Tinh giản biên chế: Bộ Nội vụ cần khảo sát thực tiễn, lắng nghe giáo viên

26/10/2018 - 16:15
Thực tế đang thiếu giáo viên nhưng vì áp lực giảm biên chế nên các địa phương tiến hành gộp điểm, dồn lớp khiến cho việc tổ chức dạy hai buổi và bán trú rất khó khăn, nhất là các địa bàn xa. Việc giáo viên tất tưởi dạy thay, dạy theo khiến chất lượng không đảm bảo.

Ngày 26/10, Quốc hội thảo luận tại hội trường về tình hình thực hiện kinh tế - xã hội. Trong đó, việc tinh giản biên chế khu vực hành chính, sự nghiệp được các đại biểu quan tâm, đặc biệt là việc tin giản biên chế giáo viên bộc lộ nhiều bất cập.

Đại biểu Đinh Duy Vượt, đoàn ĐBQH tỉnh Gia Lai, cho rằng việc tinh giản biên chế, sắp xếp, sáp nhập, giảm đầu mối, cơ cấu lại đội ngũ công chức, viên chức là đúng đắn.Tuy nhiên, tình trạng thiếu giáo viên thực sự ở nhiều tỉnh, nhưng bắt buộc vẫn phải cắt hợp đồng, nhất là các tỉnh miền núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số đang là vấn đề đáng quan tâm.

Đại biểu Vượt dẫn số liệu, cả nước thiếu 76.000 giáo viên, đặc biệt là giáo viên mầm non thiếu đến 43.732 giáo viên, tiểu học thiếu 18.953 giáo viên, trung học cơ sở 10.143 giáo viên.

Thực tế đó, đại biểu Vượt cho rằng sẽ phát sinh việc học sinh, trẻ mầm non chưa được đến trường hoặc dồn lớp, rất khó khả thi trong dạy hai buổi và bán trú; trong khi địa bàn xa khó khăn đi lại. Còn phía giáo viên tất tưởi dạy thay, dạy theo cũng không thể đảm bảo chất lượng.

Đại biểu Đinh Duy Vượt đề nghị Bộ Nội vụ cần “khảo sát thực tiễn, lắng nghe” ý kiến giáo viên ở từng vùng miền đặc thù để có tham mưu tốt, kịp thời giải quyết vấn đề này.

dai-bieu-dinh-duy-vuot-gia-lai-cu-tri-bat-binh-vi-dat-vang-dat-bac-roi-vao-tay-doanh-nghiep-bach-tuoc1527233669.jpg
Đại biểu Đinh Duy Vượt, đoàn ĐBQH tỉnh Gia Lai

 

Chung mối quan tâm, đại biểu Vương Văn Sáng, đoàn ĐBQH Lào Cai, nêu quan điểm: Tinh giản biên chế cần tập trung giải quyết quyết liệt khu vực hành chính, khu vực sự nghiệp đẩy mạnh tự chủ. “Riêng sự nghiệp giáo dục đề nghị không giao chỉ tiêu giảm” mà cần quy hoạch sắp xếp mạng lưới trường lớp, lớp học hợp lý, bố trí đủ số lượng đảm bảo cơ cấu giáo viên đứng lớp cho các trường mầm non và phổ thông công lập. Bởi thực tế hiện nay các tỉnh đều thiếu giáo viên”, đại biểu Sáng khẳng định.

Còn đại biểu Cao Đình Thưởng, đoàn ĐBQH  Phú Thọ, “hiện cả nước chỉ có 2 tỉnh, thành phố có đủ giáo viên”. Trên thực tế, không thể gộp điểm trường ở các tỉnh miền núi vùng sâu vùng xa để các cháu phải đi học quá xa nhà.

Đại biểu Thưởng nhấn mạnh: Chúng ta không thể để tình trạng nhồi nhét 50, 60 học sinh trên lớp ở các thành phố, thị xã mà phải nhanh chóng xử lý bài toán thiếu giáo viên hiện nay và cần có tầm nhìn dài hạn để giải quyết những hậu quả sau này.

Đại biểu này cũng nghị Chính phủ nghiên cứu, tạo ra lộ trình hợp lý để các địa phương được quyền chủ động trong việc sắp xếp đội ngũ, nhất là đội ngũ giáo viên mầm non đang có thu nhập rất thấp, quá tải về công việc, đồng thời đẩy nhanh xã hội hóa đầu tư vào giáo dục, y tế ở những nơi, lĩnh vực có điều kiện.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm