Trưởng Đại diện UNICEF tại Việt Nam nêu những rủi ro với trẻ em gái dân tộc thiểu số

Bài và ảnh: An Khê
08/12/2021 - 20:55
Trưởng Đại diện UNICEF tại Việt Nam nêu những rủi ro với trẻ em gái dân tộc thiểu số

Trẻ em vùng cao. Ảnh minh họa

Theo bà Rana Flowers- Trưởng Đại diện UNICEF tại Việt Nam cho biết, trẻ em gái dân tộc thiểu số gặp phải rất nhiều rủi ro, như là tảo hôn, khó khăn trong cơ hội được đến trường. Điều đó đòi hỏi các cơ quan quản lý, chính quyền địa phương cần nỗ lực hơn nữa trong việc cải thiện điều kiện cho các em.

Tại buổi Hội thảo công bố Báo cáo kết quả điều tra các mục tiêu phát triển bền vững về trẻ em và phụ nữ Việt Nam 2020-2021, Trưởng Đại diện UNICEF tại Việt Nam - bà Rana Flowers - đã chỉ ra 5 điểm nổi bật của kết quả điều tra.

Trẻ em gái dân tộc thiểu số gặp phải nhiều rủi ro - Ảnh 1.

Phụ nữ, trẻ em dân tộc thiểu số, đặc biệt là người Mông, người Khmer là nhóm đối tượng yếu thế hơn cả

- Trẻ em gái dân tộc thiểu số gặp phải rất nhiều rủi ro: Phụ nữ, trẻ em dân tộc thiểu số, đặc biệt là người Mông, người Khmer là nhóm đối tượng yếu thế hơn cả, xét về các chỉ tiêu phát triển bền vững của Liên hợp quốc. Mặc dù, thời gian qua, Việt Nam đã có sự phát triển nói chung ở nhóm phụ nữ và trẻ em, nhưng với những nhóm đối tượng dân tộc thiểu số này vẫn còn có một khoảng cách so với cả các nhóm đối tượng khác trong xã hội, đặc biệt xét về tiếp cận với cơ hội được tiêm chủng, điều kiện vệ sinh, nước sạch. Theo bà, trẻ em gái dân tộc thiểu số gặp phải rất nhiều rủi ro, như là tảo hôn, khó khăn trong cơ hội được đến trường. Điều đó khiến cho các cơ quan quản lý, chính quyền địa phương thấy rằng cần tập trung nhiều hơn nữa nỗ lực của mình vào lĩnh vực này.

- Thiếu kỹ năng về công nghệ thông tin: Mặc dù điều tra không chứng minh hoặc không làm rõ khoảng cách tiếp cận với các phương tiện số giữa trẻ em các vùng miền, dân tộc. Tuy nhiên điều tra đã chứng minh việc thiếu tiếp cận với Internet và đặc biệt là thiếu kỹ năng về công nghệ thông tin của trẻ em trai, trẻ em gái, nam giới và phụ nữ trên khắp Việt Nam. Theo đó, mặc dù có hơn 80% người từ 15-49 tuổi sử dụng Internet nhưng chỉ có hơn 30% người biết sử dụng máy vi tính.

- Nhiều trẻ em đi làm sớm: Ở nhiều khu vực, tình trạng bất bình đẳng giới mặc dù không rõ ràng nhưng kết quả điều tra cho thấy nguy cơ trẻ em không đi học tăng dần theo cấp học và đội tuổi. Bậc Tiểu học (Cấp 1) có 98,2% trẻ em đi học đúng tuổi và chỉ có 1,2% trẻ em không đi học, nhưng đến cấp THPT (Cấp 3), tỷ lệ đi học đúng tuổi chỉ còn 78,1% và tỷ lệ học sinh không đi học ở cấp học này là 21,6%. Tỷ lệ hoàn thành cấp học cũng có xu hướng giảm, với tỷ lệ hoàn thành tiểu học là 98,3% giảm xuống còn 86,8% ở cấp Trung học Cơ sở và chỉ còn 58,1% ở cấp Trung học Phổ thông. Từ những con số này, có thể thấy trong bối cảnh khó khăn kinh tế, nhiều trẻ em phải bỏ học, đi làm từ rất sớm, khi điều kiện tài chính của bố mẹ không đảm bảo.

- Bạo lực gia đình: Tình trạng kỷ luật trẻ em bằng phương pháp bạo lực trong hộ gia đình vẫn là một thực hành phổ biến ở Việt Nam. Có 70,8% trẻ em dưới 15 tuổi từng đã phải chịu ít nhất một hình thức xử phạt tâm lý (như la hét, chửi mắng trẻ...) hoặc thể xác (đánh hoặc phát trẻ vào bàn tay, cánh tay, cẳng chân...) bởi các thành viên trong hộ gia đình.

- Việt Nam đang đối mặt với khủng hoảng về nước sạch: Kết quả cuộc điều tra đã phát hiện ra rằng trên khắp Việt Nam bao gồm cả Thủ đô Hà Nội, có tới 50% người dân đang sử dụng và uống nước không đáp ứng được tiêu chuẩn về chất lượng nước - bà Rana Flowers thông tin.

Có thể thấy, kết quả điều tra phản ánh một bức tranh chân thực gồm các khoảng sáng, tối trong đời sống trẻ em và phụ nữ trong các hộ gia đình ở Việt Nam. Trong bối cảnh kinh tế xã hội năm 2020-2021 gặp nhiều khó khăn do đại dịch Covid-19, cuộc sống của người dân nói chung, trẻ em và phụ nữ nói riêng chịu nhiều tác động tiêu cực, chỉ có 42,5% phụ nữ và 45,4% nam giới từ 15-49 tuổi được phỏng vấn tại thời điểm điều tra cảm nhận cuộc sống được cải thiện trong 1 năm qua và cho rằng cuộc sống của họ sẽ tốt hơn sau 1 năm. Tuy nhiên, khó khăn không ngăn cản sự lạc quan, với bằng chứng có 64,3% phụ nữ và 69,8% nam giới từ 15-49 tuổi cảm thấy hạnh phúc, thậm chí rất hạnh phúc với cuộc sống hiện tại.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm