới; quan hệ cộng đồng ở những nơi có HTX được cải thiện rõ rệt, tình làng nghĩa xóm, đời sống văn hoá được nâng lên, số HTX tham gia đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế cho thành viên và người lao động được quan tâm.
 
Thông qua việc đạt được lợi ích chung về kinh tế, thành viên các HTX được tăng thêm thu nhập, gắn kết hơn với nhau, mở rộng các sinh hoạt cộng đồng, giúp đỡ tương trợ lẫn nhau trong hoạt động sản xuất - kinh doanh, cải thiện đời sống văn hoá.
anh-5_-copy.jpg
 
Điều đáng nói, trong đó, nhiều hợp tác xã do phụ nữ làm chủ, hợp tác xã có phụ nữ tham gia làm việc đã thu đạt hiệu quả kinh tế cao như HTX Nậm La, Liên hiệp HTX nông sản an toàn Sơn La, HTX Ngọc Hoàng (tỉnh Sơn La), HTX Mường Động, HTX cam Cao Phong (tỉnh Hòa Bình)...
 
Chia sẻ với phóng viên báo Phụ nữ Việt Nam, chị Nguyễn Thị Phiêu, bản Hoàng Văn Thụ, xã Hua La, TP. Sơn La, tỉnh Sơn La cho biết, từ khi tham gia HTX đã có thuận tiện về sản xuất, tiêu thụ hàng hóa. Nếu được mùa, thu nhập bình quân sau khi trừ hết chi phí được hơn 100 triệu, có điều kiện kinh tế để lo cho gia đình và các con ăn học nên người.
 
Hoạt động sản xuất kinh doanh của các HTX đã thúc đẩy kinh tế hộ phát triển, xóa đói, giảm nghèo, giải quyết việc làm, cải thiện, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho thành viên, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp, nông dân, nông thôn.
 
Đẩy mạnh xây dựng mô hình chuỗi giá trị nông sản
Thời gian qua, các HTX khu vực Tây Bắc đã xuất khẩu rất nhiều sản phẩm vùng miền ổn định sang các nước châu Âu như cà phê, cam, chuối, chanh leo, xoài, nhãn, thanh long, chè... Tuy nhiên, tình hình phát triển kinh tế hợp tác, hợp tác xã tại Tây Bắc vẫn còn nhiều khó khăn do đặc điểm miền núi, giao thông - giao thương không thuận lợi, trình độ dân trí không đồng đều.
 
Nhiều tỉnh ở xa các trung tâm kinh tế và thị trường lớn trong nước, nước ngoài, nhiều rủi ro thiên tai, lũ lụt, dẫn đến chi phí đầu tư, đầu vào và giá thành sản phẩm ở mức cao, hạn chế khả năng cạnh tranh. Đa số các hợp tác xã chưa có liên kết sản xuất, tiêu thụ gắn với sản phẩm chủ lực của địa phương. Phần lớn sản phẩm của HTX chưa có nhãn hiệu, thương hiệu trên thị trường, thị trường tiêu thụ sản phẩm chủ yếu tại địa phương, phụ thuộc vào thương lái...
 
Theo ông Giàng A Tính, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lai Châu, các HTX kiểu mới cần có sức sống mới, mới có thể phát triển bền vững và giàu có được. Muốn các HTX phát triển tốt, yếu tố cơ bản phải là nhân tố con người.
 
Bên cạnh đó, để phát triển kinh tế hợp tác và HTX trên địa bàn vùng Tây Bắc, cần đẩy mạnh xây dựng mô hình chuỗi giá trị nông sản đặc sản theo hướng kết hợp giữa phát triển nông nghiệp gắn với du lịch nhằm nâng cao chất lượng, giá trị và tạo thương hiệu sản phẩm đặc trưng của địa phương.
 
Đồng thời, tạo dựng vai trò trung gian của các HTX nông nghiệp trong việc thúc đẩy nông dân hợp tác sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông sản; thực hiện tốt tái cơ cấu sản phẩm nông nghiệp và quy hoạch quỹ đất nông nghiệp, qua đó khắc phục tình trạng quy trình sản xuất hàng nông nghiệp còn manh mún, nhỏ lẻ.
 
Chủ tịch Liên minh Hợp tác xã Việt Nam Nguyễn Ngọc Bảo cho biết: Tính đến ngày 30/6/2018, vùng Tây Bắc có 2.463 Hợp tác xã (HTX), chiếm 11,7% tổng số HTX toàn quốc, tăng 562 HTX so với năm 2013. Trong đó có: 1.420 HTX nông lâm, ngư, diêm nghiệp, 352 HTX công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp, 240 HTX xây dựng, 72 quỹ tín dụng nhân dân, 225 HTX thương mại dịch vụ, 92 HTX vận tải, 13 HTX môi trường và 49 HTX trong lĩnh vực khác. Đa số HTX đều hoạt động hiệu quả, tham gia tích cực xây dựng chuỗi giá trị sản phẩm tại địa phương và có chỗ đứng trong cơ chế thị trường.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm