Trục lợi BHYT: 1 người bệnh đi khám 20 lần/tháng

14/06/2017 - 12:14
Tình trạng lợi dụng, trục lợi quỹ BHYT ngày càng tăng, xảy ra tình trạng người có BHYT “sáng khám, chiều khám”, 1 người đi khám bệnh tới 20 lần/tháng - đó là vấn đề được nêu ra trong phiên chất vấn Bộ trưởng Bộ Y tế tại Quốc hội sáng 14/6.
nguyn-th-phc-tnh-hng-yn.jpg
Đại biểu Nguyễn Thị Phúc, đoàn Hưng Yên, đặt câu hỏi chất vấn Bộ trưởng Bộ Y tế 

Đại biểu Nguyễn Thị Phúc, đoàn Hưng Yên, cho rằng tình trạng lạm dụng, trục lợi Bảo hiểm y tế (BHYT) ngày càng tăng. Nhiều cơ sở y tế có tình trạng tiếp thị trong khám chữa bệnh. Người có BHYT đi khám bệnh nhiều lần trong ngày và trong tuần. Các cơ sở khám chữa bệnh tăng chỉ số xét nghiệm, chụp X-quang… Điều này làm tăng chi phí và gây quá tải ở các cơ sở y tế; gây bội chi quỹ BHYT. Đại biểu này chất vấn: “Bộ Y tế có biện pháp mạnh nào để giải quyết tình trạng này?”.

Chung mối quan tâm, đại biểu Dương Tấn Quân, đoàn Bà Rịa - Vũng Tàu, nêu thêm: Thực hiện chính sách điều chỉnh giá dịch vụ y tế theo hướng tính đúng, tính đủ; giao quyền tự chủ cho cơ sở y tế công lập. Nhiều cử tri quan tâm giá dịch vụ tăng nhưng chất lượng khám chữa bệnh có tăng, hay gây nên tình trạng bội chi quỹ BHYT?

Trả lời chất vấn, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến thừa nhận: Qua kiểm tra, giám sát ở các địa phương và các cơ sở y tế thuộc Bộ, “có tình trạng lạm dụng, trục lợi BHYT”. Hành vi lạm dụng này diễn ra từ cả 2 phía là cơ sở y tế và từ phía người dân.

Trưởng ngành y tế lý giải: Giá dịch vụ khám chữa bệnh tăng và quyền lợi của người có BHYT được hưởng ngày càng cao. Đồng thời, việc thông tuyến khám chữa bệnh, nên đã xảy ra “tình trạng người có BHYT “sáng khám, chiều khám”, 1 người đi khám bệnh tới 20 lần/tháng”.

Còn từ phía cơ sở y tế, theo Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến, giao quyền tự chủ cho cơ sở y tế nên có tình trạng tăng thu, tăng xét nghiệm, tăng các dịch vụ y tế, kéo dài thời gian điều trị; hoặc bệnh nhân chưa đến mức phải nhập viện cũng cho nhập viện.

nguyen-thi-kim-tien-bo-truong-y-te.jpg
 Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến trả lời chất vấn tại Quốc hội sáng 14/6

Để khắc phục tình trạng này, Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến cho biết: Giải pháp là áp dụng quy trình quản lý khám chữa bệnh chặt chẽ, có kèm theo giám sát. Đồng thời, phía Bảo hiểm Xã hội Việt Nam cũng xây dựng mức trần chi cho các cơ sở khám chữa bệnh có BHYT.

Một vấn đề cũng liên quan tới BHYT, là tình trạng các bệnh viện không công nhận kết quả xét nghiệm của các cơ sở y tế khác và cơ sở tuyến dưới và phải xét nghiệm lại, gây tốn kém cho người dân và làm tăng chi phí chi trả BHYT. Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến cho biết, mới đây, Chính phủ đã có nghị quyết và Bộ này ra thông tư; theo đó, trong tháng 6/2017, các cơ sở y tế tuyến Trung ương và tuyến tỉnh sẽ phải công nhận các kết quả xét nghiệm của nhau. Lộ trình đến 2018, cơ sở y tế ở các tuyến sẽ công nhận các kết quả xét nghiệm của nhau.

Trước đó, tại buổi giao ban công tác của BHXHVN ngày 12/6, thống kê cho thấy, hết tháng 5/2017, số người tham gia BHYT là 76,39 triệu người, đạt tỷ lệ bao phủ BHYT toàn quốc là 82,14% dân số. 5 tháng đầu năm đã thanh toán chi phí khám chữa bệnh BHYT cho 63,2 triệu lượt người, tăng 6,9 triệu lượt người (12,2%) so với cùng kỳ năm 2016.

Dẫn chứng thực tế về tình hình sử dụng quỹ khám chữa bệnh có BHYT hiện nay, ông Dương Tuấn Đức, Giám đốc Trung tâm Giám định BHYT và Thanh toán đa tuyến khu vực phía Bắc, cho biết: Tính đến hết tháng 5/2017, từ thống kê trên Hệ thống thông tin giám định BHYT cho thấy, tổng chi khám chữa bệnh BHYT đã lên tới 32.700 tỷ đồng, trong đó có rất nhiều chi phí bất hợp lý. Đơn cử như việc nhiều cơ sở y tế đã lợi dụng quy định của Bộ Y tế để chia nhỏ các dịch vụ y tế nhằm thanh toán trùng lắp nhiều quy trình kỹ thuật; chưa kể một số dịch vụ y tế còn được xây dựng với mức giá cao hơn giá thực tế…

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm