pnvnonline@phunuvietnam.vn
Tránh bị lừa khi đặt phòng khách sạn, homestay trên mạng
Hình minh họa
Du lịch sôi động trở lại, kéo theo làn sóng nhà nhà, người người xách vali lên đường. Không chỉ dịp lễ dài ngày mà những ngày cuối tuần, nhiều khu du lịch như tại khu vực ngoại thành Hà Nội, Tam Đảo, Sa Pa, Vũng Tàu, Đà Lạt... cũng đã bắt đầu kín khách, kéo theo các nhu cầu về dịch vụ, nghỉ dưỡng tăng cao. Từ đó, nhiều chiêu trò lừa đảo chiếm đoạt tiền hoặc dịch vụ không đảm bảo đã xảy ra với du khách khi đặt phòng khách sạn, villa hay homestay tại một số khu du lịch.
Chị N.T.H (Hà Nội) cho biết, chị có nhu cầu đặt phòng nghỉ cho anh chị em trong cơ quan đi chơi dịp cuối tuần. Qua tìm hiểu thông tin đặt phòng trên mạng, chị tìm được căn villa phù hợp cho 16 người lớn và 6 trẻ em, với giá 16 triệu đồng/đêm. Chị H. đồng ý đặt cọc 50% giá trị tiền phòng (trị giá 8 triệu đồng), nhưng người bán luôn lấy lý do để lần lữa không giao mã code cho chị nhận phòng. Sát đến ngày khởi hành, chị đã bị chặn số, không thể liên lạc được với người bán. Đăng thông tin bị lừa đảo khi đặt phòng lên nhóm du lịch trên mạng xã hội, chị mới phát hiện ra, có không ít nạn nhân như mình và chị H. cũng không biết khi nào mới đòi lại được khoản đặt cọc.
Trường hợp của chị H. là một hình thức lừa đảo mà du khách dễ gặp phải khi có nhu cầu đặt phòng nghỉ tại các điểm du lịch dịp cuối tuần hay vào kỳ nghỉ lễ. Mới đây, Công an tỉnh Lâm Đồng cho biết đã nhận được nhiều đơn tố cáo các đối tượng lừa cọc khách sạn, villa, homestay tại Đà Lạt. Các đối tượng thường lợi dụng nhu cầu thuê phòng tăng cao dịp lễ, Tết để đăng các bài giới thiệu cho thuê khách sạn, villa, homestay… trên địa bàn TP Đà Lạt kèm theo hình ảnh, video giới thiệu trên các hội nhóm du lịch.
Khi khách du lịch có nhu cầu thuê, các đối tượng sẽ liên hệ thông qua tin nhắn messenger, zalo để giới thiệu về khách sạn, villa, homestay và các dịch vụ đi kèm mà khách du lịch quan tâm. Thủ đoạn này khiến cho khách du lịch nhầm tưởng đối tượng là chủ của khách sạn, villa, homestay. Để tăng thêm sự tin tưởng cho khách du lịch, các đối tượng còn chụp hình, quay video thậm chí livestream khu nghỉ cho khách xem.
Khi đồng ý giá thuê, các đối tượng yêu cầu thanh toán tiền cọc trước từ 50%, thậm chí 100% giá trị thuê phòng. Sau khi khách đặt cọc, các đối tượng vẫn giữ liên lạc thường xuyên, cho đến gần thời điểm khởi hành của du khách thì bất ngờ cắt đứt liên lạc, chặn số. Lúc này, du khách mới biết mình bị lừa đảo tiền đặt cọc, không có phòng nghỉ đặt tên mình, dù thông tin địa chỉ khách sạn là chính xác.
Cảnh giác để không bị mất tiền oan
Để tránh vị mất tiền oan trước thủ đoạn lừa đảo khi đặt dịch vụ hoặc phòng nghỉ khi đi du lịch, đặc biệt trong các dịp lễ Tết như 30/4 và 1/5 sắp tới, khi có nhu cầu đặt phòng khách sạn, villa, homestay…, bạn nên đặt trực tiếp tại cơ sở của nhà cung cấp dịch vụ.
Nếu đặt qua đại lý, nên sử dụng dịch vụ của các đại lý du lịch, các ứng dụng hay tổ chức, cá nhân uy tín, đã được kiểm chứng. Hạn chế liên hệ đặt phòng thông qua các bài đăng trên các hội nhóm liên quan đến du lịch và cho thuê khách sạn, villa, homestay…
Bạn cũng nên so sánh mức giá chung của người bán và cảnh giác, kiểm chứng kỹ khi đại lý, người bán phòng nghỉ hay dịch vụ du lịch đưa ra những mức giá rẻ hơn mặt bằng chung. Đó có thể là bẫy kẻ lừa đảo đưa ra để thu hút sự quan tâm của những người thích đi du lịch giá rẻ.