pnvnonline@phunuvietnam.vn
Tình hình dịch sáng 1/8: Thế giới phải học cách sống chung với Covid-19
Hành khách tại Nhà ga Trung tâm ở New York, Mỹ. Ảnh: THX/TTXVN
Theo trang thống kê worldometers.info, tính đến 8 giờ 30 ngày 1/8 (theo giờ Việt Nam), thế giới đã ghi nhận tổng cộng 17.754.183 ca nhiễm virus SARS-CoV-2 gây bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19, trong đó có 682.885 ca tử vong. Số bệnh nhân bình phục là 11.158.280 người.
Mỹ đang là quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nhất bởi dịch COVID-19 với 4.705.889 ca nhiễm và 156.747 ca tử vong.
Khu vực Mỹ Latinh hiện đang là điểm “nóng” của COVID-19, với tổng số ca nhiễm vượt trên 4,7 triệu người. Brazil tiếp tục đứng thứ 2 thế giới về số ca nhiễm và ca tử vong, với 2.662.485 ca nhiễm và 92.475 ca tử vong.
Trong khi đó tình hình dịch bệnh ở Mexico tiếp tục diễn biến phức tạp với số ca nhiễm và tử vong tiếp tục tăng mạnh từng ngày. Hiện, Mexico nghi nhận 424.637 ca nhiễm và 46.688 ca tử vong, đứng thứ 2 khu vực Mỹ Latinh và 6 thế giới về số ca nhiễm, và thứ 3 thế giới về số ca tử vong do COVID-19.
Tiếp đó, Peru đứng thứ 3 tại khu vực với 407.000 ca nhiễm và 19.021 ca tử vong, tiếp theo là Chile, với 356.000 ca nhiễm và 9.457 ca tử vong và Colombia với 296.000 ca nhiễm và 10.105 ca tử vong.
Bất chấp những biện pháp mạnh nhằm ngăn chặn sự lây lan của COVID-19, số ca nhiễm mới không ngừng tăng mạnh đang đặt hệ thống y tế vốn yếu kém của khu vực Mỹ Linh trong tình trạng báo động và trước nguy cơ sụp đổ do quá tải.
Còn tại Canada, số ca nhiễm virus SARS-CoV-2 hiện đã lên tới 116.312 ca, với 8.935 ca tử vong.
Từ ngày 31/7 người dân Canada có thể bắt đầu tải một ứng dụng miễn phí có tên là “COVID Alert” trên điện thoại thông minh để cảnh báo người sử dụng khi họ từng ở gần một người có xét nghiệm dương tính với virus SARS-CoV-2.
Theo Thủ tướng Canada Justin Trudeau, việc nhiều người tự nguyện sử dụng ứng dụng này sẽ giúp làm chậm lại tốc độ lây lan của virus SARS-CoV-2.
Có một điểm đáng chú ý là ứng dụng “COVID Alert” không thu thập dữ liệu cá nhân người dùng. Người đã cài ứng dụng “COVID Alert” có thể được thông báo về việc điện thoại của họ đã ở gần điện thoại của một người mắc COVID-19 (với điều kiện là người mắc COVID-19 cũng cài ứng dụng và tự nguyện thông báo về việc bị nhiễm).
Khi một người được chẩn đoán nhiễm virus SARS-CoV-2 đăng ký dùng ứng dụng, một thông báo sẽ được gửi tới bất kỳ ai cài ứng dụng tiếp xúc gần trong vòng 2m với người bệnh nhiều hơn 15 phút trong vòng 2 tuần trước đó.
“COVID Alert” sẽ khuyến nghị người dùng ứng dụng gọi điện cho cơ quan y tế để được tư vấn, nếu người dùng nhận được thông báo rằng họ đã ở gần người nhiễm virus SARS-CoV-2.
Thủ tướng Trudeau cho biết ứng dụng này hiện đã được kết nối với hệ thống y tế của tỉnh bang Ontario.
Dự kiến, các tỉnh ở khu vực ven Đại Tây Dương cũng sẽ làm theo tỉnh Ontario. Hiện chính phủ liên bang đang thảo luận với các tỉnh còn lại trên cả nước để triển khai ứng dụng này.
Trong khi đó, Ấn Độ đã gia hạn lệnh cấm các chuyến bay chở khách thương mại quốc tế đến hết ngày 31/8 trước tình hình gia tăng các ca nhiễm trên cả nước.
Quy định của Tổng cục hàng không dân dụng Ấn Độ (DGCA) không áp dụng đối với các chuyến bay đặc biệt được phê duyệt bởi cơ quan chức năng và các chuyến bay chở hàng.
Quyết định cấm bay thương mại hiện nay của Ấn Độ được áp dụng từ ngày 23/3 và có hiệu lực đến hết ngày 31/7 sau nhiều lần gia hạn.
Để từng bước cho phép hành khách đi lại trong bối cảnh dịch COVID-19, Chính phủ Ấn Độ đã ký các thỏa thuận thiết lập các hành lang di chuyển song phương với một số nước như Mỹ, Pháp và Đức.
Ấn Độ cũng thiết lập "bong bóng" với Các tiểu vương quốc Arab thống nhất để sơ tán công dân.
Theo trang worldometers.info, đến nay Ấn Độ đứng thứ 3 thế giới về số ca nhiễm với 1.697.054 ca, trong đó 36.551 ca tử vong. Tổng số ca đã hồi phục ở nước này hiện là 1.095.647 ca.
Trong bối cảnh dịch bệnh đang ngày càng diễn biến phức tạp, Tổ chức y tế thế giới (WHO) cảnh báo mặc dù các nỗ lực phát triển vaccine đang diễn ra với tốc độ kỷ lục, nhưng thế giới phải học cách sống chung với COVID-19 và chiến đấu với dịch bệnh bằng mọi công cụ hiện có.
Theo người đứng đầu WHO, nhiều quốc gia từng tin rằng họ đã trải qua dịch bệnh tồi tệ nhất, tuy nhiên hiện đang phải vật lộn với những đợt bùng phát mới.
Một số quốc gia ít bị ảnh hưởng trong những tuần đầu tiên bùng phát dịch, hiện đang chứng kiến số trường hợp lây nhiễm và tử vong gia tăng nhanh chóng, trong khi một số quốc gia từng chứng kiến sự bùng phát lớn hiện dịch bệnh đã được kiểm soát.