"Tránh bầu hộ, bầu thay để đảm bảo quyền dân chủ trực tiếp của mỗi cử tri"

Nhật Lam
21/05/2021 - 18:17
"Tránh bầu hộ, bầu thay để đảm bảo quyền dân chủ trực tiếp của mỗi cử tri"

Trưởng ban Công tác đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Thanh phát biểu tại cuộc họp báo chiều 21/5 về chuẩn bị công tác bầu cử

Đó là khẳng định của bà Nguyễn Thị Thanh, Ủy viên Hội đồng Bầu cử Quốc gia, Trưởng ban Công tác đại biểu của Quốc hội, khi nói về tình trạng bầu hộ, bầu thay, trong bối cảnh ngày bầu cử đang đến rất gần.

Trao đổi tại cuộc họp báo chiều nay (21/5) về chuẩn bị công tác bầu cử sẽ diễn ra vào ngày 23/5 tới, Trưởng ban Công tác đại biểu của Quốc hội Nguyễn Thị Thanh nhìn nhận, một trong những câu chuyện rất thời sự hiện nay là làm thế nào để tránh tình trạng bầu hộ, bầu thay.

Theo bà Nguyễn Thị Thanh, đặc biệt ở một số tỉnh vùng sâu vùng xa, người dân đi lại khó khăn, tình trạng này vẫn diễn ra phổ biến.

Trưởng ban Công tác đại biểu của Quốc hội cho hay, mục tiêu của bầu cử là thực hiện nguyên tắc phổ thông, trực tiếp và bình đẳng. Việc đi bầu là quyền và nghĩa vụ của mỗi cử tri. 

"Việc trực tiếp đi bầu cử thể hiện quyền dân chủ trực tiếp, tự tay mình bỏ phiếu bầu người thay mặt mình tham gia cơ quan quyền lực ở Trung ương và địa phương", bà Nguyễn Thị Thanh khẳng định.

Để tránh diễn ra tình trạng này, khi mà ngày hội lớn của cả nước đang đến rất gần, bà Nguyễn Thị Thanh cho biết cần tập trung thực hiện một số biện pháp, trong đó đẩy mạnh tuyên truyền ý thức trách nhiệm của người dân về lá phiếu của mình. Cùng với đó, cần bố trí sắp xếp điều kiện thời gian thuận lợi cho cử tri vào ngày bầu cử sắp tới.

"Ở một số địa phương, cần tuyên truyền sâu rộng để tránh tình trạng người đi bầu hộ, bầu thay, trong đó vai trò của Mặt trận cùng các đoàn thể ở địa phương phải được phát huy hơn nữa", Trưởng ban Công tác đại biểu của Quốc hội đề nghị.

"Tránh bầu cử hộ, bầu cử thay để đảm bảo quyền dân chủ trực tiếp của mỗi cử tri!" - Ảnh 1.

Đồng bào dân tộc thiểu số theo dõi danh sách ứng cử viên. Ảnh minh họa: Tạp chí Đảng Cộng sản

Trước đó, chia sẻ tại cuộc phỏng vấn trực tuyến về bầu cử của báo điện tử Đảng cộng sản Việt Nam, ông Bùi Văn Cường, Tổng Thư ký Quốc hội, Chánh văn phòng Hội đồng Bầu cử Quốc gia, cũng cho rằng, việc bầu hộ, bầu thay (thường diễn ra ở địa bàn vùng sâu, vùng xa) ảnh hưởng không tốt đến kết quả bầu cử, đặc biệt không có lợi cho người ứng cử là nữ.

Theo ông Bùi Văn Cường, trong bầu cử ở một số địa phương, nhất là ở các vùng sâu, vùng xa, người đi bầu hộ, bầu thay (nếu có) chủ yếu là nam giới; tư tưởng "trọng nam, khinh nữ" đã ảnh hưởng, chi phối đến việc bỏ phiếu.

"Vì vậy, cần vận động đông đảo các nữ cử tri đi bầu cử, đồng thời giám sát chặt chẽ tiến trình bầu cử, hạn chế đến mức thấp nhất tình trạng bầu hộ, bầu thay", ông Bùi Văn Cường cho hay.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm