Kìm giá xăng dầu để đối tượng dễ tổn thương không khó khăn hơn

PVH
16/03/2022 - 11:46
Kìm giá xăng dầu để đối tượng dễ tổn thương không khó khăn hơn

Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên trả lời chất vấn.

Chia sẻ tại phiên chất vấn sáng 16/3, Trưởng ngành Công Thương cho biết, để kìm giá xăng dầu, giữ chỉ số CPI, giúp đối tượng dễ tổn thương không khó khăn hơn, các bộ ngành sẽ đề nghị sử dụng các quỹ an sinh xã hội để hỗ trợ đối tượng yếu thế.

Có "găm hàng" xăng dầu từ tuyến vĩ mô đến đại lý?

Trả lời chất vấn sáng 16/3, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên cho biết, qua thanh tra có 16.800 cửa hàng bán lẻ xăng dầu thì có 211 cửa hàng có hiện tượng đóng cửa, trong đó phần lớn đóng cửa do sự cố kỹ thuật.

Tiếp tục phiên chất vấn sáng 16/3, ĐBQH Phạm Văn Hòa (đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Tháp) nêu thực tế có các đại lý xăng dầu cho biết, do nguồn cung của nhà điều hành ở cấp vĩ mô không đưa xuống, nên đại lý không có hàng để bán. Đề nghị Bộ trưởng cho biết có hay không việc "găm hàng" xăng dầu từ tuyến vĩ mô chứ không chỉ đại lý?

Trả lời đại biểu, ông Nguyễn Hồng Diên, Bộ trưởng Bộ Công Thương, cho biết: Thời gian qua, thanh tra 16.800 cửa hàng bán lẻ xăng dầu, có 211 cửa hàng có hiện tượng đóng cửa, nhưng "trong đó phần lớn đóng cửa do sự cố kỹ thuật".

Về việc có hàng hay không, "truy đến cùng thì các cửa hàng này nhận xăng dầu từ Nhà máy Lọc hóa dầu Nghi Sơn. Nhà máy này dừng đột ngột thì các cửa hàng này cũng không dễ nhận xăng dầu từ các đơn vị cung cấp khác", ông Diên nói.

Ông Nguyễn Hồng Diên khẳng định "không có hiện tượng găm hàng xăng dầu" từ vĩ mô như đại biểu phản ánh.

Theo ông Nguyễn Hồng Diên, Bộ Công Thương đã chỉ đạo kịp thời chia sẻ nguồn cung từ các nhà cung ứng sử dụng hàng nhập của các đơn vị cung ứng khác. Đồng thời, tiến hành thanh kiểm tra 33 đơn vị nhập khẩu xăng dầu. Đến nay đã có kết quả bước đầu, song "chưa có đủ căn cứ, dữ liệu, thực hiện đủ các quy trình nên chưa báo cáo cụ thể được". Nhưng tinh thần chung là "nếu phát hiện doanh nghiệp đầu mối nào không thực hiện đúng chức năng sẽ xử lý theo quy định pháp luật, mà hình thức xử phạt cao nhất là rút giấy phép kinh doanh".

Kìm giá xăng dầu để đối tượng dễ tổn thương không khó khăn hơn - Ảnh 2.

ĐBQH Phạm Văn Hòa (đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Tháp) đặt câu hỏi chất vấn

Ghìm giá xăng dầu để đối tượng dễ tổn thương không khó khăn hơn

Bên cạnh đó, nhiều đại biểu nêu chất vấn về Quỹ Bình ổn giá xăng dầu, biên độ giá xăng dầu biến động thời gian qua và quản lý số lượng xăng dầu đưa ra thị trường trong nước, giá cả trên thị trường?

Ông Nguyễn Hồng Diên, Bộ trưởng Bộ Công Thương, cho biết: Trong thời gian qua, Bộ Công thương cùng với Bộ Tài chính, theo chức năng, nhiệm vụ của mình, đã sử dụng linh hoạt Quỹ Bình ổn giá xăng dầu. Khẳng định "nếu không trích từ Quỹ này từ 500 đến 1.500 đồng/lít trong một kỳ điều hành thì không thể có giá thấp hơn giá thế giới", Bộ trưởng lý giải, vì "thị trường trong nước và thị trường thế giới như bình thông nhau, để giảm biên độ biến động giá xăng dầu thời gian qua là nhờ Quỹ Bình ổn giá xăng dầu".

Theo Bộ trưởng Bộ Công Thương, việc duy trì Quỹ bình ổn xăng dầu là vô cùng quan trọng, nhưng quỹ này có hạn, hiện còn khoảng trên dưới 600 nghìn tỷ đồng, trong khi đó có doanh nghiệp nhập khẩu âm quỹ này rất lớn. "Khi âm quỹ thì phải chấp nhận ghi nợ để sau này khi giá xăng dầu xuống lại tiếp tục trích lập, khi khó khăn phải bỏ ra dùng như câu nói của người xưa tích cốc phòng cơ".

Bộ trưởng Bộ Công Thương cho biết, "hiện hai Bộ đã đề nghị Chính phủ và Chính phủ cũng đã xây dựng dự thảo Nghị quyết đề xuất Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc giảm thuế bảo vệ môi trường. Nhưng nếu khi giá thế giới tăng cao sẽ tiếp tục sử dụng các loại thuế, phí khác. Hết công cụ thuế, phí mà vẫn không ổn, trong khi giá thế giới cao thì giá trong nước cũng sẽ tăng cao".

Tuy nhiên, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cũng nêu rõ, "để kìm giá, giữ chỉ số CPI, đối tượng dễ tổn thương không khó khăn hơn, thì các bộ ngành, cơ quan hữu quan sẽ đề nghị Chính phủ sử dụng các quỹ an sinh xã hội hỗ trợ từ ngân sách để hỗ trợ đối tượng yếu thế, với doanh nghiệp sử dụng nhiều xăng dầu".

Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên cho biết: Việt Nam hiện có hai nhà máy lọc dầu lớn là Bình Sơn và Nghi Sơn. Nhà máy Bình Sơn do Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) đầu tư hoạt động ổn định, công suất cung cấp 30-35% tổng lượng xăng dầu trong nước. Nghi Sơn là nhà máy liên doanh với đối tác nước ngoài thì hoạt động không hiệu quả.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm