Trẻ em bị xâm hại trên internet - nguy cơ hiện hữu

12/12/2017 - 22:39
Theo báo cáo của UNCEF năm 2017, trên thế giới cứ 3 người dùng internet có 1 người là trẻ em. Cùng với việc mở ra cơ hội cho trẻ khuyết tật, trẻ em dân tộc thiểu số thì nguy cơ trẻ bị xâm hại trên internet là rất lớn.
Ngày 12/12, tại Hà Nội, Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) công bố báo cáo Tình hình trẻ em Thế giới 2017 với chủ đề “Trẻ em trong thế giới công nghệ số”.
Tại buổi lễ, ông Youssouf Abdel-Jelil, Trưởng Đại diện UNICEF tại Việt Nam, nói: "Không thể phủ nhận rằng công nghệ số đã thay đổi đời sống và cơ hội sống của thế hệ trẻ nhất. Nếu được tận dụng đúng cách và được tiếp cận phổ quát cho mọi người, công nghệ số có thể là nhân tố tạo nên sự thay đổi cho những trẻ em bị bỏ lại phía sau - đó là trẻ khuyết tật, trẻ em dân tộc thiểu số và trẻ em sống ở các khu vực khó khăn và khó tiếp cận”.
unicef-3a.jpg
Ông Youssouf Abdel-Jelil, Trưởng Đại diện UNICEF tại Việt Nam

Theo ông Youssouf, cần kết nối các em cùng với thế giới của những cơ hội và mang lại cho trẻ những kỹ năng cần thiết để thành công trong một thế giới công nghệ số. Bảo vệ trẻ em trực tuyến không có nghĩa là kiểm soát nhiều hơn việc sử dụng internet mà là bảo vệ sự an toàn của các em. Chính phủ cần phối hợp chặt chẽ với khu vực tư nhân để bảo vệ trẻ em, đặc biệt là những em thiệt thòi nhất khỏi nguy cơ mà trẻ phải đối mặt.

Còn Thứ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Đào Hồng Lan cho biết, theo số liệu thống kê của Microsoft, mỗi ngày có đến 270.000 hình ảnh liên quan đến xâm hại tình dục trẻ em được đưa lên internet. Trước tình hình cấp thiết đó, Việt Nam đã và đang nỗ lực giải quyết vấn đề bạo lực, xâm hại trẻ em nói chung và bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng nói riêng thông qua việc ban hành và thực thi hệ thống pháp luật, chính sách nhằm phòng ngừa, giải quyết tình trạng bạo lực, xâm hại trẻ em… Các luật chuyên ngành về công nghệ thông tin cũng có quy định liên quan đến bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng.

uncef-5a.jpg
Thứ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Đào Hồng Lan phát biểu tại buổi lễ

Bà Đào Hồng Lan nhấn mạnh: “Tôi mong muốn các cơ quan, tổ chức có liên quan cùng hành động để tạo môi trường mạng an toàn cho trẻ em tham gia, sử dụng Internet phục vụ cho việc học tập, nghiên cứu và khơi dậy niềm đam mê học hỏi, sang tạo của các em. Đồng thời, chúng ta cần có những giải pháp cụ thể thực hiện trách nhiệm của mình để bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng. Đặc biệt là hướng dẫn kỹ năng cho trẻ em có thông tin và tham gia vào môi trường mạng được an toàn; bảo vệ bí mật riêng tư cho trẻ em và lấy trẻ em làm trung tâm khi xây dựng chính sách về công nghệ số”.

Báo cáo của UNCEF về tình hình trẻ em thế giới năm 2017 cho biết cứ 3 người sử dụng Internet trên toàn thế giới thì có 1 người là trẻ em nhưng hành động để bảo vệ trẻ khỏi những rủi ro của thế giới kỹ thuật số và tăng khả năng truy cập nội dung trực tuyến an toàn lại rất ít. 
unicef-2.jpg
Internet mang lại cơ hội lớn cho người trẻ nhưng các em cần được hướng dẫn kỹ năng để tham gia môi trường mạng an toàn

Báo cáo lập luận rằng chính phủ và khu vực tư nhân không theo kịp tốc độ thay đổi khiến trẻ em phải đối mặt những rủi ro và nguy hại mới và khiến hàng triệu trẻ em bị thiệt thòi nhất bị bỏ lại phía sau. Hàng triệu trẻ em đang không được hưởng các lợi ích mà công nghệ số mang lại. Khoảng 1/3 thanh thiếu niên trên thế giới, tương đương 346 triệu người không được sử dụng Internet, làm gia tăng sự bất bình đẳng và giảm khả năng của trẻ tham gia vào nền kinh tế ngày càng số hóa.

Theo UNCEF, cần tạo điều kiện cho tất cả trẻ em truy cập vào nguồn tài nguyên trực tuyến chất lượng cao; bảo vệ trẻ em khỏi những tổn hại trực tuyến như lạm dụng, bóc lột, buôn người, bắt nạt trực tuyến và tiếp xúc với các tư liệu không phù hợp; bảo vệ sự riêng tư và danh tính của trẻ em. UNCEF cho rằng, cần dạy kỹ năng công nghệ số để trẻ có thông tin, được tham gia và an toàn trên mạng; nâng cao chuẩn mực và thực tiễn đạo đức giúp bảo vệ và mang lại lợi ích cho trẻ em... 
uncef-4a.jpg
Trưởng Đại diện UNICEF Youssouf Abdel-Jelil cám ơn sự hợp tác tích cực của ông Ngô Việt Khôi - Chuyên gia an toàn thông tin

Kể từ khi chính thức hòa mạng máy tính kết nối toàn cầu năm 1997, Việt Nam đã đạt được những bước tiến ấn tượng với 64 triệu người sử dụng Internet tính đến tháng 6/2017, chiếm 67% dân số. Việt Nam cũng nằm trong số các quốc gia có số người sử dụng Internet cao nhất ở châu Á. Truyền thông xã hội được phổ biến rộng rãi với 64.000.000 người có tài khoản Facebook, trong đó phần đông là trẻ em và thanh thiếu niên.

Một cuộc thăm dò ý kiến ​​toàn cầu với hơn 10.000 thanh thiếu niên trong độ tuổi 18 tại 25 quốc gia do UNICEF thực hiện vào năm 2016 cho thấy 72% thanh thiếu niên Việt Nam ở độ tuổi 15-24 sử dụng  Internet. Thanh niên 18 tuổi ở Việt Nam đề cao sự an toàn trực tuyến và nhận thức được những nguy cơ của internet với 74% tin rằng những người trẻ tuổi có nguy cơ bị lạm dụng tình dục trực tuyến. 
 

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm