TPHCM: Tăng cường các giải pháp hỗ trợ, phòng chống bạo lực, xâm hại trẻ em

Thanh Vũ
15/06/2020 - 19:28
TPHCM: Tăng cường các giải pháp hỗ trợ, phòng chống bạo lực, xâm hại trẻ em

Ảnh minh họa

Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban nhân dân TPHCM Lê Thanh Liêm vừa ký quyết định ban hành Quy trình phối hợp hỗ trợ, can thiệp, xử lý đối với các trường hợp trẻ em bị bạo lực, xâm hại, xâm hại tình dục trên địa bàn thành phố.

Mọi cơ quan, tổ chức, cá nhân đều phải có trách nhiệm thông báo ngay cho Ủy ban nhân dân hay Công an xã, phường, thị trấn nơi xảy ra vụ việc hoặc nơi trẻ em cư trú khi phát hiện hoặc có thông tin về trường hợp trẻ bị bạo lực, xâm hại, xâm hại tình dục; hoặc qua Tổng đài tư vấn và hỗ trợ trẻ em 111, 113, 1900.54.55.59; 1800.90.69, cơ quan Lao động-Thương binh và Xã hội các cấp.

Phó Chủ tịch Thường trực Lê Thanh Liêm lưu ý việc hỗ trợ, can thiệp, xử lý đối với các trường hợp trẻ em bị bạo lực, xâm hại, xâm hại tình dục phải đảm bảo tính kịp thời, nhanh chóng, phù hợp, vì quyền và lợi ích tốt nhất của trẻ em.

Cụ thể, trong vòng 2 giờ kể từ thời điểm tiếp nhận thông tin vụ việc, người làm công tác bảo vệ trẻ em phường, xã, thị trấn phải báo cáo kết quả kiểm tra, xử lý tính xác thực của thông tin cho Chủ tịch Ủy ban nhân dân và Trưởng ban Bảo vệ chăm sóc trẻ em phường, xã, thị trấn để phối hợp, triển khai các biện pháp hỗ trợ, can thiệp.

Trong 24 giờ kể từ thời điểm tiếp nhận nạn nhân, bệnh viện, cơ sở y tế cung cấp thông tin bằng văn bản về kết quả khám, điều trị ban đầu của trẻ em cho Ủy ban nhân dân phường, xã, thị trấn. Việc cung cấp thông tin, cung cấp hồ sơ phải đảm bảo chế độ mật.

Trong khoảng thời gian 8 giờ kể từ thời điểm nhận thông báo và hồ sơ của bệnh viện, cơ sở y tế, Chủ tịch Ủy ban nhân dân phường, xã, thị trấn có thẩm quyền gửi kiến nghị khởi tố bằng văn bản kèm theo chứng cứ, tài liệu liên quan đến cơ quan Cảnh sát điều tra Công an quận, huyện để xem xét, xử lý vụ việc có dấu hiệu tội phạm.

Theo Ủy ban nhân dân Thành phố, quy trình phối hợp thực hiện bao gồm 6 bước: tiếp nhận và phối hợp xử lý thông tin; đánh giá ban đầu mức độ tổn hại của trẻ em; thực hiện các biện pháp bảo đảm an toàn tạm thời cho trẻ em trong trường hợp đặc biệt. Đồng thời, xác định nhu cầu cần hỗ trợ, can thiệp của trẻ em; xây dựng, phê duyệt kế hoạch hỗ trợ, can thiệp; thực hiện kế hoạch hỗ trợ, can thiệp; rà soát, đánh giá sau khi thực hiện kế hoạch hỗ trợ, can thiệp.

Về trách nhiệm của các cơ quan tổ chức, Ủy ban nhân dân Thành phố giao Sở Lao động-Thương binh và Xã hội chỉ đạo hệ thống ngành dọc triển khai thực hiện và đảm bảo công tác phối hợp với các đơn vị liên quan khi được yêu cầu; là đầu mối hướng dẫn chuyên môn, phối hợp với các cơ quan, tổ chức liên quan hỗ trợ giải quyết các trường hợp nghiêm trọng và vượt quá khả năng giải quyết của địa phương.

Sở Lao động-Thương binh và Xã hội phát huy vai trò của các điểm tư vấn cộng đồng, đường dây nóng trong việc hỗ trợ, can thiệp các trường hợp trẻ em bị bạo lực, xâm hại, xâm hại tình dục. Đồng thời, tăng cường hoạt động kết nối cung cấp dịch vụ hỗ trợ trẻ em bị bạo lực, xâm hại, xâm hại tình dục; phối hợp với các cơ quan, tổ chức và cá nhân liên quan phát triển các loại hình dịch vụ bảo vệ trẻ em nhằm đáp ứng nhu cầu cần can thiệp trong các trường hợp khẩn cấp.

Ngoài ra, Ủy ban nhân dân Thành phố giao các ngành Công an, Sở Y tế, Sở Tư pháp, Sở Giáo dục và Đào tạo, Sở Thông tin-Truyền thông, Sở Tài chính, Trung tâm pháp y Thành phố cùng Ủy ban Nhân dân các quận, huyện, phường, xã, thị trấn tăng cường công tác phối hợp, thực hiện nghiêm nhiệm vụ chuyên môn, đẩy mạnh công tác tuyên truyền; đồng thời hỗ trợ, tạo điều kiện tốt nhất cho trẻ là nạn nhân của bạo lực, xâm hại, xâm hại tình dục, hướng đến vì quyền và lợi ích tốt nhất của trẻ em.

(TTXVN/Vietnam+)

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm