pnvnonline@phunuvietnam.vn
TPHCM: Tháo gỡ nút thắt bất động sản "đứng hình"
Sáng 22/2, UBND TP.HCM tổ chức Hội nghị gặp gỡ và trao đổi giữa lãnh đạo chính quyền thành phố với doanh nghiệp kinh doanh bất động sản.
Hội nghị nhằm đưa ra những giải pháp mang tính chất căn cơ để tháo gỡ nút thắt của thị trường bất động sản, nhất là quy trình thực hiện chủ trương đầu tư, chuyển mục đích sử dụng đất, cấp phép xây dựng để các doanh nghiệp có cơ sở hoàn tất các thủ tục đầu tư, triển khai dự án.
Mặc dù có vị thế quan trọng trong phát triển kinh tế, tuy nhiên lĩnh vực bất động sản hiện nay đang gặp rất nhiều khó khăn. Theo Hiệp hội Bất động sản TP.HCM, trong thời gian qua, thị trường bất động sản và các doanh nghiệp bất động sản phải đương đầu với nhiều khó khăn, thách thức rất lớn, nhiều dự án nhà ở bị "đứng hình" và môi trường kinh doanh vẫn chưa thực sự đảm bảo tính minh bạch, công bằng, cạnh tranh lành mạnh.
Ông Nguyễn Thành Phong, Chủ tịch UBND TPHCM cho biết, rất trăn trở khi hầu hết các doanh nghiệp bất động sản đều gặp khó khăn, quy mô thị trường và nguồn cung giảm mạnh, hàng loạt doanh nghiệp giảm doanh thu.
Theo ông Phong, một trong những nguyên nhân khiến bất động sản gặp khó khăn như hiện nay là do các quy định pháp luật về đầu tư, đất đai, quy hoạch đô thị chưa có sự thống nhất. Bên cạnh đó, nhiều dự án trong quá trình kiểm tra, thanh tra, rà soát lại thủ tục pháp lý.
Chủ tịch UBND TP.HCM đề nghị các sở ngành phải cùng chia sẻ với doanh nghiệp bất động sản. "Các sở ngành phải thấy những khó khăn, vất vả của doanh nghiệp bất động sản là vất vả của mình. Doanh nghiệp phát triển, thành công chính là sự thành công của thành phố. Khi doanh nghiệp gặp khó khăn thì sở ngành phải chia sẻ, lắng nghe, suy nghĩ và có giải pháp", ông Phong nói.
Chủ tịch UBND TPHCM lưu ý các sở ngành cần nhanh chóng trả lời cho doanh nghiệp, phải đặt vào vị trí của doanh nghiệp để chia sẻ. "Ai sợ thì đứng qua một bên. Guồng máy đang tiến lên phía trước, nếu ai không theo kịp thì xin đứng qua một bên", ông Phong nêu quan điểm.
Năm 2019, tại TPHCM chỉ có 1 dự án nhà ở thương mại có quyền sử dụng đất ở được UBND thành phố chấp thuận chủ trương đầu tư, giảm 12 dự án, giảm 92%. Có 4 dự án nhà ở thương mại được chấp thuận chủ trương đầu tư và công nhận chủ đầu tư, giảm 24 dự án, giảm 85%. Chỉ có 16 dự án nhà ở thương mại được chấp thuận đầu tư, giảm 64 dự án, giảm 80%. Có 47 dự án với 23.485 căn hộ chung cư đủ điều kiện bán nhà ở hình thành trong tương lai, giảm 14,1% so với năm 2018.
Quy mô thị trường và nguồn cung dự án, nguồn cung sản phẩm nhà ở bị sụt giảm mạnh, nhất là phân khúc nhà ở thương mại có giá vừa túi tiền và nhà ở xã hội. Giá nhà tăng cao, trong đó, căn hộ chung cư tăng giá khoảng 15-20% (cá biệt, có dự án nhà ở tại quận 9 có mức giá bán căn hộ tăng đến 39%) so với năm 2018. Do vậy, số đông người có thu nhập trung bình, người có thu nhập thấp, đặc biệt là các cặp vợ chồng trẻ, mới lập nghiệp khó tạo lập nhà ở hơn.