Trồng cây măng tây, người phụ nữ dân tộc Dao đã thoát nghèo

PV
02/11/2022 - 13:43
Trồng cây măng tây, người phụ nữ dân tộc Dao đã thoát nghèo

Chị Mùi Chảo Phẩy chăm sóc cho đàn lợn của gia đình

Sau khi tìm hiểu, chị Chảo Mùi Phẩy nhận thấy cây măng tây đang được thị trường ưa chuộng, giá bán cao, công chăm sóc ít và cho thu hoạch đều nên mạnh dạn đầu tư. Nhờ cây măng tây, đến nay gia đình chị đã thoát nghèo.

Học trồng cây măng tây qua sách báo

Xuất thân trong một gia đình thuần nông nghèo, từ nhỏ chị Chảo Mùi Phẩy (thôn Phùng Dao, xã Thanh Bình, thị xã Sa Pa, Lào Cai) đã phải tự lập kinh tế và giúp đỡ cha mẹ trong việc đồng áng. Năm 2013, chị lập gia đình. Những năm sau đó, 2 đứa con lần lượt ra đời. Tuy nhiên, cuộc sống gia đình vẫn rất khó khăn, do thu nhập của gia đình chỉ trông vào nương lúa, ngô. Vì thế, chị Phẩy luôn trăn trở để tìm cách đưa kinh tế gia đình đi lên, tạo điều kiện cho các con ăn học.

Bước đầu, với đồng vốn ít ỏi của gia đình, năm 2017 chị đã cùng chồng mở một quán sửa chữa xe máy nhỏ ngay tại trung tâm xã. Tuy nhiên, sau một thời gian mở quán, chị thấy hiệu quả thu được không nhiều, cuộc sống vẫn không đủ trang trải.

Sau khi tìm tòi, nghiên cứu, học tập qua sách báo, tivi, chị nhận thấy cây măng tây đang được thị trường ưa chuộng, giá bán cao, công chăm sóc ít và cho thu hoạch đều. Vì vậy, chị mạnh dạn tập trung nguồn vốn đầu tư trồng cây măng tây. Dựa vào điều kiện khí hậu, lợi thế của địa phương, chị Phẩy đã bắt tay vào việc trồng cây măng tây cung cấp ra thị trường.

Trồng cây măng tây, người phụ nữ dân tộc Dao đã thoát nghèo - Ảnh 1.

Vườn măng tây của gia đình chị Phẩy

Năm 2019, chị cải tạo lại vườn tạp của gia đình để trồng cây măng tây với hơn 2.000 gốc. Sau 6 tháng trồng và chăm sóc, cây măng tây đã bắt đầu cho thu hoạch. Những búp măng to, mập, đạt chất lượng cao nên rất được thị trường ưa chuộng. Trung bình mỗi ngày, vườn măng tây của gia đình chị thu được 6,5 kg. Thời điểm đó, giá bán măng tây trên thị trường khoảng 70.000 đồng/kg. Tính ra, mỗi tháng vườn măng tây của gia đình cho thu được khoảng 14 triệu đồng. Sau khi trừ chi phí đầu tư, công chăm sóc, mỗi vụ măng tây đem lại thu nhập cho gia đình chị Phẩy gần 100 triệu đồng.

 Nhờ sự chăm chỉ nỗ lực và không ngừng tìm tòi, học hỏi, nắm vững kỹ thuật cũng như hiểu được đặc tính của cây, nên vườn măng tây của chị phát triển tốt, ít sâu bệnh gây hại. Đến nay, khi có ai hỏi về kỹ thuật trồng măng tây, chị nói lưu loát.

 "Với cây măng tây, thời điểm sâu bệnh nhiều nhất là từ tháng 3 đến tháng 5 hàng năm. Chủ yếu là bệnh nấm thân cây, vàng lá, thối rễ. Đặc biệt, mầm măng tây rất yếu, dễ bị bệnh. Vì vậy, phải thường xuyên vệ sinh vườn, dọn cỏ, cắt tỉa những cành lá già, đảm bảo vườn không bị ngập úng và bón đủ lượng phân hữu cơ", chị chia sẻ. 

Nhiệt tình với công tác Hội

Nhờ trồng măng tây, gia đình chị tiết kiệm được ít vốn, cùng với có kinh nghiệm về chăn nuôi, vợ chồng chị quyết định đầu tư thêm chăn nuôi lợn.

Để tăng thêm thu nhập cho gia đình, tháng 4/2021, gia đình chị nhập 20 con lợn giống về nuôi. Chị đã tận dụng khu đất trống của gia đình, xây dựng hệ thống chuồng trại, hệ thống máng ăn, khu nhà tiêu được bố trí khoa học, hợp lý, góp phần giảm ô nhiễm môi trường nông thôn.

"Trước đây gia đình tôi rất khó khăn, làm bao nhiêu cũng không đủ ăn. Qua tìm hiểu trên sách báo, trên tivi thì thấy mô hình trồng măng tây rất là hay và tôi quyết định đưa mô hình măng tây về trồng. Bên cạnh đó, tôi cũng nuôi thêm con lợn để tăng thêm thu nhập cho gia đình và đến nay thì thu nhập cho gia đình ổn định"; Chị Chảo Mùi Phẩy, thôn Phùng Dao, xã Thanh Bình chia sẻ.

Không chỉ làm kinh tế giỏi, chị Phẩy luôn sẵn sàng giúp đỡ chị em hội viên nghèo, có hoàn cảnh khó khăn trong thôn. Chị luôn nhiệt tình và sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm trong lao động sản xuất. Dù công việc có vất vả nhưng chị vẫn sắp xếp thời gian hợp lý tham gia các cuộc họp, các buổi sinh hoạt của chi Hội, Hội phụ nữ xã.

Trồng cây măng tây, người phụ nữ dân tộc Dao đã thoát nghèo - Ảnh 3.

Măng tây của gia đình chị Phẩy thu hoạch, chuẩn bị mang đi bán

"Chị Phẩy phát triển kinh tế rất là tốt. Chị là một trong những hộ mạnh dạn đưa giống măng tây về trồng tại địa phương và phát triển chăn nuôi lợn, có nguồn thu nhập ổn định. Em đã tham quan và học hỏi và làm theo mô hình của chị Phẩy", chị Phùng Cở Mẩy, một hội viên phụ nữ trong thôn chia sẻ. 

Chị Phùng Mùi Diện, Chủ tịch Hội LHPN xã Thanh Bình cho biết, chị Chảo Mùi Phẩy rất tích cực trong phát triển kinh tế gia đình. Mô hình trồng cây măng tây của chị Phẩy có hiệu quả kinh tế cao, được nhiều chị em học hỏi và làm theo. 

Cũng theo chị Diện, chị Phẩy còn là một hội viên phụ nữ gương mẫu, luôn chấp hành tốt đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật Nhà nước, các phong trào thi đua do Hội phụ nữ phát động, như nuôi dạy các con chăm ngoan, hiếu thảo. Điều đáng học hỏi ở chị chính là sự cần cù, chịu khó, từ hai bàn tay trắng, đến nay, chị đã thoát nghèo và vươn lên có cuộc sống ổn định, chị trở thành tấm gương tiêu biểu về nghị lực vượt khó của hội viên phụ nữ trong xã. 

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm