TPHCM sẽ làm gì để kéo giảm ca nhiễm Covid-19 trong khu phong tỏa?

Đình Hưng
23/07/2021 - 17:25
TPHCM sẽ làm gì để kéo giảm ca nhiễm Covid-19 trong khu phong tỏa?

Khu vực cách ly trên địa bàn quận 1, TPHCM - Ảnh: Đình Hưng

Mặc dù TPHCM đã cố gắng kiểm soát tình hình dịch trên địa bàn nhưng số ca nhiễm vẫn còn tăng cao, đa số là tại các khu phong tỏa. Điều này cho thấy việc quản lý tại các khu phong tỏa còn chưa chặt chẽ, bộc lộ một số hạn chế.

Chiều 23/7, TPHCM tổ chức hội nghị sơ kết 15 ngày thực hiện cách ly xã hội toàn thành phố theo Chỉ thị số 16 của Thủ tướng Chính phủ.

Từ 9/7, trung bình mỗi ngày phát hiện 2.780 ca bệnh

Tại hội nghị, ông Dương Anh Đức - Phó chủ tịch UBND TPHCM cho biết, hiện nay tình hình dịch bệnh tại thành phố vẫn còn diễn biến rất phức tạp. Số ca nhiễm cộng đồng của thành phố từ ngày 27/4 đến nay là 46.178 trường hợp; trong đó từ ngày 9/7 đến 6h ngày 23/7 có 40.255 ca nhiễm phát hiện qua ghi nhận của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật thành phố.

Từ ngày 9/7 đến nay, trung bình mỗi ngày phát hiện 2.780 ca bệnh; các ca nhiễm hiện hay được ghi nhận phần lớn là tại khu cách ly, khu phong tỏa; số ca khi tầm soát cộng đồng, mở rộng khu vực xét nghiệm, sàng lọc tại bệnh viện, cơ sở khám, chữa bệnh vẫn ở mức thấp.

Hiện thành phố đang điều trị 36.569 trường hợp dương tính mới, trong đó có 562 bệnh nhân nặng đang thở máy và 10  bệnh nhân can thiệp ECMO, có 441 trường hợp tử vong. Trong ngày 22/7, có 2.046 bệnh nhân xuất viện.

TPHCM sẽ làm gì để kéo giảm ca nhiễm Covid-19 trong khu phong tỏa? - Ảnh 1.

Hội nghị sơ kết 15 ngày thực hiện cách ly xã hội toàn TPHCM theo Chỉ thị số 16 - Ảnh: TTBC

Theo Phó Chủ tịch UBND TPHCM, qua 15 ngày triển khai thực hiện Chỉ thị 16, thành phố đã nhận được sự ủng hộ rất lớn của nhân dân, thông qua nhiều kênh thông tin phản ánh đã cho thấy hầu hết người dân đã và đang hoàn toàn ủng hộ với những quyết sách và phương thức chống dịch mà các ngành, các cấp đang triển khai.

Tuy nhiên, mặc dù thành phố đã cố gắng kiểm soát tình hình dịch trên địa bàn nhưng số ca nhiễm vẫn còn tăng cao; đa số là tại các khu phong tỏa, cho thấy việc quản lý tại các khu phong tỏa còn chưa chặt chẽ, bộc lộ một số hạn chế.

Việc triển khai các giải pháp theo Chỉ thị 16 có nơi có lúc chưa hiệu quả, thống nhất, chưa đủ mạnh trước tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp trên địa bàn thành phố.

Không để xảy ra lây nhiễm chéo trong khu phong tỏa bằng cách nào?

Phó Chủ tịch UBND TPHCM Dương Anh Đức cho biết, sẽ siết chặt công tác quản lý khu phong tỏa với mục tiêu tiên quyết là không để xảy ra lây nhiễm chéo. Cụ thể, thực hiện khoanh vùng khu phong tỏa phù hợp đáp ứng các tiêu chí về dịch tễ; hàng ngày theo dõi số lượng F0 phát sinh mới tại từng khu phong tỏa, qua đó kịp thời phát hiện nguy cơ lây nhiễm chéo trong khu phong tỏa và có giải pháp khắc phục ngay.

Bên cạnh đó, đánh giá tình hình khu phong tỏa định kỳ để kịp thời gỡ phong tỏa từng phần, từ đó sẽ giảm thiểu áp lực về tâm lý cho người dân và sức lực của các lực lượng quản lý phong tỏa.

TPHCM sẽ làm gì để kéo giảm ca nhiễm Covid-19 trong khu phong tỏa? - Ảnh 2.

Một khu vực bị phong tỏa trên địa bàn quận 3, TPHCM - Ảnh: Đình Hưng

Thành phố cũng yêu cầu các địa phương phải thật quyết liệt; tăng cường kiểm tra, giám sát, đôn đốc thực hiện nghiêm các quy định về giãn cách, nhất là việc bảo đảm giãn cách giữa cá nhân với cá nhân; gia đình với gia đình; thực hiện nghiêm yêu cầu, quy định cách ly, phong tỏa "nhà cách ly với nhà, người cách ly với người".

Ngoài ra, các địa phương tăng cường công tác tuần tra, kiểm tra, kiểm soát trong khu phong tỏa với sự tham gia của lực lượng công an, quân đội, thanh niên xung phong; phát huy vai trò của đoàn viên, hội viên các đoàn thể chính trị xã hội, hoạt động của Tổ giám sát và tuyên truyền phòng, chống Covid-19 tại cộng đồng tham gia kiểm soát chặt chẽ khu phong tỏa.

Trường hợp vi phạm thì phải xử lý thật nghiêm; nơi nào vẫn để tiếp diễn tình trạng tụ tập, vi phạm giãn cách dẫn đến lây nhiễm thì sẽ xử lý trách nhiệm người đứng đầu địa phương nơi đó.

Hướng dẫn cụ thể việc thực hiện cách ly tại nhà đối với F1 và F0 không có triệu chứng, lên phương án, phân công cán bộ phụ trách, ứng dụng công nghệ thông tin để có sự quản lý, theo dõi, kiểm tra, giám sát phù hợp.

Thành phố cũng khắc phục vướng mắc hiện nay trong việc phối hợp điều chuyển F0, F1 trong quá trình cách ly và điều trị. Theo đó, hướng dẫn rõ công tác vận chuyển, phối hợp giữa các khu cách ly và bệnh viện điều trị khi "F1 chuyển thành F0" và "F0 không triệu chứng thành F0 có triệu chứng nặng". 

* Bài tuyên truyền thực hiện Nghị quyết 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm