pnvnonline@phunuvietnam.vn
Tình hình lao động, việc làm cơ bản trở lại trạng thái bình thường
Bộ trưởng LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung trao tặng Cờ Thi đua và Bằng khen cho các đơn vị, các Sở LĐ-TB&XH dịp tổng kết năm 2020.
Sáng 11/1/2021, tại Hà Nội, Bộ LĐ-TB&XH tổ chức Hội nghị triển khai nhiệm vụ lao động, người có công và xã hội năm 2021 theo hình thức trực tuyến đến 63 điểm cầu địa phương. Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam đến dự và chỉ đạo hội nghị.
Phát biểu tại hội nghị, ông Đào Ngọc Dung, Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH, cho biết: Năm 2020 chịu ảnh hưởng to lớn của đại dịch Covid-19 và thiên tai, bão lũ bất thường; tuy nhiên Việt Nam tự hào vì đã đạt được "mục tiêu kép" trong phòng, chống dịch và duy trì tăng trưởng kinh tế, an sinh xã hội được đảm bảo.
Giải ngân 31,5 nghìn tỷ đồng hỗ trợ người dân, người lao động bị ảnh hưởng bởi Covid-19
Trong đó, toàn ngành LĐ-TB&XH đã triển khai đồng bộ, quyết liệt các biện pháp phòng, chống dịch. Đồng thời, đề xuất các biện pháp hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch Covid-19; các giải pháp tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ sản xuất, kinh doanh; ổn định an sinh xã hội.
Triển khai Nghị quyết số 42/NQ-CP và Quyết định số 15/2020/QĐ-TTg, Chính phủ và các địa phương trong đại dịch Covid-19 đã hỗ trợ 31,5 nghìn tỷ đồng đảm bảo đời sống và hỗ trợ việc làm cho người dân, người lao động, trong đó ngân sách nhà nước chi trực tiếp 12,9 nghìn tỷ đồng cho trên 13 triệu người dân bị ảnh hưởng, qua đó góp phần quan trọng ổn định đời sống Nhân dân, tạo công ăn, việc làm cho người lao động, giúp ổn định tình hình lao động.
Ông Đào Ngọc Dung khẳng định: "Đến nay, tình hình lao động, việc làm cơ bản trở lại trong trạng thái bình thường".
Theo trưởng ngành LĐ-TB&XH, một số lĩnh vực đạt kết quả vượt bậc, đối tượng thụ hưởng chính sách ngày càng được mở rộng; mức thụ hưởng chính sách an sinh xã hội không ngừng được nâng cao.
Hết năm 2020 có khoảng 16,047 triệu người tham gia BHXH, chiếm khoảng 33,2% lực lượng lao động trong độ tuổi (tham gia BHXH bắt buộc khoảng 15,033 triệu người, tăng 24,5% so với cuối năm 2015.
Tham gia BHXH tự nguyện là 1,013 triệu người, tăng 365,4% so với cuối năm 2015); trên 13,27 triệu người tham gia bảo hiểm thất nghiệp, chiếm 27,5% lực lượng lao động trong độ tuổi.
Cụ thể như, lĩnh vực Giáo dục Nghề nghiệp, năm qua cả nước tuyển sinh khoảng 2,28 triệu người, đạt 100,9% kế hoạch; Tốt nghiệp theo các trình độ đào tạo khoảng 2,19 triệu người, đạt mục tiêu đề ra.
Ước cả năm 2020 giải quyết việc làm khoảng 1,348 triệu người, đạt 83,8% kế hoạch. Trong đó, tạo việc làm trong nước khoảng 1,27 triệu người; đưa trên 78 nghìn lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng. Tính chung cả năm 2020, tỷ lệ thất nghiệp của lao động trong độ tuổi ở khu vực thành thị là 3,61% (đạt mục tiêu).
Đáng chú ý, thu nhập bình quân của người lao động từng bước được cải thiện; giai đoạn 2016-2019 tiền lương bình quân tháng của lao động làm công hưởng lương có tốc độ tăng khá cao đạt 9,01%/năm.
Đặc biệt, chính sách ưu đãi người có công với cách mạng được thực hiện tốt, đời sống người có công và thân nhân được nâng cao.
Nhìn chung, chế độ ưu đãi người có công với cách mạng đã được xây dựng và thực hiện giai đoạn 2016 - 2020 tương đối toàn diện, đời sống người có công không ngừng được nâng lên, mức chuẩn trợ cấp tăng từ 1.318.000 đồng năm 2015 lên 1.624.000 đồng năm 2020.
Tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều giảm nhanh, từ 9,88% năm 2015 xuống còn 2,75% cuối năm 2020.
Theo đó, thành tích giảm nghèo được cộng đồng quốc tế ghi nhận và đánh giá cao, đưa Việt Nam thành "một trong những câu chuyện thành công nhất về giảm nghèo và đóng góp nhiều bài học thành công cho thế giới".
Hơn 6.000 xã, phường, thị trấn đạt tiêu chuẩn cộng đồng an toàn phòng, chống tai nạn thương tích trẻ em
Về công tác bảo vệ và chăm sóc trẻ em, theo báo cáo, đến nay có 6,2 triệu ngôi nhà thuộc các hộ gia đình có trẻ em đạt tiêu chí Ngôi nhà an toàn. Có 26 ngàn trường học đạt tiêu chuẩn trường học an toàn. Có 6 ngàn xã, phường, thị trấn đạt tiêu chuẩn cộng đồng an toàn phòng, chống tai nạn thương tích trẻ em.
Các chỉ tiêu về bảo vệ, chăm sóc trẻ em cơ bản hoàn thành và vượt kế hoạch đề ra. Cuối năm 2020, có 72% trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt được trợ giúp dưới các hình thức; 55% xã, phường, thị trấn đạt tiêu chuẩn phù hợp với trẻ em.
Bước sang năm 2021, ngành cũng đề ra nhiệm vụ, giải pháp nhằm phát triển toàn diện trẻ em và thực hiện đầy đủ quyền trẻ em. Trong đó, thực hiện các giải pháp tạo môi trường sống an toàn, thân thiện, lành mạnh cho mọi trẻ em được phát triển. Chủ động phòng ngừa, kiểm soát và giảm thiểu nguy cơ trẻ em bị bạo lực, xâm hại; giảm thiểu tai nạn thương tích ở trẻ em. Tăng cường giáo dục kiến thức, kỹ năng về bảo vệ trẻ em; phòng chống bạo lực, xâm hại trẻ em.
Cùng với đó, đẩy mạnh phát triển hệ thống dịch vụ bảo vệ trẻ em; tăng cường đánh giá, kiểm tra, giám sát thực hiện pháp luật, chính sách liên quan để thực hiện quyền trẻ em. Đặc biệt, xác định rõ trách nhiệm các ngành, các cấp, trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, đơn vị để xảy ra bạo lực, xâm hại trẻ em…
Chỉ tiêu kế hoạch năm 2021 lĩnh vực lao động, người có công và xã hội; Chỉ tiêu Quốc hội giao:
- Tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 66%. Trong đó, có bằng cấp, chứng chỉ từ 3 tháng trở lên đạt 25,5%
- Mức giảm tỷ lệ hộ nghèo cả nước hằng năm 1 - 1,5%