Trẻ em New Zealand ngày càng béo phì

N.A
11/11/2020 - 13:34
Trẻ em New Zealand ngày càng béo phì
Nghiên cứu mới đây của trường Imperial College London (Anh) được đăng tải trên tạp chí The Lancet đã chỉ ra rằng, trẻ em New Zealand ngày càng béo phì nhưng lại tăng chiều cao rất ít.

Nghiên cứu đã so sánh 65 triệu trẻ em trong độ tuổi đi học trên 200 quốc gia và vùng lãnh thổ. Công trình nghiên cứu này được thực hiện rất công phu bởi các nhà nghiên cứu đưa ra kết luận dựa theo sự phân tích các xu hướng, dữ liệu về chiều cao, cân nặng và chỉ số khối cơ thể (BMI) của trẻ em từ 5-19 tuổi từ năm 1985 đến 2019.

Các nhà nghiên cứu cho rằng, trẻ em New Zealand nằm trong số những trẻ em không khỏe mạnh nhất trên thế giới. Kết quả phân tích cho thấy, năm 2019, trẻ em sống ở các quần đảo Thái Bình Dương có chỉ số BMI cao nhất trên thế giới vào năm 2019. Chỉ số BMI của trẻ em New Zealand xếp ở phía sau nhưng không kém xa.

Mặc dù vậy, một nhà nghiên cứu chuyên về New Zealand của trường Imperial College London lại tiết lộ rằng, kết quả phân tích này chưa tính đến sự đa dạng sắc tộc ngày càng tăng của dân số trẻ em ở New Zealand nên sẽ có những sự khác biệt so với thực tế.

Các nhà khoa học của trường Imperial College London đã phân tích xu hướng tăng trưởng thể chất của trẻ em và thanh thiếu niên từ hơn 2000 nghiên cứu và tìm thấy sự khác biệt lớn về chiều cao và chỉ số BMI ở trẻ em trong độ tuổi đi học.

Trẻ em New Zealand ngày càng béo phì - Ảnh 1.

Trẻ em New Zealand ngày càng béo phì. Ảnh: stuff.co.nz

Sự khác biệt này bao gồm việc tăng cân không lành mạnh đối nghịch với "sự tăng trưởng chậm" ở nhiều quốc gia, chủ yếu là do thiếu dinh dưỡng đầy đủ và lành mạnh. Các xu hướng tăng trưởng không lành mạnh là tăng quá ít chiều cao nhưng lại tăng cân quá mức. Xu hướng này xảy ra trầm trọng ở các quốc gia bao gồm New Zealand, Hoa Kỳ và Malaysia.

Những thay đổi có hại cho sức khỏe - tăng quá ít chiều cao hoặc quá cân so với chiều cao của trẻ cũng đã xảy ra ở nhiều quốc gia khác nhưng ở mức độ thấp hơn, bao gồm các trẻ em trai và trẻ em gái ở New Zealand và trẻ em trai ở một số quốc đảo thuộc Thái Bình Dương.

Nghiên cứu đã cho thấy, trẻ em New Zealand nằm trong số những người béo phì nhất trong khối các quốc gia thành viên của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD), chỉ đứng sau Hoa Kỳ.

Giáo sư Jim Mann, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Bệnh tiểu đường và Béo phì Edgar New Zealand, thành viên của công trình nghiên cứu, cho biết vấn đề béo phì đã được coi là "đại dịch giết người thầm lặng" và hiện đang gia tăng rất nhanh ở New Zealand.

Ông Mann và các nhà khoa học khác đang kêu gọi các tổ chức hữu quan thực hiện một cuộc khảo sát dinh dưỡng quốc gia tại New Zealand. Giáo sư Mann phát biểu: "New Zealand đã không có một cuộc khảo sát kể từ năm 2002 và vì vậy chúng tôi thực sự không biết người New Zealand đang tiêu thụ những gì, ảnh hưởng như thế nào đến sức khỏe".

Trong khi đó, bà Elaine Rush, Giáo sư danh dự về dinh dưỡng tại Đại học Công nghệ Auckland, nhận xét: "New Zealand đã chứng kiến tỷ lệ thừa cân và tăng trưởng nhanh không thể chấp nhận được ở trẻ em trong những năm gần đây. Điều này liên quan đến các vấn đề nghèo đói, mất an ninh lương thực ở trẻ em người Maori và trẻ em thuộc khu vực Thái Bình Dương, những người sống ở những nơi thiếu thốn một cách không cân đối. Không có thước đo nào về sức khỏe, sự khác biệt về sắc tộc liên quan đến hình dạng và kích thước cơ thể, tình trạng kinh tế xã hội hoặc an ninh lương thực được xét đến trong công trình nghiên cứu này".

Trẻ em New Zealand ngày càng béo phì - Ảnh 2.

Bà Elaine Rush, Giáo sư danh dự về dinh dưỡng tại Đại học Công nghệ Auckland. Ảnh: stuff.co.nz

Theo bà Rush, khi so sánh trẻ em ở cùng một độ tuổi, trẻ em Thái Bình Dương và người Maori nặng hơn trẻ em châu Âu và châu Á về cùng chỉ số khối cơ thể. Tuy nhiên, trẻ em Maori và Thái Bình Dương có ít mỡ và nhiều cơ hơn trẻ em châu Âu và châu Á, cao hơn và trưởng thành sớm hơn trẻ em châu Âu. Ở tuổi 19, có rất ít sự khác biệt về chiều cao.

"Kích thước cơ thể và quỹ đạo tăng trưởng là những thước đo không hoàn hảo về chất lượng dinh dưỡng, lợi thế và rủi ro sức khỏe suốt đời của các nhóm dân bản địa, đa sắc tộc và di cư", bà Rush khẳng định.

Nguồn: Theo stuff.co.nz
Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm