TPHCM: Doanh thu du lịch 6 tháng đầu năm tăng 62,7% so với cùng kỳ 2022

Phước Long
08/07/2023 - 23:51
TPHCM: Doanh thu du lịch 6 tháng đầu năm tăng 62,7% so với cùng kỳ 2022

Ảnh: TTXVN

Mặc dù vẫn còn nhiều khó khăn nhưng 1 trong những điểm sáng trong kết quả phát triển kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm 2023 của TPHCM là tổng doanh thu du lịch ước đạt 80.833 tỷ đồng, tăng 62,7% so với cùng kỳ năm 2022.

Thông tin trên được đề cập tại Hội nghị BCH Đảng bộ TP Hồ Chí Minh lần thứ 21 (khóa XI) diễn ra ngày 8/7.

TPHCM: Doanh thu du lịch 6 tháng đầu năm ước đạt 80.833 tỷ đồng, tăng 62,7% so với cùng kỳ năm 2022 - Ảnh 1.

Hội nghị BCH Đảng bộ TP Hồ Chí Minh lần thứ 21 (khóa XI) diễn ra ngày 8/7

Về kết quả tình hình kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm, Hội nghị thống nhất đánh giá, trong bối cảnh phải đối mặt với rất nhiều khó khăn, thách thức do tình hình chính trị, kinh tế thế giới diễn biến phức tạp, khó lường cùng với những khó khăn nội tại, song nhờ tinh thần đoàn kết, nỗ lực quyết tâm của hệ thống chính trị, các tầng lớp nhân dân và cộng đồng doanh nghiệp từng bước vượt qua khó khăn, giúp thành phố triển khai thực hiện có hiệu quả các giải pháp ngăn chặn đà suy giảm kinh tế, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc; cùng người dân và doanh nghiệp mang lại nhiều kết quả quan trọng.

Một số động lực tăng trưởng kinh tế tiếp tục được cải thiện. Sản xuất công nghiệp sau Quý I đã lấy lại đà phục hồi. Đầu tư công chuyển động mạnh từ Quý II, nhờ khởi công một số dự án lớn (cải tạo kênh Tham Lương - Bến Cát - rạch Nước Lên, Đường vành đai 3, Khánh thành Bệnh viện Ung bướu cơ sở 2…). Nhiều hoạt động văn hóa xã hội, bảo vệ môi trường khởi sắc, được người dân hưởng ứng, tham gia, góp phần nâng cao chất lượng sống của người dân thành phố. Tình hình an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội tiếp tục giữ vững ổn định.

TPHCM: Doanh thu du lịch 6 tháng đầu năm ước đạt 80.833 tỷ đồng, tăng 62,7% so với cùng kỳ năm 2022 - Ảnh 2.

Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Văn Nên chào mừng đại biểu về dự Hội nghị

Cụ thể, tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn thành phố (GRDP) ước tăng 3,55% so với cùng kỳ năm 2022. Trong đó, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 2,14%; Khu vực công nghiệp, xây dựng gặp nhiều khó khăn khi chỉ tăng 0,8%; khu vực dịch vụ đóng góp lớn nhất vào mức tăng GRDP khi tăng 4,96%. Riêng 9 ngành dịch vụ chủ yếu của thành phố tăng 4,92%; sản xuất công nghiệp của thành phố từng bước ổn định; Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) trên địa bàn thành phố tăng 1,9% so với cùng kỳ; 4 ngành công nghiệp trọng điểm tăng 4,5% so với cùng kỳ; tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng ước đạt hơn 561 nghìn tỷ đồng, tăng 7,1% so với cùng kỳ. Các Chương trình hợp tác với các địa phương tiếp tục được triển khai hiệu quả, thiết thực.

Đặc biệt, tổng doanh thu du lịch ước đạt 80.833 tỷ đồng, tăng 62,7% so với cùng kỳ năm 2022. Trong đó, khách du lịch nội địa ước đạt 16.415.438 lượt, tăng 48%; khách quốc tế ước đạt 1.941.267 lượt, tăng 306%. Khối lượng vận tải hành khách công cộng ước đạt hợn 190 triệu lượt hành khách, tăng 26% so với cùng kỳ 2022. Số lượng hành khách đi và đến thành phố bằng đường sắt ước tăng 84%; đi và đến tại sân bay Tân Sơn Nhất tăng 76%. Số doanh nghiệp thành lập mới tăng 7,7% (22.463 doanh nghiệp) về số lượng. Tổng thu ngân sách nhà nước ước đạt hơn 227 tỷ đồng, đạt 48,5% dự toán năm và bằng 93,23% so cùng kỳ.

TPHCM: Doanh thu du lịch 6 tháng đầu năm ước đạt 80.833 tỷ đồng, tăng 62,7% so với cùng kỳ năm 2022 - Ảnh 3.

Ngành du lịch là 1 trong những điểm sáng của TPHCM khi tổng doanh thu ước đạt 80.833 tỷ đồng, tăng 62,7% so với cùng kỳ năm 2022

Tuy vậy, Hội nghị cũng nhìn nhận tình hình kinh tế - xã hội thành phố vẫn còn nhiều khó khăn, nhiều vụ việc tồn đọng giải quyết chưa kết thúc, nhiều vướng mắc tháo gỡ chậm, tiến độ giải ngân vốn đầu tư công dự án lớn thì khá, nhưng nhiều dự án nhỏ, đặc biệt là tại các địa phương thì còn chậm; sản xuất công nghiệp và dịch vụ tuy có chuyển biến tích cực nhưng chưa vững chắc; xuất khẩu tiếp tục suy giảm; thu ngân sách nhà nước có xu hướng chậm lại; vấn đề việc làm, người lao động thiếu và mất việc làm ngày càng tăng, ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống.

Về nhiệm vụ, giải pháp 6 tháng cuối năm 2023, Hội nghị thống nhất với 12 nhóm nhiệm vụ, giải pháp. Đáng lưu ý, thành phố sẽ tập trung hỗ trợ phát triển lành mạnh các thị trường tài chính, tiền tệ, bất động sản, hoạt động cung ứng năng lượng, nguyên liệu đầu vào, giữ vững lưu thông hàng hóa, không để gián đoạn chuỗi cung ứng; tăng cường quản lý nhà nước về đất đai, phòng chống buôn lậu, gian lận thương mại, góp phần lành mạnh hóa thị trường, giữ vững an ninh kinh tế và an ninh xã hội.

Bên cạnh đó, toàn hệ thống chính trị của thành phố tập trung triển khai, đưa Nghị quyết số 31 của Bộ Chính trị và Nghị quyết số 98 của Quốc hội vào thực tiễn cuộc sống, xem đây là thời cơ lớn để tháo gỡ các điểm nghẽn, nhanh chóng tạo bước chuyển đột phá trong huy động sức mạnh tổng hợp, khai thác hiệu quả các tiềm năng, lợi thế, vị trí chiến lược, thúc đẩy thành phố phát triển nhanh, bền vững với tinh thần: "Thành phố Hồ Chí Minh vì cả nước, cả nước vì Thành phố Hồ Chí Minh".

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm