pnvnonline@phunuvietnam.vn
Trong 5 tháng, hơn 2.100 người mắc, 6 người tử vong do ngộ độc thực phẩm
Học sinh bị ngộ độc thực phẩm từ bếp ăn tập thể. Ảnh minh họa
Tại buổi họp báo Chính phủ chiều 1/6, trả lời báo giới về tình trạng ngộ độc thực phẩm xảy ra liên tiếp thời gian qua, ông Đỗ Xuân Tuyên, Thứ trưởng Bộ Y tế, cho biết: So với cùng kỳ năm ngoái, 5 tháng đầu năm 2024, số vụ ngộ độc thực phẩm giảm 10%, số người tử vong giảm 46% với hơn 2.100 người mắc và 6 người tử vong.
Một số vụ ngộ độc xảy ra ở Đồng Nai, Khánh Hòa, Vĩnh Phúc với số lượng người bị lớn. Ngay khi xảy ra các vụ việc, Bộ Y tế đã chỉ đạo các cơ sở y tế địa bàn tập trung cứu chữa, hạn chế thấp nhất bệnh nhân nặng và ca tử vong. Đồng thời, Bộ Y tế chỉ đạo các địa phương đình chỉ ngay cơ sở cung cấp thực phẩm, để tiến hành kiểm tra, đánh giá; cùng với đó truy xuất nguồn gốc, lấy bệnh phẩm xét nghiệm, tìm nguyên nhân gây ra các vụ ngộ độc.
Qua thực tế truy xuất nguồn gốc thực phẩm, ông Đỗ Xuân Tuyên cho biết: một số các cơ sở sản xuất kinh doanh cung cấp lương thực thực phẩm đã được cấp chứng nhận an toàn thực phẩm nhưng vẫn còn hiện tượng thu gom nguyên liệu thực phẩm trôi nổi từ bên ngoài không rõ nguồn gốc, chưa được kiểm soát chặt chẽ. Một số thực phẩm bị nhiễm Salmonella.
Để hạn chế tình trạng ngộ độc thực phẩm, Bộ Y tế tham mưu để cấp địa phương, các cấp, các ngành, các đơn vị thực hiện tốt các văn bản chỉ đạo liên quan; Đặc biệt, hướng dẫn thực hiện 10 khuyến cáo của Tổ chức Y tế Thế giới về bảo đảm an toàn thực phẩm, trong đó có 2 khuyến cáo là chọn thực phẩm sạch và nơi chế biến ăn uống phải đảm bảo vệ sinh.
Sau khi xảy ra các vụ ngộ độc, Bộ Y tế cùng với Bộ NN&PTNT, Bộ Công Thương đã tổ chức ngay Hội nghị trực tuyến với các địa phương để hướng dẫn thực hiện tốt công tác bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm.
Trong đó tập trung vào một 3 nội đung, cụ thể gồm:
Thứ nhất, các địa phương phải kiện toàn Ban Chỉ đạo An toàn vệ sinh thực phẩm, có phân công, phân nhiệm rõ ràng từng thành viên phụ trách lĩnh vực.
Thứ hai, rà soát, điều chỉnh, bổ sung quy chế làm việc của Ban Chỉ đạo để tiếp tục nâng cao năng lực, hiệu quả hoạt động của Ban Chỉ đạo.
Thứ ba là tiếp tục hướng dẫn và chỉ đạo thực hiện Chỉ thị 13 năm 2016 của Thủ tướng Chính phủ, Chỉ thị 17 năm 2020 của Thủ tướng Chính phủ và đặc biệt là Công điện số 44 tháng 4/2024 của Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo về công tác bảo đảm an toàn thực phẩm.
Cùng với đó, triển khai hướng dẫn để bảo đảm công tác quản lý an toàn thực phẩm ở các địa phương. Các địa phương phải kiên quyết không để cơ sở không có giấy đăng ký, bảo đảm an toàn thực phẩm đối với những cơ sở có giấy, không để những cơ sở có giấy mà không đủ điều kiện hoạt động hoặc những cơ sở đáng lẽ phải cấp giấy nhưng chưa được cấp giấy mà vẫn hoạt động…
Tăng cường kiểm tra, giám sát các cơ sở sản xuất, các bếp ăn tập thể. Xử lý vi phạm phải công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng, vừa tuyên truyền vừa có tính chất răn đe.
Đồng thời đề nghị các cơ quan, doanh nghiệp, khu chế xuất, khu công nghiệp không ký hợp đồng với các cơ sở không đủ điều kiện bảo đảm an toàn thực phẩm. Vì hiện nay, bếp ăn tập thể tại các đơn vị còn có loại hình khác là ký hợp đồng với các đơn vị cung cấp để mang thực phẩm từ ngoài vào.