Tôn vinh 64 "đóa hồng tình nguyện" trong phòng chống dịch ở TPHCM

Phạm Thương
21/10/2021 - 17:38
Tôn vinh 64 "đóa hồng tình nguyện" trong phòng chống dịch ở TPHCM

Đại biểu tham dự chia sẻ tại buổi tọa đàm

Trong cuộc chiến với dịch bệnh Covid-19 vừa qua, hình ảnh các nữ cán bộ Hội, đoàn viên, hội viên phụ nữ xung phong tham gia chống dịch tại TPHCM đã để lại nhiều dấu ấn.

Ngay từ những ngày đầu quận Gò Vấp (TPHCM) thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16, với vai trò là Chủ tịch Công đoàn Công ty TNHH may thêu Hà Giang, chị Lê Thị Thủy đã chủ động đề xuất với Ban giám đốc công ty tổ chức "Phiên chợ 0 đồng" chăm lo cho gần 150 công nhân, người lao động và hỗ trợ cho các nữ công nhân là F1, F0 đi cách ly tập trung.

Chị còn tham gia ở tất cả các khâu tổ chức chăm lo chỗ ăn, ở, ngủ nghỉ cho anh chị em trong thời gian bị phong tỏa tại doanh nghiệp. Chị Thủy đã vận động đối tác tặng gạo, rau củ quả để thực hiện "Bếp ăn Công đoàn" cho công nhân. Chị cũng thành lập riêng một ban chăm sóc chị em phụ nữ trong lúc dịch bệnh.

Nữ cán bộ TPHCM cân đối việc gia đình như thế nào để đi chống dịch? - Ảnh 1.

Chị Lê Thị Thủy (bìa phải), Chủ tịch Công đoàn Công ty TNHH may thêu Hà Giang, nhận giấy khen từ Hội LHPN TPHCM và Liên đoàn Lao động TPHCM.

"Để hoàn thành nhiệm vụ của công ty thì mình phải biết cách sắp xếp công việc gia đình sao cho hợp lý. Vợ chồng tôi có 2 con nhỏ, chồng hay đi công tác xa. Tuy nhiên, tôi luôn chia sẻ công việc nhà với chồng. Như vậy, vợ chồng sẽ thấu hiểu, thông cảm cho nhau những lúc đi sớm, về khuya. Cả hai sẽ thay nhau chăm sóc sức khỏe, dinh dưỡng, học hành cho các con. Về phần công việc, muốn hoàn thành tốt thì mình phải có tình yêu đối với công việc và tình thương dành cho mọi người. Nhờ đó sẽ thấu hiểu tâm tư nguyện vọng từng chị em công nhân. Những ngày cùng nhau ở công ty, chị em chúng tôi xem nhau như người thân trong một gia đình. Bản thân tôi luôn tự động viên mình phải thật bình tĩnh, tự tin, lạc quan cùng với công đoàn chăm lo cho mọi người", chị Thủy chia sẻ.

Chị Nguyễn Thị Oanh Kiều, Chủ tịch Hội LHPN phường Bình Hưng Hòa B (Q.Bình Tân, TPHCM), cho hay: "Trong mùa dịch, các con đều ở nhà, vậy nên sáng nào tôi cũng dậy thật sớm, dọn dẹp và chuẩn bị sẵn đồ ăn cho các con. Các con đã lớn nên cũng tự giác và tự chăm sóc được cho bản thân. Tôi thường xuyên dặn dò các con khóa cửa, không tiếp xúc với người lạ. Sau khi thu xếp công việc gia đình xong, tôi đi tham gia hoạt động Hội đến khuya mới về. Các con biết và hay san sẻ công việc nhà với mẹ.  Mùa dịch, công việc nhiều gấp mấy ngày thường. Nhiều lúc, tôi đi làm mà không để ý ngày giờ, thứ bảy, chủ nhật gì cả. Lúc thì đi chợ hộ, lúc thì phát quà, phát tiền hỗ trợ, có khi đến 11 giờ đêm vẫn còn làm".

