"Trạm dừng chân" nghĩa tình cho bệnh nhân ung thư

Bài, ảnh: Phạm Thương
18/12/2023 - 20:20
"Trạm dừng chân" nghĩa tình cho bệnh nhân ung thư

Không khí đón Noel ở Nhà trọ Thanh Liên miễn phí cho bệnh nhân ung thư

Căn nhà số 460/1 Hoàng Hữu Nam (phường Long Thạnh Mỹ, TP Thủ Đức, TPHCM) hiện là nơi lưu trú của nhiều bệnh nhân mắc bệnh ung thư từ các tỉnh đến TPHCM chữa bệnh. Ở đây, các bệnh nhân chia sẻ với nhau từng cân đường, hộp sữa, cùng động viên nhau vượt qua nỗi đau bệnh tật và nhân lên hơi ấm tình người.

"Từ ngày làm quản gia ở đây, tôi thấy mình khỏe ra"

Nhà ở miễn phí cho bệnh nhân ung thư ở số 460/1 Hoàng Hữu Nam còn có tên gọi khác là "Nhà trọ Thanh Liên", cách Bệnh viện Ung bướu 2 (TP Thủ Đức) khoảng 200m. Đây là nơi lưu trú, cung cấp suất ăn miễn phí cho các bệnh nhân đang chiến đấu với căn bệnh ung thư. Những bệnh nhân được nhận tạm trú ở đây thường là hộ nghèo, cận nghèo, bệnh nhân có chi phí điều trị lâu dài, bệnh án nặng.

Cô Nguyễn Thị Năm (52 tuổi, quê ở Gia Lai) đang đảm nhận vai trò quản lý nhà trọ này, cho biết, nhà trọ được Quỹ Thanh Liên do một nhóm thiện nguyện thành lập từ sau dịch Covid-19. Nhà có 4 phòng, kê được 8 cái giường tầng. Hiện nay, nhà trọ có 20 bệnh nhân đang lưu trú tạm thời trong thời gian chờ đợi điều trị bệnh. Nhà có chỗ nấu ăn, có máy nấu sữa hạt (đậu xanh, đậu nành, đậu đỏ...) phục vụ bệnh nhân không ăn được đồ ăn khô. Thời gian cao điểm, nhà trọ đón 25 người bệnh và thân nhân.

Cô Năm cho biết, kể từ khi chồng mất, cô ở vậy nuôi 2 con gái ăn học. Sau khi phát hiện mình bị ung thư vú giai đoạn cuối, cô phải bán hết nhà cửa, đất đai để có tiền chữa bệnh. Cách đây 3 năm, cô vào TPHCM chữa bệnh và cơ duyên đã đưa cô đến với khu nhà trọ này. Từ đó, cô Năm ở lại để phụ giúp nhà trọ. 

"Bệnh nhân vô đây ở toàn bệnh nặng lắm rồi. Tôi cũng bị bệnh nhưng có khi đi chăm sóc mấy người mổ ở bệnh viện cả đêm. Công việc của tôi ở đây là quán xuyến mọi việc, từ bếp núc, đi chợ cho đến "xét duyệt" hồ sơ nhận người vô ở. Tôi vô đây cũng ung thư vú giai đoạn cuối rồi nhưng từ ngày làm "quản gia" ở đây, tôi thấy mình khỏe ra. Bác sĩ bảo bệnh của tôi có tiến triển tốt. Tôi ở đây còn có thêm "nhiệm vụ" là truyền cảm hứng về sự lạc quan, yêu đời cho những người ở trọ. Chị em nói chuyện, tâm sự để cùng nhau vượt qua bệnh tật. Người ở lâu thì 2-3 tháng, người ở nhanh thì vài hôm, tùy theo lịch điều trị ở bệnh viện. Cứ thế, nhà trọ chúng tôi đón rất nhiều lượt người. Có người điều trị hợp thuốc thì sống tiếp nhưng cũng có nhiều người về quê và đã mất", cô Năm chia sẻ.

Cô Nguyễn Thị Năm (bên trái) cùng một người ở Nhà trọ Thanh Liên

Cô Nguyễn Thị Năm (trái) cùng một người ở Nhà trọ Thanh Liên

Chia đều mong ước cho những người đồng cảnh

Cô Nguyễn Thị Bé Năm, quê ở Bến Tre, mắc bệnh ung thư trực tràng giai đoạn cuối lên TPHCM chữa bệnh. May mắn được người quen giới thiệu về ở nhà trọ, cô Năm giảm bớt áp lực chi phí. "Lúc trước, tôi cứ đi lên bệnh viện rồi lại về quê, tốn kém lắm. Tôi ở nhà một mình cũng buồn. Khi lên đây, tôi thấy người ra, người vô đồng cảnh với mình nên đỡ buồn. Tôi cũng phụ cô Năm Gia Lai nấu nướng, dọn dẹp nhưng thời gian gần đây bệnh trở nặng. Cơ thể tôi đau nhức dữ lắm, tôi phải thường xuyên uống thuốc giảm đau".

Chị Đoàn Thị Nga (ở Cam Ranh, Khánh Hòa) đang ở trọ tại đây bộc bạch: "Tôi mắc bệnh ung thư vú, hoàn cảnh gia đình khó khăn nên tôi rất lo lắng về khoản tiền ăn ở trong thành phố đắt đỏ này. Cũng nhờ có nhà trọ Thanh Liên mà tôi bớt được một khoản chi phí và dành tiền đó mua thuốc. Tôi cảm thấy vô đây mình bớt u sầu, mọi người tiếp thêm cho nhau niềm tin, nghị lực để vững vàng bước tiếp".

Dẫu mang trong mình căn bệnh quái ác nhưng khi được hỏi về mong muốn của mình, cô Năm vẫn chia đều điều ước cho tất cả mọi người ở đây: "Tôi mong muốn mọi người bớt bệnh và về nhà, để phòng trống cho những người khác cần. Ở đây ai cũng khổ, nhiều người còn không có tiền chữa trị. Có nhiều người nghèo đến nỗi không có tiền ăn nên tôi còn đùm gạo, đùm đồ ăn cho mang về quê. Tôi mong có thêm người chung tay duy trì nhà trọ này, cùng giúp đỡ kịp thời những số phận thiệt thòi".

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm