Tình trạng bão lũ liên tiếp ở miền Trung "làm nóng" nghị trường Quốc hội

PV
03/11/2020 - 10:38
Tình trạng bão lũ liên tiếp ở miền Trung "làm nóng" nghị trường Quốc hội

Đại biểu Hoàng Đức Thắng, đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Trị, phát biểu. Ảnh quochoi.vn

Tại phiên toàn thể tại hội trường sáng nay (3/11), nhiều đại biểu nêu vấn đề lũ chồng lũ xảy ra liên tiếp ở miền Trung những ngày qua khiến người dân gặp rất nhiều mất mát về người và của. Qua đó, cần có cách tiếp cận mới trong chiến lược phát triển và thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia cho khu vực miền Trung và cả nước trong bối cảnh mới.

Tiếp tục chương trình làm việc Kỳ họp thứ 10, sáng nay (3/11), Quốc hội họp phiên toàn thể tại hội trường, thảo luận về Kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách Nhà nước năm 2020; kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, dự toán ngân sách Nhà nước, phương án phân bổ ngân sách Trung ương năm 2021; Kết quả thực hiện các nghị quyết của Quốc hội về kế hoạch 5 năm giai đoạn 2016-2020: phát triển kinh tế - xã hội, cơ cấu lại nền kinh tế, tài chính quốc gia, đầu tư công trung hạn, và một số nội dung khác…

Vấn đề lũ lụt, thiên tai xảy ra liên tiếp ở miền Trung những ngày qua được nhiều đại biểu quan tâm thảo luận. Nhìn lại cơn đại hồng thủy vừa qua khi miền Trung phải oằn mình liên tiếp chịu đựng thử thách khắc nghiệt của thiên nhiên, đại biểu Hoàng Đức Thắng, đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Trị, cho rằng: Cần định vị cách tiếp cận mới trong chiến lược phát triển và thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia cho khu vực miền Trung và cả nước trong bối cảnh mới. Đồng thời lý giải những bất thường về lũ bão vừa qua mà nguyên nhân thiên tai do biến đổi khí hậu. "Mưa lớn kéo dài, lượng mưa kỷ lục, đất dốc tăng nhanh; đồi núi sạt lở, ngập úng lớn kéo dài nhưng chắc chắn có thể nhìn ra là chúng ta đã mất quá nhiều rừng tự nhiên - tấm lá chắn chắc chắn an toàn của đất mẹ".

Theo đại biểu Hoàng Đức Thắng, hàng chục ngàn hecta rừng đầu nguồn đã mất. Chỉ tiêu phấn đấu về độ che phủ rừng hằng năm đều tăng nhưng điều đó không nói được nhiều về chất lượng, khả năng giữ đất, giữ nước, sức chống chịu thiên tai khi mà diện tích rừng tự nhiên, rừng phòng hộ ngày một giảm đi. Theo đó, đại biểu này đề nghị Quốc hội cần tăng cường các cuộc giám sát tối cao để có các quyết sách mạnh mẽ về mục tiêu, giải pháp; nhất là kiên quyết dừng, loại bỏ các dự án, công trình không hiệu quả, không bảo đảm an toàn, làm ảnh hưởng đến rừng, nhất là rừng đầu nguồn, rừng tự nhiên tác động đến chế độ rộng tại dòng chảy tự nhiên, môi trường và đời sống người dân.

Đồng thời tăng cường khả năng thích nghi, chống chịu, giảm nhẹ thiên tai ngày càng khắc nghiệt. Trong quy hoạch và kế hoạch phát triển, nhất thiết phải giải quyết được vấn đề phát triển nhanh nhưng phải bền vững. Cùng với đó, tăng cường tuyên truyền, nâng cao nhận thức, giáo dục kỹ năng sống, khả năng ứng phó thích nghi của người dân với thiên tai và biến đổi khí hậu. Đại biểu Hoàng Đức Thắng cho rằng, cần đánh giá giúp địa phương quy hoạch lại vùng, bố trí dân cư; nhất là di dời dân và quy hoạch cho vùng dân cư miền núi bị ảnh hưởng của sạt lở đất một cách ổn định và bền vững.

Tình trạng bão lũ liên tiếp ở miền Trung làm nóng nghị trường Quốc hội - Ảnh 1.

Đại biểu Hoàng Đức Thắng đề nghị cần nâng cao năng lực hoạt động tìm kiếm cứu nạn được các cấp đầu tư hạ tầng, trang thiết bị hiện đại, bảo đảm nguồn nhân lực huy động trong các tình huống khẩn cấp phục vụ tìm kiếm cứu nạn. Thực tế mô hình gian nhà tránh lũ vừa qua bên cạnh nhà tránh lũ cộng đồng đã phát huy hiệu quả, nhờ đó giúp bà con giữ được sinh mạng và của cải nên cần được nghiên cứu, đánh giá để xây dựng thành chương trình gian nhà tránh lũ đối với vùng ngập sâu trong mỗi gia đình.

Đồng quan điểm, đại biểu Phan Thái Bình, đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Nam, cho rằng: cần có cơ chế khuyến khích trồng rừng. Đặc biệt là quan tâm đến các dự án thủy điện, coi việc trồng rừng thay thế đảm bảo nguyên tắc vị trí trồng, phòng hộ và các loại cây trồng phù hợp với khu vực có nguy cơ sạt lở.

Bên cạnh đó, đại biểu Phan Thái Bình cũng khuyến cáo người dân làm nhà chống lụt ở vùng trũng thấp, làm nhà sàn ở vùng có nguy cơ sạt lở cao và xây dựng hầm trú tránh bão… Đặc biệt, đại biểu này đề nghị tổng rà soát tất cả cơ sở giáo dục trên địa bàn các vùng thường xuyên bị thiên tai, bão lũ. Ưu tiên xây dựng các khu tránh trú bão với khu vực có đông học sinh để các em kịp thời tránh trú bão. Cùng với đó, cần nghiên cứu, đề xuất xây dựng các công trình, cơ sở trường học kiên cố, phù hợp với vùng có bão lũ, bởi thực tế đợt bão lũ vừa qua, rất nhiều trường học đã bị tốc mãi, gây nguy hiểm cho thầy và trò…

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm