TPHCM: Người dân lo lắng khi vật giá leo thang

Đinh Thu Hiền
17/03/2022 - 08:00
TPHCM: Người dân lo lắng khi vật giá leo thang

Người dân sống tại khu nhà trọ Q.8, TPHCM, nhận quà hỗ trợ của mạnh thường quân. Ảnh: Ngọc Thanh

"Nếu giá cả cứ tăng lên như hiện nay, chủ nhà trọ có thể sẽ tăng tiền thuê trọ trong nay mai. Khi đó, chúng tôi chưa biết phải xoay xở cho cuộc sống như thế nào", bà Tâm sống tại khu trọ Q.8 (TPHCM) lo lắng.
Tính toán kỹ lưỡng

Mai sống cùng gia đình trong khu xóm trọ tại Q.Bình Tân. Mai không đi làm, từ khi lấy chồng, cô ở nhà phụ giúp nấu ăn, dọn dẹp nhà cửa cho ba mẹ chồng. Vợ chồng cô có 2 cậu con trai. Việc đưa rước các con tới trường, rồi làm các công việc nội trợ cũng đã hết ngày. Chồng Mai làm trong 1 cơ quan nhà nước, thường xuyên phải đi trực nên toàn bộ việc nhà Mai đảm trách.

Mai kể mỗi tháng có tiền lương từ chồng, cô phải chia đều tiền ăn hàng ngày và tính toán làm sao để đủ chi phí cho suốt tháng. Chính vì vậy, giá cả đồ ăn ngoài chợ cô nắm rất chắc. "Không hiểu sao gần đây món nào cũng tăng. Mới sáng qua, tôi hỏi mua trái thơm (trái dứa), bình thường chỉ có 12 ngàn, nhưng giờ người bán kêu 19 ngàn khiến tôi đã nhấc lên phải bỏ vội xuống", Mai cho biết.

Theo đánh giá của Mai, tất cả các mặt hàng rau, củ đều tăng giá, đặc biệt rau củ từ Đà Lạt chở xuống TPHCM bán. Mỗi ký rau củ cả tuần nay đã tăng 8-10 ngàn đồng.

Không chỉ có Mai than về việc giá cả ngoài chợ tăng, bà Hai sống tại khu Bình Phú, Q.6, cũng thắc mắc khi người xe ôm chở bà hàng ngày ra chợ cũng tăng giá mỗi cuốc xe thêm 15 ngàn đồng, tổng cộng bà phải trả là 30 ngàn đồng/lượt. Bà Hai có sạp hàng bán đủ các đồ tạp hóa ngoài chợ. Bà có mối đi xe ôm hàng ngày 2 lượt sáng chiều cả chục năm nay. "Mỗi năm sau Tết người ta đều tăng giá xe lên chút đỉnh, tôi thấy chấp nhận được, nhưng năm nay bác tài nói xăng tăng giá quá, nếu không tăng giá chạy xe thì ông ấy lỗ vốn", bà Hai cho biết. Vậy là mỗi ngày, bà Hai mất thêm mấy chục ngàn đồng vào tiền đi lại. Bà tính cũng phải tăng các mặt hàng bán khác ở ngoài chợ để bù vào số tiền này. Chưa kể hàng hóa nhập vào cũng bắt đầu rục rịch lên giá 10%.

TPHCM: Người dân lo lắng khi vật giá leo thang - Ảnh 1.

Trẻ em sống tại khu nhà trọ Q.8, TPHCM, nhận quà hỗ trợ của mạnh thường quân

Khó thêm cho người dân

Nếu trước đây, một công ty bán các mặt hàng nam châm trên đường Tên Lửa, Q.Bình Tân,  đều gọi xe công nghệ để giao và nhận hàng, thì khoảng 2 tuần nay, người phụ trách văn phòng phải tự chạy xe mang hàng tới khách. Nếu khách có đổi trả hoặc gửi giấy tờ gì không mang tới được, công ty này cũng lại "tự thân vận động" cho nhân viên đi xe gắn máy tới lấy về.

"Giá của các loại xe công nghệ đã tăng cao rõ rệt, khiến công ty tôi không dám đặt xe như trước, vì sẽ làm tăng chi phí nhiều cho văn phòng. Chúng tôi đóng cửa nhiều tháng thời dịch bệnh, hàng hóa bán cho các cơ sở sản xuất cũng bị chậm lại so với mấy năm trước, vừa Tết xong thì xăng tăng giá lên cao khiến giá vận chuyển cũng bị tác động mạnh. Nếu tính toán không kỹ lưỡng, cứ mỗi thứ tăng một chút cộng lại, thì việc lời lãi chẳng được là bao", bà chủ của công ty cho biết. Để thích ứng với việc tăng giá này, bà mua thẻ xăng xe cho nhân viên văn phòng để hỗ trợ đi lại. Và nhân viên trong văn phòng cũng phải kiêm thêm việc đi giao, nhận hàng. Chuyện này lần đầu tiên phải thực hiện sau cả chục năm công ty mở ra hoạt động.

Cho tới ngày 13/3, giá xăng hiện đã ở mức sát ngưỡng 30 ngàn đồng/lít. Hiện mỗi lít xăng đến tay người tiêu dùng đã phải cộng thêm 10% thuế tiêu thụ đặc biệt, 10% thuế nhập khẩu, 10% thuế giá trị gia tăng, 4 ngàn đồng thuế bảo vệ môi trường. Đó là còn chưa kể 5-8% lợi nhuận định mức, chi phí định mức, chi phí vận chuyển thêm vào.

Dù ở khu vực Đông Nam Á, Việt Nam chưa phải là quốc gia có giá xăng cao nhất (cao nhất là Singapore, kế theo là Thái Lan, Lào), nhưng so với thu nhập trung bình của người dân lao động, thì giá xăng hiện nay trong nước là rất cao, tác động mạnh mẽ tới túi tiền của người dân.

"Ổ bánh mỳ tôi vẫn thường mua 15 ngàn ngoài vỉa hè, bữa nay đã tăng lên 20 ngàn đồng rồi", ông Chinh ở Q.3, cho biết. Công việc làm trong 1 cơ quan hành chính sự nghiệp của ông Chinh mang tới tiền lương mỗi tháng 12 triệu đồng. Vợ ông Chinh cũng có thu nhập tương đương. Tuy nhiên ông cho biết chưa tháng nào vợ chồng ông cảm thấy dư dả vì còn phải nuôi 2 con đang tuổi ăn học và phải trả góp cho ngân hàng mỗi tháng hơn 7,5 triệu tiền mua căn hộ. Giờ vật giá tăng lên, vợ chồng ông Chinh thêm nhiều nỗi lo để sắp xếp chi phí cho cả gia đình.

Những người đang đi thuê nhà trọ thì còn lo lắng hơn nữa vì sợ chủ nhà sẽ tăng giá tiền thuê trong nay mai. Hỏi thăm nhiều người tại khu nhà trọ tại Q.8, đa số đều cho biết mới ra Tết nên việc làm còn chưa ổn định, nhiều cơ sở kinh doanh vẫn đóng cửa từ mùa dịch lần thứ 4 cao điểm tại TPHCM tới nay. "Nếu giá cả cứ tăng lên như hiện nay, chủ nhà trọ có thể sẽ tăng tiền thuê trọ trong nay mai. Khi đó, chúng tôi chưa biết phải xoay xở cho cuộc sống như thế nào", bà Tâm sống tại khu trọ Q.8 lo lắng.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm