pnvnonline@phunuvietnam.vn
Tình yêu người chồng giúp chữa khỏi căn bệnh ung thư vú giai đoạn 2 của vợ
Teresa Tam (Hồng Kông, Trung Quốc) được chẩn đoán mắc bệnh ung thư vú giai đoạn 2 vào năm 2011. Khi đó cô gần như sụp đổ. Ở tuổi 33, cô bất an về các phương pháp điều trị để vượt qua căn bệnh này và lo lắng rằng cô không thể tố chức sinh nhật lần thứ 40 của mình.
Mặc dù căn bệnh của cô Tam được bác sĩ thông báo có thể chữa trị được nhưng vẫn sợ vì không biết tương lai sẽ như thế nào.
Anh Akio Nishida (chồng của Tam) cũng không khỏi lo lắng nhưng vẫn luôn mạnh mẽ đồng hành cùng vợ. Khi cô kể với anh về tin xấu này, anh trấn an rằng anh sẽ luôn bên cạnh cô. Thật vậy, anh Nishida luôn cùng vợ đến các cuộc hẹn kiểm tra sức khỏe và các buổi hóa trị trong những năm sau đó; cho cô tất cả không gian cần thiết để bộc bạch nỗi sợ hãi và thất vọng.
Nishida chia sẻ, "Tôi không muốn vợ có cảm giác lẻ loi. Các tác dụng phụ của việc điều trị đã khiến cô ấy rất nhạy cảm nên tôi phải cố hết sức để an ủi cô ấy. Tôi cũng đọc sách báo về ung thư vú và tìm hiểu nhiều cách để bảo vệ hệ thống miễn dịch của Tam luôn khỏe mạnh. Tôi chỉ muốn cô ấy cảm thấy được hỗ trợ, thấu hiểu và yêu thương".
Ngoài ra, Nishida còn chơi guitar, viết thơ và vẽ những bức tranh đáng yêu để giúp tinh thần vợ lạc quan hơn. Để khiến Tam luôn có niềm tin vào những lúc bệnh trở nặng, anh sẽ gợi nhắc cô về kế hoạch tương lai của họ. Anh thậm chí còn nghỉ làm để toàn tâm toàn ý ở bên và chăm sóc cô.
Sự quan tâm, tình yêu thương và chăm sóc của chồng trong chặng đường dài 9 năm đã giúp Tam chữa lành vết thương về cả thể chất lẫn tinh thần. Hiện tại, 9 năm sau khi được chẩn đoán mắc bệnh ung thư vú, Tam cho biết cô đã hoàn toàn hồi phục và hạnh phúc hơn bao giờ hết.
Cô chia sẻ: "Tôi không may mắn mắc phải căn bệnh này, nhưng tôi có Nishida. Tôi nghĩ rằng hành trình bình phục của tôi sẽ gian nan hơn nếu không có chồng bên cạnh. Nhờ anh ấy, tôi tự nhủ rằng mình phải vượt qua những trở ngại về tinh thần. Hóa trị là một trong những điều tồi tệ nhất tôi từng phải trải qua, nhưng với tình yêu và sự khích lệ của chồng, tôi đã tìm thấy sức mạnh để vượt qua nó".
Tình yêu giúp cải thiện khả năng chống chọi ung thư
Nghiên cứu mới từ Đại học bang Ohio ở Hoa Kỳ đã tìm thấy sự tương quan giữa mối quan hệ ở các cặp đôi hạnh phúc với độ giảm căng thẳng và giảm viêm ở những người sống sót sau ung thư vú. Theo đó, trải qua một tình yêu lãng mạn có thể giúp con người ta cải thiện khả năng chịu đựng và phục hồi từ một cuộc khủng hoảng sức khỏe.
Một nghiên cứu được công bố trực tuyến vào tháng 6/2020 trên tạp chí Psychoneuroendocrinology, cho biết rằng những bệnh nhân sống hồi phục từ ung thư vú cảm thấy hài lòng hơn trong các mối quan hệ tình cảm và căng thẳng tâm lý nhận thức của họ cũng ở mức thấp. Hai yếu tố này khiến khả năng tạo ra các chất gây viêm trong máu thấp hơn. Để tăng cường sức khỏe, đặc biệt là ở những người vượt qua căn bệnh ung thư vú, việc tránh sưng viêm là điều cần thiết. Viêm mãn tính có thể làm tăng nguy cơ tái phát ung thư và các bệnh khác, chẳng hạn như bệnh tim, viêm khớp và tiểu đường loại 2.
Helen Chen, phó giáo sư kiêm trưởng phòng và cố vấn cao cấp của khoa tâm lý học tại Bệnh viện Phụ nữ và Trẻ em KK tại Singapore thông tin: "Một người phụ nữ khi được chẩn đoán mắc bệnh ung thư vú có thể trải qua một loạt các cảm xúc tiêu cực, bao gồm sốc, tê liệt, giận dữ, sợ hãi, lo lắng, tội lỗi, đau buồn. Khi được hỗ trợ trong các mối quan hệ tình cảm, bệnh nhân sẽ cảm thấy được ưu tiên cho các nhu cầu của mình. Điều này cũng có thể dẫn đến thay đổi trong nhiều mối quan hệ, đặc biệt là về vấn đề thân mật và tình dục.
Khi khả năng chống chọi với bệnh tật tốt hơn, trạng thái tinh thần của bệnh nhân sẽ được duy trì tốt; và mong muốn tích cực là bệnh nhân có thể điều chỉnh hành vi tốt hơn, duy trì lối sống và thói quen lành mạnh, góp phần tạo nên vào kết quả phục hồi tốt. Ngược lại, khi mức độ căng thẳng của bệnh nhân cao, chẳng hạn như khi bị cắt bỏ tuyến vú, phải chịu đựng các liệu pháp điều trị ung thư khắc nghiệt như hóa trị, hoặc không thể chăm sóc con cái; cơ thể bệnh nhân có thể tạo ra phản ứng bất thường với miễn dịch giống như bị viêm mãn tính. Điều này có thể ảnh hưởng xấu đến quá trình phục hồi.
Nhưng yếu tố tâm lý không phải là tất cả khi chiến đấu với bệnh ung thư vú. Bà Chen nói rằng nếu ung thư được phát hiện muộn và ác tính hoặc nếu điều trị ung thư thất bại vì bất kỳ lý do gì, cho dù phụ nữ có tích cực hay can đảm đến đâu, cũng có thể gây ảnh hưởng đến quá trình điều trị. Phụ nữ mắc bệnh ung thư cũng giống như đang phải gánh vác trọng trách chiến đấu trên vai, mặc dù trong thực tế đôi khi bệnh tật sẽ tiến triển theo hướng tích cực. Vì vậy, điều quan trọng là duy trì sự hỗ trợ và quan tâm, để giúp bệnh nhân cảm thấy được sự chăm sóc và quan tâm.
Nếu đang phải chống chọi với bệnh ung thư vú nhưng không có mối quan hệ tình yêu tốt, bà Chen đề nghị tìm kiếm hỗ trợ tình cảm từ bạn bè và những người thân yêu, hoặc thậm chí từ các chuyên gia chăm sóc sức khỏe như nhân viên công tác xã hội và chuyên gia tâm lý học.
Ngoài ra, một số cách khác để cải thiện nhu cầu tình cảm của bạn như: ngồi thiền, cầu nguyện, hoặc các hoạt động khác giúp bạn cảm thấy yên bình hơn; cho bản thân có thời gian và không gian riêng; chú ý đến nhu cầu thể chất, dinh dưỡng và các biện pháp tự chăm sóc khác; thể hiện cảm xúc của bạn thông qua việc viết nhật ký, hội họa, âm nhạc, khiêu vũ hoặc nhiếp ảnh. Ví dụ; đi bộ; tạo môi trường gia đình lành mạnh hơn; và tìm hiểu làm thế nào các bệnh nhân và gia đình khác đối phó với bệnh ung thư.
Tam cho biết: "Tôn trọng khía cạnh cảm xúc trong công cuộc chống chọi với căn bệnh ung thư vú chắc chắn là khó khăn. Nói chung, phụ nữ có xu hướng giữ cảm xúc của họ hoặc họ quá bận rộn để quan tâm đến nhu cầu tình cảm của người khác mà quên đi điều đó cho chính mình". Để vượt qua ung thư cần có một tình yêu thực sự. Khi có một người luôn quan tâm, đồng cảm và cảm thông cũng như biết rằng bạn được hỗ trợ và yêu thương, không chỉ làm sâu sắc thêm mối quan hệ của cả hai, nó cũng khiến cho quá trình hồi phục căn bệnh quái ác này ít tốn kém và đau thương hơn.