Những "đóa hồng tình nguyện"

Chị Thủy và chị Kiều là những gương điển hình đại diện phát biểu tại buổi tọa đàm với chủ đề "Phát huy vai trò của nữ công nhân, viên chức, lao động trong việc xây dựng, vun đắp giá trị tốt đẹp của gia đình Việt Nam gắn với thực hiện phong trào "Giỏi việc nước - Đảm việc nhà", do Hội LHPN TPHCM và Liên đoàn Lao động TPHCM tổ chức vào sáng 21/10. 

Tại đây, các đại biểu tham dự đã đại diện cho nhiều chị em nói lên tâm tư nguyện vọng của mình, chia sẻ những bí quyết về việc chủ động sắp xếp thời gian cho công việc tại đơn vị và chăm sóc gia đình một cách khoa học. Các chị tự nâng cao giá trị bản thân, đồng thời là tấm gương để con cái học hỏi và noi theo.

Nữ cán bộ TPHCM cân đối việc gia đình như thế nào để đi chống dịch? - Ảnh 2.

Các cá nhân được khen thưởng vì đã có thành tích khi tham gia công tác tình nguyện phòng chống dịch bệnh Covid-19.

Tại buổi tọa đàm, các đại biểu còn trao đổi nhiều vấn đề như: Làm thế nào phát huy vai trò của nữ chủ nhà trọ trong việc tuyên truyền, vận động nữ công nhân lao động trong việc chấp hành chủ trương của Đảng, pháp luật của Nhà nước, thực hiện phòng chống Covid-19; công tác vận động nữ chủ nhà trọ giảm giá tiền phòng; chia sẻ kinh nghiệm cân đối giữa công việc và gia đình trong mùa dịch; công tác chăm lo cho nữ công nhân, lao động tự do giữa tâm dịch… 

Mỗi bài tham luận là một cách làm sáng tạo, là sự tận tụy cống hiến và tâm huyết của từng chị em. Họ không chỉ làm tốt vai trò của nữ công nhân, viên chức, lao động trong công việc cơ quan, tập thể và xã hội mà còn luôn ý thức vượt khó vươn lên xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc cho bản thân và những chị em xung quanh.

Nữ cán bộ TPHCM cân đối việc gia đình như thế nào để đi chống dịch? - Ảnh 3.

Các đại biểu tham gia buổi tọa đàm

Bà Lê Thị Kim Thúy, Phó Chủ tịch Liên đoàn Lao động TPHCM, cho biết: "Phụ nữ hiện nay không chỉ là người vợ, người mẹ mà còn đảm nhận nhiều vị trí công tác ngoài xã hội. Do đó, vai trò của nữ công nhân, viên chức trong việc vun đắp, xây dựng hạnh phúc gia đình là rất quan trọng. Họ là những người "giữ lửa" để đưa gia đình thành nơi an toàn cho các thành viên. Nhất là những gia đình nữ công nhân, lao động tự do ở các khu nhà trọ, họ vừa mưu sinh vừa chăm lo gia đình rất vất vả. Trong giai đoạn TPHCM bước vào cuộc chiến chống dịch Covid-19, các chị em phụ nữ còn là tình nguyện viên tích cực cùng các lực lượng tuyến đầu hỗ trợ công tác phòng chống dịch. Họ đã làm rất tốt các nhiệm vụ được giao, vừa thu xếp công việc gia đình vừa phải tham gia ở các bếp ăn, điểm gác chốt, đi chợ hộ… góp phần đẩy lui dịch bệnh".

Dịp này, Hội LHPN TPHCM và Liên đoàn Lao động TPHCM phối hợp trao tặng biểu trưng "Đóa hồng tình nguyện" và giấy khen cho 64 nữ đoàn viên công đoàn, công nhân, viên chức, lao động đã có thành tích tiêu biểu tham gia công tác tình nguyện phòng chống dịch  bệnh Covid-19.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm