'Trái tim hồng' thắp lửa đam mê cho chị em khuyết tật

08/10/2019 - 14:20
Dù không lành lặn như bao người khác nhưng chị Đinh Thị Quỳnh Nga luôn nỗ lực hết mình để xây dựng hợp tác xã (HTX) Thủ công mỹ nghệ Trái tim hồng trở thành ngôi nhà chung, tạo dựng cơ hội cho nhiều chị em cùng cảnh ngộ có thêm nghị lực để sống và kinh doanh.
Những chai tinh dầu hoa hồng trong vắt, tỏa hương thơm ngát của chị Đinh Thị Quỳnh Nga là sản phẩm đã gây ấn tượng mạnh với các khách mời tham dự Ngày hội ý tưởng khởi nghiệp nông nghiệp dành cho Phụ nữ dân tộc thiểu số và Phụ nữ khuyết tật, do Chính phủ Australia tài trợ – thông qua Quỹ hỗ trợ Cựu sinh viên Australia được quản lý bởi Chương trình Úc cùng Việt Nam Phát triển Nguồn nhân lực (Aus4Skills). 
 
Chị Quỳnh Nga giới thiệu về sản phẩm tinh dầu hoa hồng tại Ngày hội ý tưởng khởi nghiệp nông nghiệp dành cho Phụ nữ dân tộc thiểu số và Phụ nữ khuyết tật

 

Chị Quỳnh Nga lấp lánh niềm vui trong ánh mắt khi giới thiệu về sản phẩm này. Đây là những chai tinh dầu được chị và các chị em phụ nữ khuyết tật trong HTX sản xuất ra từ những những bông hoa hồng được trồng tại chính Sóc Sơn quê hương mình. Hoa được trồng theo phương pháp hữu cơ, không sử dụng các loại hóa chất, thuốc trừ sâu…, nên có mùi thơm hơn, chất lượng đảm bảo và an toàn cho sức khỏe.
 
Không chỉ sản xuất tinh dầu hoa hồng, HTX Thủ công mỹ nghệ Trái tim hồng của chị Nga còn sản xuất hơn chục mặt hàng thủ công mỹ nghệ, gồm chiếu gỗ hương, đệm lót văn phòng, gối đầu massage, túi xách mỹ nghệ, vòng đeo tay, dây đeo cổ… tạo sinh kế cho người khuyết tật.
 
Vượt lên hoàn cảnh
 
Chị Quỳnh Nga ôn lại câu chuyện của mấy chục năm về trước. 6 tháng tuổi, cô bé Nga đã bị khuyết tật liệt mềm chân trái từ hông xuống. Chân teo, bé ngắn hơn chân phải nên đi lại rất khó khăn, gia đình nghèo, lại đông con, nên chị luôn nung nấu quyết tâm: Phải học, vì chỉ có học mới giúp mình thay đổi số phận, để không là gánh nặng cho gia đình và xã hội.
 
Song song với việc học, vì không muốn thua kém bạn bè nên chị Nga đã tìm mọi cách buôn bán để kiếm tiền ăn học. “8 tuổi tôi đã biết bán nước rong ở chợ, sau này là học nghề làm hoa cưới. Ngày nào tôi cũng xuống chợ hoa từ 3 giờ sáng để lấy hoa về làm cho khách, buôn tận gốc bán tận ngọn, lãi xuất từ đó tăng dần nên tôi rất ham và rất thích thú với nghề làm hoa cưới”, chị Nga chia sẻ thêm.
 
"Được sống, được làm việc với mỗi người đã là hạnh phúc, đặc biệt với những người khuyết tật, hạnh phúc đó còn lớn gấp bội phần", Chị Nga chia sẻ

 

Khi tốt nghiệp ngành sư phạm mỹ thuật, Trường Cao đẳng Sư phạm Hà Nội, hăm hở đi xin việc làm, nhưng đến đâu chị Nga cũng chỉ nhận nhận được những cái lắc đầu từ chối, vì khiếm khuyết cơ thể của mình. Xoay xở với những công việc làm thêm để trang trải cuộc sống, rồi chị Nga trúng tuyển kỳ thi công chức và trở thành giáo viên mỹ thuật của Trường Nuôi dưỡng và Giáo dục trẻ em tàn tật huyện Sóc Sơn.

 

Hàng ngày tiếp xúc với các em bị khuyết tật, chứng kiến hoàn cảnh khó khăn và những vất vả của các em khi tìm việc làm sau khi học xong… đã thôi thúc chị phải làm được điều gì đó để truyền cho các em nghị lực sống, khát khao được làm việc. Hơn bao giờ, chị mong được cống hiến, để thấy rằng sự tồn tại của mình vẫn có ý nghĩa với cuộc đời, mà trước hết là với bản thân, gia đình và cộng đồng. 

 
Năm 2009, chị Quỳnh Nga lập nhóm “Trái tim hồng” để tập hợp các bạn khuyết tật đã ra trường trên địa bàn làm công việc in, hoa khô, tranh sơn dầu và các mặt hàng thủ công mỹ nghệ khác. Đến năn 2015, HTX Thủ công Mỹ nghệ Trái tim hồng chính thức ra đời, mở rộng tổ chức sản xuất, kinh doanh nhiều mặt hàng thủ công mỹ nghệ, thu hút nhiều người khuyết tật đến làm việc hơn, và trở thành một tổ chức kinh tế do chính người khuyết tật Sóc Sơn làm chủ.
 
Thắp lửa đam mê khởi nghiệp cho chị em khuyết tật 
 
HTX Thủ công mỹ nghệ Trái tim hồng hiện có 28 thành viên, trong đó 70% là người khuyết tật nhưng chúng tôi luôn cố gắng làm việc để khẳng định giá trị của bản thân không thua kém người khác, chị Nga chia sẻ.
 
HTX Thủ công mỹ nghệ Trái tim hồng sản xuất hơn chục mặt hàng thủ công mỹ nghệ tạo sinh kế cho người khuyết tật.

 

Cũng như nhiều đơn vị kinh doanh khác, HTX phải đối diện với rất nhiều khó khăn, từ vấn đề đa dạng hóa sản phẩm, nâng cao sức cạnh tranh trên thị trường, đến tìm đầu ra cho sản phẩm… Để giới thiệu sản phẩm của HTX, các thành viên luôn tận dụng các cơ hội tham gia triển lãm hội chợ trưng bày, giới thiệu và bán các mặt hàng thủ công mỹ nghệ lớn, tìm kiếm sự giúp đỡ của các tổ chức trong nước và quốc tế để có thêm nguồn vốn đầu tư mở rộng sản xuất.
 
Nhưng điều quan trọng, cốt lõi để HTX Thủ công mỹ nghệ Trái tim hồng khẳng định mình chính là chất lượng sản phẩm. Các sản phẩm thủ công mỹ nghệ, gồm chiếu gỗ hương, khoác ghế ô tô, đệm lót văn phòng, gối đầu massage, túi xách mỹ nghệ, vòng đeo tay, dây đeo cổ, trà hoa, tinh dầu hoa hồng… đều được làm với chất lượng tốt, nên được thị trường đón nhận. 
 
Khi được hỏi về bí quyết khởi nghiệp của mình, chị Quỳnh Nga chỉ cười: “Tôi không có bí quyết gì ngoài sự chân thành, sẻ chia và sự nỗ lực của chính bản thân mình. Tôi tự nhận thấy, mình cứ say sưa làm việc, làm thật tốt, phát huy hết khả năng của mình và không ngừng động viên, khuyến khích các thành viên trong HTX nỗ lực vượt lên hoàn cảnh chính là đã truyền cho họ cảm hứng và tạo động lực để họ lao động, sáng tạo. Được sống, được làm việc với mỗi người đã là hạnh phúc, đặc biệt với những người khuyết tật, hạnh phúc đó còn lớn gấp bội phần”.

 

Bí quyết thành công của chị Đinh Thị Quỳnh Nga:

- Quyết không nản lòng và bỏ cuộc trước những khó khăn, thử thách

- Kiên trì dẫn dắt và truyền cảm hứng cho các thành viên HTX để HTX ngày một phát triển, nâng cao tay nghề, mở rộng quy mô sản xuất, tạo nhiều công ăn việc làm cho người khuyết tật ở địa phương.

- Với các chị em khuyết tật, hãy nhìn vào thành công của người khác khác để dám bước ra, làm một điều gì đó cho chính bản thân mình.

- Nếu đã thành công, hãy trở thành chỗ dựa cho người khác bước tiếp.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm